| Hotline: 0983.970.780

Tiếng nói nhà giáo:

Lãnh đạo Sở để xảy ra tiêu cực năm 2018 nên từ chức!

Thứ Năm 06/06/2019 , 09:53 (GMT+7)

Đến thời điểm này, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang đã được xác định là dính líu đến tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018.

Ảnh mang tính minh họa.

Nếu được làm triệt để, chúng ta không loại trừ khả năng tiêu cực đã từng xảy ra ở những năm trước đây. Bởi năm ngoái mới xảy ra thì nó sẽ không có một quy mô rộng và nhiều đến như vậy. Sơn La có 44 thí sinh, Hòa Bình 64 thí sinh và Hà Giang là 107 thí sinh đã được xác định sửa điểm. Nếu như “làm nháp” lần đầu, không ai có thể dám liều lĩnh đến như vậy!

Ban Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Sơn La có 3/3 người đều được xác định vướng vào tiêu cực. GĐ Sở GD- ĐT Hoàng Tiến Đức bị tố đã “gửi gắm” 8 thí sinh, 2 PGĐ thì ông Trần Xuân Yến nhận sửa điểm cho 13 thí sinh, ông Nguyễn Duy Hoàng có con được nâng 3 điểm. Chánh Thanh tra sở, Trưởng phòng Giáo dục trung học cũng có con được nâng khống điểm, Phòng Khảo thí thì đã “tan hoang” khi dính chàm gần hết.

Sở GD- ĐT Hà Giang đã có 2 PGĐ bị truy tố là bà Triệu Thị Chính và ông Phạm Văn Khuông. Trưởng, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương cũng đã bị truy tố, bắt giam.

Ở Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra đã đề nghị truy tố 6 bị can: Nguyễn Quang Vinh, nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy; Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, còn có 3 giáo viên chấm thi môn Ngữ văn cũng đã bị khởi tố, bắt giam là: Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân; Nguyễn Thị Hồng Chung, giáo viên trường THPT Ngô Quyền; Bùi Thanh Trà, giáo viên trường THPT Lương Sơn.

Đặc biệt, đã xác định có sự tham gia của một số thành viên Ban Giám đốc Sở. Đến nay, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy tố 3 PGĐ, 2 người ở Hà Giang và 1 người ở Sơn La. Ngoài ra, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đã đề nghị kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức, GĐ Sở GD- ĐT Sơn La.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta băn khoăn là một khi PGĐ tham gia trực tiếp vào việc sửa điểm thì lẽ nào GĐ Sở lại không biết? Cứ cho là không biết thì cũng phải chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh, chỉ đạo Hội đồng thi của mình. Thế nhưng, cả 3 vị GĐ Sở vẫn đang trong một tư thế ung dung, tự tại suốt gần 1 năm qua. Ngoài GĐ Sở GD- ĐT Hà Giang đã về hưu rồi thì GĐ Sở tỉnh Sơn La, Hòa Bình vẫn đang tại vị và chờ ngày…về hưu.

Các PGĐ cũng vậy, họ là những người chỉ đạo trực tiếp các phòng ban trong Sở, lẽ nào họ không phải nhận trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật? Liệu khi sửa điểm cho 64 thí sinh ở Hòa Bình mà chỉ mấy vị ở Phòng khảo thí và 3 giáo viên chấm thi liên quan trực tiếp thôi sao? Cứ nhìn ở Sơn La, chúng ta cũng thấy có có sự liên quan đến rất nhiều con người từ phòng ban này cho đến Ban Giám đốc và ngược lại.

Trong số 5 người bị khởi tố ở Hà Giang, có 4 người đang công tác ở ngành giáo dục và cả 4 người đều ở Sở GD- ĐT. Cơ quan điều tra đã xác định 2 PGĐ đã liên quan trực tiếp, một người nhờ sửa điểm cho con, một người đưa danh sách cho cấp dưới sửa điểm. Với 107 thí sinh như công an vừa công bố thì 3 lãnh đạo (bà Chính, ông Hoài, ông Lương) ngành giáo dục Hà Giang cũng khó có thể làm được.

Có nhiều vấn đề còn đang trong quá trình điều tra, còn nhiều điều vẫn là những dấu hỏi cho dư luận. Tuy nhiên, với những gì đã xảy ra thì ngoài những người đã bị truy tố, bắt giam, những người còn lại như Ban Giám đốc (thời điểm thi năm 2018) của 3 Sở GD- ĐT cũng cần mạnh dạn xin nhận trách nhiệm và nên từ chức.

Từ chức là tự trọng bản thân và vì ngành giáo dục của địa phương mình. Từ chức là điều nên làm, đừng để những sự việc tương tự như ông Hoàng Tiến Đức, GĐ Sở GD- ĐT Sơn La mà chúng ta đang thấy!

(Giáo viên THPT tỉnh An Giang)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất