| Hotline: 0983.970.780

Lãnh đạo xóm bán đất, dân khóc ròng

Thứ Tư 15/06/2011 , 13:24 (GMT+7)

15Xóm trưởng, xóm phó lập mưu tự áp giá đền bù rồi phân lô, bán nền cho hàng chục hộ dân. Sau khi sự việc bại lộ, các thành viên ban cán sự xóm bị đi tù.

Khu vực đất được quan xóm bán cho các khổ chủ
Xóm trưởng, xóm phó lập mưu tự áp giá đền bù rồi phân lô, bán nền cho hàng chục hộ dân. Sau khi sự việc bại lộ, các thành viên ban cán sự xóm bị đi tù. Còn người dân bỏ tiền mua đất, thậm chí được cấp sổ đỏ trắng tay bởi tất cả chỉ là "đất ma"!

Năm 2004, bà Hồ Thị Hoài, trú ở xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên, Nghệ An) bỏ tiền mua một lô đất ở có diện tích 200 m2 tại xóm 1, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (nay là khối 1, phường Vinh Tân, TP.Vinh). Quá trình mua bán mảnh đất này, bà Hoài đã được cán bộ xóm và chính quyền xã Hưng Thịnh làm đầy đủ các quy định cần thiết của địa phương. 

Theo đó, vào ngày 20/8/2004, bà Hoài được ông Dương Văn Hoàn, cán bộ địa chính xã Hưng Thịnh và ông Trương Quang Thọ, Xóm trưởng Xóm 1 trực tiếp xuống hiện trường khu đất quy hoạch để đo đất và cắm mốc, đồng thời lập biên bản giao đất ở nông thôn cho gia đình bà. Biên bản giao đất ở có đầy đủ chữ ký xác nhận của cán bộ địa chính và của ông Dương Văn Bính, đương kim Chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh lúc đó.

Từ hồ sơ ban đầu này, vào ngày 30/12/2008, bà Hồ Thị Hoài đã được UBND huyện Hưng Nguyên cấp Giấy CNQSDĐ số AB:159392, thuộc lô 132, tờ bản đồ số 2 với tổng diện tích 200 m2. Yên chí là đã có đất ở trong tay, đến tháng 7/2008, bà Hoài đến báo cáo với chính quyền xã Hưng Thịnh để chuẩn bị xây dựng nhà ở cho gia đình. Điều làm bà Hoài tá hoả là ngay lúc đó bà được cán bộ địa chính xã Hưng Thịnh cho biết đất của gia đình bà hiện không nằm ở vị trí được ghi trên bìa đỏ nữa mà sẽ có sự chuyển dịch đi chỗ khác, còn dịch chuyển đến đâu và bao giờ thì chính họ cũng chưa nắm được (!?)

Hoảng hồn trước thông tin bất ngờ này, bà Hoài đã mang Giấy CNQSDĐ đến đối chiếu với sổ sách và thực địa thì mới biết lô đất mà bà được ông Hoàn và ông Thọ cắm mốc và lập biên bản giao đất vào năm 2004 đã bị đấu giá và được chính quyền xã cắm mốc giao cho hộ khác. Trên sổ sách, Quyết định cấp đất ngày 30/12/2008, do ông Trần Xuân Trung, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên ký, thửa đất nói trên không biết vô tình hay cố ý mà chính quyền xã Hưng Thịnh lại ghi là “thửa số 1328” chứ không phải “thửa số 132” như hồ sơ mà trước đó họ đã giao cho bà Hoài. 

Điều làm dư luận địa phương bức xúc là không riêng gì bà Hồ Thị Hoài đã "ăn quả lừa" khi mua phải lô đất "đất ma" nói trên, cùng chung tình cảnh đó còn có hàng chục trường hợp khác như chị Lê Thị Mỹ Dung, Nguyễn Thị Giang và nhiều hộ dân khác cũng đã từng bỏ tiền tỷ ra để mua 21 lô đất ở khu vực cánh đồng Eo Cuồng, Lò Vôi hiện cũng lâm vào cảnh "dở khóc, dở mếu" tương tự.

Trước đây, những nạn nhân này do có nhu cầu về đất ở sát với TP Vinh nên đã tìm đến xóm 1, xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên để mua đất. Họ đã thông qua một cò đất có quan hệ mật thiết với lãnh đạo xã này môi giới và được cán bộ xóm, xã nhiệt tình giúp đỡ nên đều làm đủ các thủ tục giao nhận đất, thậm chí còn nhiệt tình hướng dẫn họ làm hồ sơ để xin cấp Giấy CNQSDĐ. Tuy nhiên, sau khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng và cầm chắc trong tay Giấy CNQSDĐ chính chủ nhưng họ đâu ngờ rằng cái mà họ nhận được hoàn toàn không có giá trị. 

Liên quan đến việc quan xã, quan xóm bán hàng chục lô đất ảo trên giấy tờ nêu trên, qua tìm hiểu của PV, chúng tôi được biết trong quãng thời gian từ năm 2004 đến 2006, UBND huyện Hưng Nguyên đã cho phép xã Hưng Thịnh chuyển đổi mục đích sử dụng một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang đất ở, trong đó có khu vực Eo Cuồng, Lò Vôi (thuộc xóm 1, xã Hưng Thịnh) với tổng diện tích 4.762m2.

Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành quy hoạch phân lô thì ban cán sự xóm 1 (gồm xóm trưởng Trương Quang Thọ và xóm phó, kiêm kế toán xóm Nguyễn Kim Long) đã "cầm đèn chạy trước ô tô"; 2 vị này đã dựa vào hồ sơ do Phòng TN-MT huyện Hưng Nguyên vẽ ban đầu (trình UBND huyện nhưng chưa phê duyệt), tự tiện áp giá đền bù cho người bị thu hồi đất và thông qua một "cò đất" có tiếng ở địa phương bán chui, bán lủi theo giá thị trường cho nhiều đối tượng để kiễm mỗi lô hàng chục triệu đồng, sau đó nộp vào "ngân sách… xóm" tổng cộng 1.546 triệu đồng (21 lô đất) để tiêu xài và xây dựng một số công trình của xóm 1. 

Số tiền nói trên, 2 vị cán bộ xóm đã chi vào các khoản như: Trích gửi thủ quỹ xã Hưng Thịnh; chi trả tiền đền bù các hộ bị thu hồi đất; sửa chữa nhà văn hóa; phụ chi xây dựng đường điện và xây dựng cổng làng hết trên 1,42 tỷ đồng, còn 124,7 triệu "thất thoát" không tìm được nguyên nhân. Mãi đến tháng 6/2008, khi huyện Hưng Nguyên tổ chức đấu giá khu đất đã quy hoạch tại vùng Eo Cuồng, Lò Vôi để thu tiền vào ngân sách thì vụ việc trên mới bị bại lộ. 

Hiện 21 hộ dân mua phải đất trên giấy đang rất hoang mang, nhất là từ năm 2009 khi toàn bộ khu dân cư xóm 1, Hưng Thịnh đã được nhập về TP Vinh, được mang tên gọi mới là khối 1, phường Vinh Tân. Quả bóng trách nhiệm xử lý hậu quả (trả đất cho các khổ chủ) hiện đang treo lơ lửng giữa không trung, chưa biết cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Đến lúc đó, UBND xã Hưng Thịnh "đối phó" bằng cách làm văn bản yêu cầu ban cán sự xóm 1 trả lại tiền cho những người đã mua đất nhưng trên thực tế số tiền trên đã chi tiêu hết. Quan xóm tá hoả vì không biết lấy đâu ra để chi trả nên vụ việc bị đưa ra ánh sáng, các cơ quan pháp luật vào cuộc. Trong khi Trương Quang Thọ và những người liên quan đang tìm cách khắc phục hậu quả thì Nguyễn Kim Long (xóm phó, kiêm kế toán) quá hoang mang, lo sợ nên đã tự vẫn. 

Ngày 20/10/2010, TAND tỉnh Nghệ An đã mở phiên tòa sơ thẩm đưa 2 bị cáo Dương Văn Hoàn, nguyên cán bộ địa chính xã Hưng Thịnh và Trương Quang Thọ, nguyên xóm trưởng xóm 1 ra xét xử về hành vi "lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ" và tội "giả mạo trong công tác". Kết thúc phiên toà, HĐXX cấp sơ thẩm đã tuyên phạt Trương Quang Thọ 18 tháng tù giam về tội "Giả mạo trong công tác" và 30 tháng tù về tội "Lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ", tổng hợp cả hai hình phạt là 54 tháng tù; Dương Văn Hoàn cũng bị xử phạt 18 tháng tù với 2 tội danh trên nhưng cho hưởng án treo.

Điều đáng nói phía sau phiên toà chính là việc HĐXX đã không xem xét đến trách nhiệm liên đới của UBND xã Hưng Thịnh và nhất là sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của phía UBND huyện Hưng Nguyên trong vụ việc này. Chính vì vậy, cho đến nay, 21 khổ chủ chẳng may rơi phải “bẫy lừa” của các quan trên chỉ mới nhận được những lời hứa hão rằng họ sẽ được cấp đất nơi khác tương xứng với số tiền đã bỏ ra. Thế nhưng từ đó đến nay chưa có bất kỳ một động thái nào chứng tỏ họ đã và đang thực hiện lời hứa ấy.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm