| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai: Hàng chục hồ chứa hiểm nguy trước mùa mưa lũ

Thứ Ba 16/07/2019 , 09:05 (GMT+7)

Mặc dù thường xuyên được kiểm tra, sửa chữa, nhưng tại tỉnh Lào Cai hiện nay có hàng chục hồ chứa dung tích lớn bị xói lở, hư hỏng. Điều này dấy lên mối lo ngại an toàn hồ đập khi mùa mưa lũ đã cận kề.

Xuống cấp hàng loạt

Hồ Vinh, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn được làm từ những năm 80 của thế kỷ trước, với mục tiêu cung cấp nước SXNN cho người dân thôn Vinh. Do hồ chưa được xây dựng kiên cố, thân đập bằng đất nên qua rất nhiều năm khai thác, hồ có dấu hiệu xuống cấp.

15-18-47_3
Nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn hồ đập mùa mưa lũ rất cao.

Ông Lương Văn Điệp, Chủ tịch UBND xã Võ Lao cho biết, qua khảo sát của cơ quan chức năng mới đây, hồ Vinh có hiện tượng rò rỉ tại mang cống tháo cạn, tràn đất tự do có hiện tượng xói lở, mái thượng lưu bị xói lở. Nhiều năm trở lại đây, xã Võ Lao cũng đã có văn bản báo cáo huyện Văn Bàn để có phương án khắc phục, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Cũng như hồ Vinh, hồ Na Quynh, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng được làm từ năm 1964 với mục tiêu cấp nước cho 20ha ruộng và sau này nuôi thủy sản. Mới đây, qua kiểm tra, rà soát, Chi cục Thủy lợi Lào Cai khẳng định, phần thân đập của hồ Na Quynh có hiện tượng rò rỉ. Mái đập đã được xây đá hộc gia cố, tuy nhiên đã xuống cấp, hư hỏng. Hồ bị bồi lắng, ảnh hưởng khả năng tích trữ nước.

15-18-47_1
Hồ Na Quỳnh, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng bị rò rỉ thân đập.

Ngoài 2 hồ trên, một số hồ chứa tại tỉnh Lào Cai cũng có dấu hiệu xuống cấp. Có thể kể đến hồ Khuổi Lếch, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên. Phần đập bị bào mòn, rò rỉ. Tràn đất bị bồi lấp, cửa vào cống tưới kết hợp tháo cạn bị nứt, xuống cấp. Nguồn nước suy kiệt, thiếu nước tưới, cần bổ sung đường ống dẫn nước về hồ.

Hồ Noong Chai, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn, cống tháo nước đã bị rò rỉ; mái đập thượng lưu, bờ hồ bị sạt; lòng hồ bị bồi lắng nghiêm trọng. Hồ tổ 1A, thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, phần mái đập thượng lưu bị bào mòn, mái hạ lưu có hiện tương sạt lở, đập rò rỉ, cống tưới bị rò rỉ đáy, tràn đất bị bào mòn, xuống cấp.

15-18-47_2
Hồ 1A, thị trấn phố Ràng, huyện Bảo Yên cũng có dấu hiệu xuống cấp.
31 hồ chứa có dung tích lớn hơn 50.000m3 đang có một số hạng mục hư hỏng cần sửa chữa, như xói lở mái thượng lưu, van lấy nước bị rò rỉ, tắc cống, tràn bị bồi lắng.

Ngoài ra, còn phải kể đến các hồ Nậm Mả, xã Nậm Mả, huyện Văn Bàn; hồ 19/5 xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng; Mai 4, xã Minh Tân, huyện Bảo Yên cũng đang bị xuống cấp, cần phải sửa chữa, nâng cấp kịp thời.
 

Nâng cấp, sửa chữa khó khăn

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Lào Cai) cho biết, địa phương có 101 hồ chứa. Trong đó có 2 hồ chứa nước lớn, 7 hồ loại vừa, còn lại là các hồ nhỏ. Điểm chung các hồ chứa đều tràn tự do qua đập hoặc qua ống cống, không có van điều tiết.

Việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chưa kê khai đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước, chưa lập quy trình vận hành hồ chứa, lắp thiết bị quan trắc đập... Nguyên nhân là do hầu hết các đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều là đập, hồ nhỏ, không có van điều tiết.

Mặt khác, các đập, hồ chứa đều do nhân dân tự xây dựng từ những năm 70. Qua thời gian sử dụng chỉ nâng cấp, cải tạo lại, hiện 100% đập, hồ chứa nước đều do UBND cấp xã quản lý, khai thác, do vậy việc bố trí kinh phí để nâng cấp, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được.

15-18-47_4
Hồ Văn Bàn nhìn từ trên cao.

Qua kiểm tra, toàn tỉnh Lào Cai có 101 hồ chứa nước thủy lợi cơ bản đang vận hành an toàn. Một số hồ chứa nguy cơ mất an toàn cao đã được đầu tư sửa chữa kịp thời, như hồ Luổng Đơ, xã Cốc San (huyện Bát Xát), hồ tổ 4A, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên), hồ Noong Pó, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn).

Theo ông Ngọc, để đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, thời gian qua, Lào Cai đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý an toàn đập. Hằng năm xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, phương án ứng phó thiên tai, ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong đó, lồng ghép phương án phòng, chống thiên tai và phương án khắc phục hạn hán.

Cơ quan chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, rà soát đập, hồ chứa đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, Bộ NN-PTNT.

Hiện Sở NN-PTNT Lào Cai đã xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp 59 hồ chứa, tổng kinh phí khoảng 206,9 tỷ đồng. Ngoài ra, 8 hồ hư hỏng nặng cần sửa chữa cấp bách, Lào Cai đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện, nhu cầu kinh phí 50 tỷ đồng.

Sở NN-PTNT Lào Cai đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương sử dụng kinh phí cấp bù giá dịch vụ thủy lợi và huy động nhân dân đóng góp để sửa chữa, khắc phục tạm 39 hồ hư hỏng nhẹ. Các hồ này sẽ tiếp tục được đầu tư sửa chữa trong những năm tới.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm