| Hotline: 0983.970.780

Lào Cai lập các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp 'đè' luật !?

Thứ Ba 07/03/2017 , 10:06 (GMT+7)

Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV NNVN đã gặp nhiều đơn vị, người trong cuộc chính là những bộ phận mới của các Trung tâm DVNN.

Quyết định không theo luật

Tại Trạm Trồng trọt – BVTV, Khuyến nông TP Lào Cai, không khí làm việc khá im ắng. Một cựu cán bộ khuyến nông tại đây cho biết, vì đang trong quá trình sáp nhập, chuyển giao, mọi thứ chưa rõ ràng nên về chuyên môn nghiệp vụ vẫn làm như bình thường. Chỉ khác có một điều, nếu như trước đây, tất cả mọi thứ xảy ra, đơn vị này sẽ báo cáo “ngành dọc”, còn nay chỉ cần gửi cho UBND thành phố là xong. Nữ cán bộ này cho biết, hiện tại, UBND TP đang làm việc với Trung tâm DVNN để lấy phiếu tín nhiệm, bầu thêm 3 chức danh chủ chốt là GĐ và 2 PGĐ do 1 PGĐ (phụ trách) đã được ấn định dịp trước tết.

09-31-24_19
Quyết định 4713 của UBND tỉnh Lào Cai về việc sáp nhập, thành lập các Trung tâm DVNN
 

Tân PGĐ (phụ trách) Trung tâm DVNN, ông Trần Duy Hưng – nguyên Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – thú y TP Lào Cai tiếp chúng tôi tại trụ sở cũ, nơi nhiều năm ông bám trụ. Ông Hưng cho hay, theo quyết định của tỉnh, việc chuyển giao được thực hiện dưới hình thức nguyên trạng và đang trong thời gian thí điểm nên mọi thứ về cơ sở vật chất cũng như con người được giữ nguyên và chỉ khoảng 1 – 2 tuần tới là đơn vị này kiện toàn xong bộ máy để hoạt động.

Cũng theo ông Hưng, theo Quyết định 4713 thì Trạm Thú y vẫn giữ nguyên tên, có con dấu riêng, nhưng lại vẫn nằm trong Trung tâm DVNN. Điều này, nếu xét theo Luật Thú y do Quốc Hội ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2016 thì hoàn toàn trái, có dấu hiệu “đè” luật. Bởi lẽ, Trung tâm DVNN là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc UBND các huyện, TP.

Trong khi đó, theo Luật Thú y, các trạm này có nhiệm vụ thực thi pháp luật, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về thú y, bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm nông sản, quản lý phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, quản lý chất lượng vật tư phục vụ SX trồng trọt, chăn nuôi… Các trạm này đang phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành nông nghiệp và đã được luật pháp quy định.

Trung tâm DVNN không có chức năng quản lý và thực thi pháp luật chuyên ngành. Chính vì vậy, việc “gom” các trạm này vào một đơn vị sự nghiệp và tổ chức thành Trung tâm DVNN là trái với quy định của pháp luật.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hưng cho biết, riêng anh em cán bộ ngành thú y đang rất băn khoăn 2 vấn đề. Một là, hiện ngành thú y đang được cấp sắc phục riêng để hoạt động, hai là con dấu kiểm soát giết mổ đều do Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NN-PTNT) quản lý. Nay, nếu chi cục thu lại sắc phục, con dấu thì ngành thú y sẽ bị “cụt chân, cụt tay”. Cũng theo ông Hưng, hiện đơn vị này vẫn đang “mượn” con dấu cũ của chi cục để thực hiện việc kiểm soát giết mổ. Đặt ra tình huống, nếu như muốn khắc lại con dấu thì lại không đúng với thông tư hướng dẫn 09 của Bộ NN-PTNT.
 

Trống cán bộ thú y mùa dịch

Hiện nay, trong khi dịch cúm gia cầm đang hoành hành phía bên kia biên giới, có một điều đáng lo ngại là tại các xã của các huyện “thí điểm”, vị trí thú y viên đang bị trống, chưa biết khi nào phục hồi. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, tại tỉnh Lào Cai, trong 5 huyện “thí điểm”, chỉ có duy nhất huyện Văn Bàn là tái ký hợp đồng với lực lượng thú y cấp xã để hoạt động. Các huyện còn lại vẫn đang lúng túng, nhìn nhau.


Trung tâm DVNN huyện Bát Xát đang kiện toàn bộ máy để hoạt động
 

Ông Nguyễn Duy Chinh, tân GĐ Trung tâm DVNN huyện Bát Xát cho biết, ngày 20/2 vừa qua đơn vị này đã công bố quyết định thành lập. Đến nay, đang tiến hành kiện toàn, chờ bổ sung thêm hai chức danh là PGĐ. Toàn bộ nhân lực của trung tâm được chuyển tới làm việc tại trụ sở cũ của UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát).

Về câu chuyện đang trống cán bộ thú y mùa dịch, ông Chinh thừa nhận đây cũng là một nỗi lo của ngành thú y. Trước đây, lực lượng này được UBND các địa phương ký hợp đồng mùa vụ trực tiếp, là chân rết đắc lực của ngành thú y trong việc nắm bắt tình hình dịch bệnh. Theo ông Chinh, UBND các huyện nên giao việc này lại cho các Trung tâm DVNN sau khi kiện toàn.

Hiện tại, toàn bộ mảng thú y tại các cấp xã đều đổ lên vai một người là cán bộ khuyến nông. Ông Vũ Văn Sơn, PGĐ Trung tâm DVNN Bát Xát – nguyên Trạm trưởng Khuyến nông huyện thừa nhận, do mới đi vào hoạt động, chưa xây dựng được quy chế phối hợp, trao đổi nên cũng có phần rối ren. Tại các xã, cán bộ khuyến nông ngoài thực hiện nhiệm vụ của mình thì phải làm cả công tác tuyên truyền về dịch bệnh, nắm bắt tình hình, báo cáo về lãnh đạo trung tâm khi có vấn đề xảy ra.

Đằng sau câu chuyện thành lập Trung tâm DVNN tại Lào Cai là bao tâm tư, lo lắng của những người làm nông nghiệp, là sự “đè” luật của một quyết định cấp tỉnh! 

+ Ông Vũ Văn Sơn cho rằng, giữa các đơn vị như Trung tâm DVNN và Sở NN-PTNT, các Chi cục, Trung tâm Khuyến nông phải có quy chế phối hợp rõ ràng. Nếu như trước đây, hoạt động chuyên môn được chỉ đạo, báo cáo theo ngành dọc nay xoay ngang. Điển hình như mảng khuyến nông, ông Sơn cho biết, hiện vẫn trao đổi với “ngành dọc” bằng điện thoại, nhưng chỉ mang tính chất trao đổi.

+ Một cán bộ khuyến nông cơ sở cho biết rất tâm tư, từ ngày thành lập Trung tâm DVNN, do chưa phân công nhiệm vụ rõ ràng, lãnh đạo trung tâm chỉ giao “Thôi cứ về dưới xã hoạt động như cũ”. Nhưng vào đúng mùa dịch, nên ngoài làm công tác khuyến nông, còn phải đóng cả vai của cán bộ thú y để đi tuyên truyền cho người dân, kiểm tra tình hình dịch bệnh dù không phải chuyên môn…

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.