| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 11/08/2016 , 08:21 (GMT+7)

08:21 - 11/08/2016

Lao động bỏ trốn và 'vùng lợi ích' của người Việt

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã công bố danh sách 44 quận, huyện thuộc 11 tỉnh, thành phố, bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc do có số lượng người bỏ trốn ở mức cao.

Nhà khoa học Xô-viết Sergey Alexeyevich Lebedev (1902 – 1974), người chế tạo chiếc máy tính đầu tiên cho Liên Xô, từng đưa ra khái niệm (tạm dịch) là “vùng lợi ích” (comfort zone).

Theo đó, người dân ở mỗi quốc gia hay khu vực có quan niệm khác nhau về “vùng lợi ích”. Thí dụ với người dân Liên Xô (cũ) thì “vùng lợi ích” giới hạn ở bậu cửa căn hộ, còn từ hành lang trở ra không thuộc “vùng lợi ích” của họ. Cho nên rất khó để họ tham gia sửa chữa những thứ công cộng như là thay bóng đèn cầu thang, vòi nước dùng chung.

Với vài nước khác, “vùng lợi ích” của mỗi người dân có thể trải rộng ra đến sân chung, quảng trường, thư viện, bảo tàng, sân bay...

Còn với người Việt, “vùng lợi ích” thường rất hẹp khi mà không hiếm cảnh những người ăn mặc sang trọng kéo cửa kính ô tô xuống, rồi vứt rác ra đường - là thứ không nằm trong “vùng lợi ích” của họ (!).

Không chỉ biểu hiện ở không gian, “vùng lợi ích” còn biểu hiện trong tư duy, khi người ta chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân mà không hề quan tâm tới lợi ích của người khác, thậm chí là ngay với cả những người gần gũi của họ.

“Kiến giả nhất phận” chăng? Ở tầm quản lý, là việc xây dựng các công trình công cộng có tính chất giải ngân cho hết mà không hề quan tâm tới chất lượng hay công năng sử dụng. Ở tầm cá nhân, là việc người dân mạnh ai nấy làm, miễn được việc mình, còn hệ lụy thì không quan tâm.

Hiện tượng nhiều lao động bỏ trốn ở lại nước ngoài, là một trong số những ví dụ điển hình cho việc có một “vùng lợi ích” rất hạn hẹp trong tư duy của nhiều người Việt.

Chính vì lý do này mà Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã từng tạm dừng việc tiếp nhận các lao động người Việt. 

Rõ ràng đó là những hệ lụy vô cùng lớn với những người ở trong nước đang có nhu cầu thực sự trong công cuộc mưu sinh cho bản thân và gia đình.

Nó dẫn đến việc những người lao động có trình độ như nhau, có nhu cầu như nhau, nhưng một người được đi, còn một người không, chỉ bởi anh là người ở huyện A, còn tôi là người của huyện B.

Số lao động hiện đang bỏ trốn tại Hàn Quốc đã tự tước đi quyền lao động hợp pháp của chính bản thân mình và làm liên lụy đến rất nhiều đồng bào ở quê hương, làm mất cơ hội đi làm việc của khoảng 35.000-40.000 lao động đã thi tiếng Hàn mà chưa được đi.

Hệ quả của nó là khiến cơ hội của những người cùng cảnh ngộ khác bị hẹp lại, hình ảnh người lao động Việt Nam bị xấu đi. 

Bình luận mới nhất