| Hotline: 0983.970.780

Lao động trẻ vừa làm vừa học

Thứ Tư 16/03/2011 , 10:43 (GMT+7)

Để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình và theo đuổi ước mơ học hành, nhiều lao động trẻ từ nông thôn ra thành phố tìm việc đã chọn hướng đi vừa học, vừa làm.

Để giảm bớt gánh nặng về tài chính cho gia đình và theo đuổi ước mơ học hành, nhiều lao động trẻ từ nông thôn ra thành phố tìm việc đã chọn hướng đi vừa học, vừa làm.

Theo đuổi giấc mơ giảng đường

Tốt nghiệp THPT loại khá nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nguyễn Thị Huyền (quê Hà Tĩnh) phải gác lại giấc mơ vào đại học để bước vào cuộc sống mưu sinh nặng nhọc. Sau tết Tân Mão, Huyền vào Bình Dương kiếm việc làm thêm và tiếp tục ấp ủ ước mơ làm cô giáo từ ngày bé. “Em vừa được nhận vào làm tại một công ty chế tạo linh kiện điện tử của Hàn Quốc trong KCN Việt Hương với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí ăn ở, nhà trọ, nếu sống tằn tiện em cũng còn chút dư để đi học ôn tại trung tâm luyện thi đại học, cao đẳng Bình Dương”, Huyền tâm sự. Sau giờ tan ca, Huyền và hai người bạn cùng phòng trọ lại mang cặp sách đến lớp học ôn.

Thi rớt đại học, không có điều kiện để ở nhà ôn thi, Trần Văn Vĩnh (quê Quảng Nam) phải khăn gói vào thành phố kiếm việc làm vừa tranh thủ thời gian rảnh ôn thi. “Em đã gửi hồ sơ xin vào làm chân giữ xe ở quán cà phê gần phòng trọ. Mức lương 1,2 triệu đồng/tháng không nhiều, nhưng em có thời gian để ôn bài và làm thêm một số công việc ngoài giờ khác. Sắp tới em sẽ nộp hồ sơ thi vào Khoa tiếng Anh , Trường ĐHKH XH&NV TP.HCM", Vĩnh cho biết.

Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua trung tâm này tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ xin việc của các lao động trẻ, có trình độ tốt nghiệp phổ thông. Họ chủ yếu cần tìm các công việc bán thời gian như: nhân viên bán hàng, gia sư, chạy bàn quán cà phê… để có cơ hội đi học thêm. Có mặt tại Trung tâm, chúng tôi gặp rất nhiều lao động trẻ đến mua hồ sơ, tìm việc. Hầu hết lao động trẻ ưu tiên chọn các doanh nghiệp có hỗ trợ và ưu đãi cho lao động có nguyện vọng học thêm. “Chúng tôi thường chọn các doanh nghiệp có ý định cung cấp kinh phí đào tạo nghề cho lao động, sau đó ở lại phục vụ cho doanh nghiệp để nộp hồ sơ xin việc. Cuộc sống công nhân khó khăn nên dù muốn đi học lên cao nữa cũng không có điều kiện”, một lao động cho hay.

Lấy ngắn nuôi dài

Nắm bắt nhu cầu của lực lượng lao động trẻ, các doanh nghiệp cũng đưa ra các ưu đãi, tạo điều kiện cho công nhân được đi học lên cao như: hỗ trợ 50% tiền phòng trọ, sắp xếp thời gian làm và học hợp lý cho công nhân, mở các lớp đào tạo nghề tại công ty… Tại bảng thông tin tuyển dụng, nhiều lao động trẻ quan tâm đến các công ty thuộc chuyên ngành cơ khí, chế tạo máy, bảo trì máy…

“Em đang có dự định học thêm trung cấp cơ khí, nên chọn nộp hồ sơ ở các doanh nghiệp có đào tạo chuyên ngành này. Ở đây, doanh nghiệp vừa đài thọ chi phí học và được hưởng lương theo sản phẩm. Trước mắt là có chỗ học và làm ổn định, sau này đủ điều kiện sẽ học tiếp lên đại học”, anh Dương, một lao động trẻ cho biết.

Nhiều lao động trẻ hiện nay đang chọn xu hướng vừa học vừa làm với hy vọng tìm được một công việc phù hợp với khả năng của mình, có thu nhập ổn định và giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Với phương án “lấy ngắn nuôi dài" này, nhiều bạn trẻ đã có tiền trang trải học phí và các chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Hiện đang học tại chức năm 2 Khoa Kế toán tại Trường Đại học kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, Hoàng Thị Lan (quê Quảng Bình) vừa xin đi làm công nhân tại KCN Việt Nam – Singapore. Mức lương cơ bản của Lan hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca thường xuyên thì thu nhập cũng đạt xấp xỉ trên 3,5 triệu đồng/tháng. Gần 2 năm qua, Lan vừa đi học vừa đi làm thêm để lấy tiền chi trả học phí gần 2,2 triệu đồng/tháng.

“Chúng em phải làm đơn xin công ty và nhà trường linh động sắp xếp lịch học và lịch làm cụ thể để tránh bị trùng. Cuộc sống tụi em còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi nghĩ đến tương lai có tấm bằng đại học trong tay, em càng vững chí. Sau này tốt nghiệp rồi em sẽ xin về công ty làm”, Lan hồ hởi khoe.

Con đường học hành không suôn sẻ, vừa học hết lớp 9, Trần Văn Thành (quê Bình Định) đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Hơn 5 năm làm công nhân ở các KCN, KCX… Thành cũng dành dụm được một ít vốn để làm ăn. Nhưng cuộc sống quanh năm đi làm thuê, làm mướn với mức lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng khiến anh quyết tâm đi học. “Mình phải đi học để có tay nghề, các công ty bây giờ chỉ ưu tiên tuyển lao động đã qua đào tạo. Dù khó khăn đến đâu mình cũng phải ráng học”, anh tâm sự. Ngoài giờ làm ở công ty, Thành đang theo học ngành điện dân dụng tại trường Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật Bình Dương.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất