| Hotline: 0983.970.780

"Lão học sinh" 6 lần lều chõng

Thứ Ba 07/06/2011 , 10:19 (GMT+7)

Vượt chặng đường hơn 70km, thí sinh Hồ Văn Rồi (sinh năm 1959, tổ 5, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế) “xuống núi” lần thứ 6 để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Vượt chặng đường hơn 70km, thí sinh Hồ Văn Rồi (sinh năm 1959, tổ 5, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế) “xuống núi” để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua với niềm tự tin đến lạ thường. Đây là lần thứ 6 ông lều chõng xuống phố theo "con chữ Bác Hồ", sau nhiều lần ông...trượt vỏ chuối.

Tôi là người Pa Cô

Căn nhà cấp 4 nằm ở tổ 5 thị trấn A Lưới của ông Rồi mấy hôm nay nhộn nhịp hẳn bởi tiếng người vào ra hỏi thăm, động viên khi ông vừa xuống phố hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT trở về. Với người dân tổ 5, hình ảnh "lão học sinh" với dáng người mỏng như chiếc lá nhưng có đôi mắt sáng lạ ấy, 6 lần vác lều chõng xuống phố đi thi đã trở nên quen thuộc lắm rồi. Hẹn gặp được ông trò chuyện không phải là dễ, bởi có lẽ, ông là vị cán bộ duy nhất ở huyện A Lưới không dùng… điện thoại di động.

Vừa có chuyến công tác ở xã Đông Sơn trở về, người thấm mệt nhưng ông vẫn tiếp chuyện chúng tôi rất nhiệt tình. Ông kể về duyên phận dẫn mình đến con đường thi cử: “Với tôi cũng như đồng bào Pa Cô niềm khao khát có được cái chữ Bác Hồ nhen nhóm từ lâu. Hồi tui còn nhỏ, mấy con chữ chập chờn bên ngọn đèn dầu từ những lớp bình dân học vụ do cán bộ, bộ đội người Kinh dạy cho đến bây giờ vẫn còn in đậm. Đến khi mình đi bộ đội rồi trở về làm cán bộ huyện, mới biết cái chữ Bác Hồ nó quan trọng đến mức nào”.

Từng tham gia chiến đấu ở chiến trường huyện Pacxac, tỉnh Bôlykhămxay, Lào, năm 1986 ông giải ngũ trở về quê hương Hồng Nam (huyện A Lưới) lập gia đình rồi định cư tại đây. Về quê lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Dựng mái nhà tranh nơi miền đất cũ, ông bắt tay khai phá ruộng nương, kiếm hạt lúa củ khoai đắp đổi qua ngày. Dẫu cuộc sống chật vật, ông vẫn nuôi 4 người con đến trường đầy đủ. Khi kinh tế ổn định, là cựu binh được nhân dân tín nhiệm, ông tham gia lớp học ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới và hiện là cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy A Lưới.

Trở thành người cán bộ ở một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, ý thức trách nhiệm của ông trước nhân dân lớn lao hơn ngàn lần, khát khao được tiếp cận cái chữ ngày một thôi thúc trong ông. Ông tâm sự: “Cả cơ quan mình, ai cũng phấn đấu hoàn thiện kiến thức, trong đó có những người trẻ có trình độ, nhiệt tình. Thấy lớp trẻ một lòng xây dựng quê hương như thế, không lẽ mình từng là bộ đội Cụ Hồ lại không làm được. Thế nên, năm nay tôi quyết tâm đi thi một lần nữa".

Học để giúp đồng bào

Tâm sự về kỳ thi THPT đầu tiên của mình, ông bảo: “Người Pa Cô mình vốn rất hiếu học nếu được tạo điều kiện nhiều hơn nữa thì sẽ có nhiều cán bộ giỏi giúp cho quê hương. Những năm trước, cứ mỗi lần đến kỳ thi là tui cứ theo dõi báo đài, nghĩ mình sao không thử sức một lần, vậy nên tui bắt tay vào ôn thi với hy vọng có thể tốt nghiệp, để không còn phải cảm thấy xấu hổ, kém cỏi khi mình là cán bộ”.

Năm 2006, lần đầu tiên ông “xuống núi” tham gia kỳ thi THPT ở hội đồng thi trường Hai Bà Trưng, thành phố Huế. Gia cảnh khó khăn, ông phải vay mượn bạn bè, bà con chòm xóm được 2 triệu đồng lận lưng làm lộ phí đi đường. Vợ ông, bà Kăn Giáp (47 tuổi) nhớ lại: "Bữa đó đi thi, trong nhà không có lấy con heo, con bò mà bán. Tui lại đang ốm liệt giường, học phí cho 4 đứa con đi học hàng ngày phải vay mượn khắp nơi chứ lấy đâu ra tiền cho ông đi thi. Nhưng thấy ông quyết tâm lắm, trước khi thi một tuần đã vay mượn bạn bè, đến ngày thi là cứ lặng lẽ xách xe máy đi chứ chẳng ai ngăn cản được".

Buổi đầu, gia đình ông cũng thấy nản bởi sức khỏe của ông không cho phép, từ thị trấn xuống Huế phải mất 70km đường đèo, kinh phí gia đình lại đang khó khăn nên ai cũng phản đối. Đặc biệt, nhiều người bạn vì lo lắng cho sức khỏe của ông nhiều lần khuyên can ông nên bỏ “nghiệp” thi cử, làm thêm kinh tế vườn để có thu nhập nuôi gia đình bởi hiện nay, cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào đồng lương cán bộ ít ỏi của ông. Nhưng rồi, dần dần họ hiểu được ý chí, niềm khát khao được học cái chữ của ông nên cũng thuận theo.

+ "Ở cơ quan, anh Rồi là một cán bộ nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Với anh, việc thi cử là để có thêm kiến thức, trình độ để giúp anh hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Mặc dù nhiều lần không được may mắn nhưng với tinh thần tự học, niềm khao khát có được cái chữ để giúp đồng bào, điều ấy ở anh tôi thấy thật đáng nể phục", ông Nguyễn Bá Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy A Lưới, tâm sự.

 

 

+ Chẳng biết có phải là duyên kì ngộ hay không nhưng năm nay tại huyện A Lưới có rất nhiều "lão học sinh" cũng lều chõng xuống phố dự thi tốt nghiệp THPT. Hai thí sinh xấp xỉ tuổi ông Rồi là ông Nguyễn Văn Khoa và ông Hồ Văn Mưh, cùng sinh năm 1961.

Trường hợp thứ ba là anh Hồ Văn Thiếp, năm nay 36 tuổi, đương kim Bí thư chi đoàn Hồng Bắc, huyện A Lưới. Ngoài ra, bà Ngô Thị Bích Đào (sinh năm 1959), đến từ Trung tâm GDTX huyện Hương Trà. Bà Đào thi ở hội đồng THPT chuyên Quốc học Huế (cùng hội đồng với ông Rồi) và cũng đã vài lần thi tốt nghiệp THPT.

Với ông, đi thi không chỉ là để có bằng cấp mà là một sự trải nghiệm để rèn luyện ý chí: “Mình làm cán bộ thì phải có trình độ mới giúp dân được. Học để xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh. Không có cơ hội học từ nhỏ thì giờ học đâu có muộn. Đời người phải học không ngừng mà", ông tâm niệm. Và cũng từ năm 2006 đến nay, ông đã 6 lần thử vận may, dẫu nhiều lần thất bại nhưng với ông, chưa một lần nhụt ý chí.

 Kỳ thi năm nay, do sức khỏe đã giảm sút, con gái ông - cô Hồ Thị Mai (sinh năm 1993) phải đèo bố xuống phố thi. Ngày gặp ông ở hội đồng thi trường Quốc học Huế khi vừa kết thúc môn thi cuối cùng, ông Rồi phấn khởi cho biết: "Trong các môn, năm nay mình làm tốt nhất là môn Văn bởi vì mình học rất kỹ. Các môn khác thì tầm tầm, hy vọng năm nay niềm vui sẽ mỉm cười với mình. Nếu đỗ được kỳ thi tốt nghiệp năm nay mình sẽ tham gia kỳ thi đại học".

Nói về “thí sinh” Hồ Văn Rồi, ông Hồ Măng - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện A Lưới cho hay: “Bước vào cái tuổi như anh Rồi nhưng với quyết tâm theo đuổi thi cử như vậy quả rất hiếm thấy. Ở lớp, anh cũng là một trong những học viên năng nổ, nhiệt tình thể hiện sự chững chạc của một người cán bộ lâu năm”.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn của ông hòa chung lớp thí sinh vừa tan trường thi trở về. Ở đó, có những mái đầu bạc lẫn những mái đầu xanh, chợt nghĩ sự học chưa bao giờ dừng lại. Với một cán bộ người dân tộc thiểu số biết nghĩ, biết trăn trở về những khó khăn của đồng bào mình như ông thì điều đó càng thêm trân trọng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm