Trồng rừng cho mai sau
Tây Ninh từng là Chiến khu R huyền thoại. Thời kỳ đổi mới, Tây Ninh nổi tiếng với 5 loại nông sản đặc trưng "5M" gồm mía, muối (muối tôm), mì (sắn) mủ (mù cao su), mãng (mãng cầu).
Ở Chiến khu R xưa, nhắc đến lão nông Võ Văn Ten (ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), từ lãnh đạo tỉnh đến huyện, xã và hầu hết người dân trong vùng đều biết. Lão nông Võ Văn Ten ngoài lao động sản xuất cừ khôi, đạt nông dân giỏi cấp Trung ương thì ông còn được biết đến là "vua trồng rừng". Ông đã dành trọn thanh xuân của mình cho việc trồng rừng. Ở tuổi 80, ông vẫn đang không ngơi nghỉ, ngày đêm vun vén cho những cánh rừng vùng chảo lửa biên giới Tây Nam của Tổ quốc mãi xanh.
Dẫn chúng tôi đi thăm những khu rừng bạt ngàn do bàn tay ông gây dựng qua nhiều thập kỷ, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Ten vẫn rất xông xáo. Giới thiệu về rừng cây giáng hương - loại gỗ quý thuộc nhóm I - danh mục cấm khai thác, đồng thời nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) có tuổi đời gần 30 năm, ông Ten tự hào cho biết: Ngày xưa, từ cửa khẩu Xa Mát trở vào là Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng nối tiếp rừng đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh).
Những khu rừng nguyên sinh thời ấy có nhiều loại gỗ quý, nhất là cây lộc vừng, cây kơ nia... Những cánh rừng huyền thoại ở Chiến khu R mặc dù nhiều lần bị địch đánh phá ác liệt, căn cứ Trung ương Cục miền Nam vẫn được bảo vệ vững chắc.
Ở Tây Ninh, những người sở hữu tới hơn 100ha đất rất bình thường, nhưng trồng rừng thì chắc chỉ có ông Võ Văn Ten. Ông Ten kể, những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình ông chỉ có hơn 1ha đất, cũng như bao người dân địa phương, ông tập trung đầu tư trồng cây mì. Ngoài việc chăm sóc rẫy mì, thời gian còn lại, ông Ten và vợ đi làm thuê.
“Tôi bắt đầu trồng rừng từ những năm 1990. Lúc đó, tôi dành gần một nửa diện tích đất có được để trồng rừng. Trong đó có những cây gỗ quý như gõ, giáng hương... Ngày đó, thấy tôi làm, ai cũng nói tôi gàn dở. Nhưng tôi nghĩ, trồng rừng là cho con cháu, để tạo khoảng xanh cân bằng hệ sinh thái chứ không chỉ làm kinh tế”, ông Ten chia sẻ.
Có kinh nghiệm trong canh tác mì, mãng cầu, nhưng khi chuyển sang trồng rừng lại là chuyện khác. Ông Ten bảo, rừng có thế mạnh ít tốn công chăm sóc, không tốn tiền phân tro diêm trấu nhưng rất dễ cháy, chỉ cần một mồi lửa là thiêu rụi bao tâm huyết, và chuyện đó đã từng xảy ra với ông.
Để tìm ra giải pháp, không ngại khó, ông Ten tìm đến những cán bộ làm lâm nghiệp trong tỉnh và cả ngoài tỉnh để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ mong muốn được trồng rừng của bản thân. Cảm nhận được niềm đam mê của lão nông này, các cán bộ kiểm lâm cũng đồng hành cùng ông, họ hướng dẫn ông từ khoảng cách giữa các cây rừng, lượng nước tưới, cách tỉa cành, các loại sâu bệnh... Cả việc tạo luống để có đường cho phương tiện vào chữa cháy rừng cũng được ông Ten thực hiện bài bản.
Ông Ten luôn hào hứng mỗi khi chia sẻ về kinh nghiệm trồng rừng: “Trồng cây rừng, những năm đầu không nên bón phân, tưới nước quá nhiều. Vì như vậy cây sẽ phát triển tán lá quá nhanh, trong khi bộ rễ chưa đủ sâu, rộng, khi trời mưa giông, cây rất dễ ngã đổ. Do đó, trồng rừng trước tiên phải để cho bộ rễ của cây phát triển tốt, cây sẽ vững chắc và phát triển tán lá sau”.
Khi những cây rừng đã lên vững chắc, ông Ten bỏ hẳn mãng cầu, nhường đất cho trắc, gõ đỏ, lim xanh, huỳnh đường... phát triển thành khu rừng xanh dưới chân núi. Dưới tán rừng, ông còn trồng thêm cây rau rừng để vừa tạo cảnh quan, vừa đem lại thu nhập hằng ngày đủ sức nuôi sống bản thân và gia đình mà không cần phải chặt hạ bất kỳ cây rừng nào.
Chỉ với 1ha đất ban đầu, đến nay, ông Ten đã có hơn 40ha đất rừng trồng (đất của gia đình), trên 100ha rừng ở vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng. Dù có tới 7 người con, nhưng ai nấy đều được ăn học đầy đủ, có việc làm riêng tự nuôi sống bản thân nên ông Ten càng có điều kiện tiếp tục đầu tư vào trồng rừng.
“Tôi trồng rừng không hoàn toàn vì lợi ích kinh tế. Thế nên, vườn cây trên 20 năm tuổi gần nhà đến nay tôi vẫn để, chỉ phá bỏ những cây không chất lượng, hoặc do quá rậm. Còn lại, mỗi năm tôi đều phát triển thêm một ít", ông Ten chia sẻ.
Tiên phong trồng rừng trên vùng bán ngập
Khi đã "ăn đủ no, lo đủ tới”, từ năm 2000, khi thấy người dân địa phương đổ xô vào khu vực vùng bán ngập ven lòng hồ Dầu Tiếng để trồng mì, gây ra nhiều hệ lụy về ô nhiễm nguồn nước, môi trường, tạo nguy cơ sạt lở..., ông Ten đã rất trăn trở.
Theo ông Ten, hồ Dầu Tiếng là công trình đa mục tiêu, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, công nghiệp không chỉ cho người dân Tây Ninh mà còn cho hàng triệu người trong vùng. Với suy nghĩ trồng rừng để chống xói mòn, sạt lở, ông Ten lại mày mò đi khắp nơi tìm giống cây rừng phù hợp để phủ xanh vùng bán ngập. Trong đó, 2 giống thích nghi tốt là cây gáo vàm và cây tràm nước.
Dẫn chúng tôi thăm khu rừng trên vùng bán ngập, có cây một người ôm không xuể, ông Tên kể đầu những năm 2000, dù cuộc sống đã đủ ăn đủ mặc nhưng vẫn vô cùng khó khăn, hằng ngày vợ chồng ông phải vào những bãi đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng khai hoang, vỡ đất. “Ban đầu gia đình tôi khai khẩn được 1,2ha, sau đó tăng dần lên 5ha, cộng với đất mua lại của nhiều bà con khác, đến nay tôi có khoảng 100ha đất trồng rừng trong hồ Dầu Tiếng.
Giới thiệu về bộ rễ cây tràm nổi cao lên gần 1 mét so với mặt đất, ông Ten giải thích: Nước ngập tới đâu thì rễ tràm mọc tới đó. Trồng rừng không chỉ lấy gỗ mà rừng còn cho ta nhiều lợi ích khác như góp phần cân bằng môi trường sinh thái, chống xói mòn, giữ nước cho rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, làm nơi cư trú và sinh sản cho chim, cá... Chỉ những cây bị già cỗi hoặc gãy đổ thì ông mới khai thác, tất cả những cây khỏe mạnh ông đều xem là vật báu và trân trọng giữ gìn chăm sóc.
Mới đây, khi thấy Đề án trồng 1 tỷ cây xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ông Ten mừng lắm, vì nỗ lực trồng rừng của những nông dân như ông được thêm phần khích lệ. Tâm huyết là vậy nhưng trồng được rừng đã khó, giữ được rừng còn khó hơn. Bao nhiêu mùa khô đi qua là bao phen ông đối mặt với mối nguy cháy rừng vì phần thì nắng nóng, phần người đi bắt ong...
Mùa khô, nước trong lòng hồ rút xuống, để lộ thiên vùng đất bán ngập. Trên đất bán ngập này, nông dân tranh thủ trồng các loại cây ngắn ngày như mì, dưa, đậu... trước khi mùa nước dâng, nhấn chìm mọi thứ. Việc tranh thủ canh tác trên đất bán ngập mang lại lợi nhuận nhưng cũng gây tác động xấu đến môi trường nước.
Tỉnh Tây Ninh đã nhiều lần trồng thử nghiệm các loại cây rừng khác nhau để bảo vệ môi trường, giảm dòng chảy lũ, hạn chế xói mòn, giảm nhẹ tác động của sóng tới hệ thống đê đập. Tuy nhiên, hồ Dầu Tiếng vận hành theo quy trình riêng, nguồn nước biến động. Ở cao trình nước dâng 22 – 26 mét, tìm được loại cây sống được khi nước ngập cả thân cây là không dễ.
Ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch UBD tỉnh Tây Ninh nhìn nhận, về nguyên tắc, rừng phòng hộ vẫn phải cải tạo ở mức cần thiết. Người dân tự trồng được rừng là đáng quý, chính quyền hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích.
Theo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) - đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, cây gáo vàng có khả năng chịu được ngập úng. Công ty này đã liên kết với một đơn vị khác lập dự án trồng gần 50ha cây gáo vàng trên đất bán ngập lòng hồ. Theo thuyết minh dự án, 1ha đất có thể trồng được 1.000 cây. Sau thời gian trồng khoảng 5 - 6 năm, gáo vàng có thể cho thu hoạch. Hiện trong lòng hồ Dầu Tiếng, trước khi có dự án trên, ông Ten đã tự mình trồng rừng phòng hộ cho lòng hồ từ hơn 20 năm trước, trong đó có cả những cánh rừng gáo vàng đã lớn từ 1 - 5 năm tuổi.