Những hạt gạo thân quen hàng ngày qua đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo bất ngờ của ông Nguyễn Tất Chiến (sinh năm 1968) ở thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội thành bức tranh độc đáo, nức tiếng gần xa.
Bén duyên với nghề lạ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nên ông Nguyễn Tất Chiến chẳng xa lạ gì với hình ảnh cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những hạt gạo trắng ngần thơm tho cùng đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ. Những hình ảnh ấy đã khắc họa thành những bức tranh muôn màu sắc trong ký ức của tuổi thơ. Từ nhỏ, ông Chiến đã “nổi tiếng” với tài học nhanh và rất khéo tay, hễ nhìn thấy vật gì là có thể làm theo ngay được. Ông luôn ấn tượng với những sản phẩm từ hội họa, kiến trúc và giành nhiều thời gian để mày mò học làm theo.
Yêu thích hội họa nhưng vì điều kiện những năm 80 của thế kỷ trước kinh tế cả nước còn khó khăn nói gì đến gia đình thuần nông ở xóm nghèo, nên niềm đam mê đó đành gác lại. Với đôi bàn tay khéo léo, dần dần ông Chiến trở thành “nồi cơm” cho cả gia đình khi được các cánh thợ nề mời cùng đi đắp vẽ, nhất là ở các công trình tâm linh cũng như trang trí ở một số công trình lớn trong khu vực. Những bức hoa văn giả bằng bê tông của ông luôn được khen ngợi, dù yêu cầu có khó cỡ nào ông cũng luôn hoàn thành và làm hài lòng mọi con mắt khó tính. Cũng chính vì vậy mà ông Chiến được nhiều đoàn thợ biết đến và mời đi làm cùng ở nhiều quận, huyện của Hà Nội và một số tỉnh như Hòa Bình, Phú Thọ…
Cuộc sống cứ thế trôi đi qua các chuyến mưu sinh khắp nơi, có lúc ông còn vào tận miền Nam để đắp vẽ. Năm 2004, khi đang làm trong TP.HCM, trong một lần tình cờ nghe nói đến tranh làm từ gạo rang, ông Chiến đã thấy ngay sức hút và nảy ra nhiều ý tưởng từ nguồn nguyên liệu thân thuộc mà quý giá này. Nhưng mới nghe nói đến thôi chứ chưa một lần được nhìn thấy và chiêm ngưỡng sản phẩm đặc biệt này. Ngày đó, việc vào mạng internet còn khá xa xỉ, nhưng trong những lúc nghỉ ngơi ông vẫn dành chút thời gian ra quán internet thuê máy tính để tìm hiểu về tranh gạo. Lúc này ở nước ta mới có duy nhất cơ sở trong TP.HCM làm loại tranh đặc biệt này. Vốn có sẵn năng khiếu hội họa nên chỉ xem qua 1 lần là ông có thể tưởng tượng ra ngay và làm theo được.
Ông Chiến hào hứng kể: “Khi ấy, ngoài những chất liệu như tranh ghép gỗ, sơn dầu, nhiều người cũng thể hiện những chất liệu mới như đá quý, vỏ sò, ốc… Còn tôi lại nghĩ đến gạo vì nước mình là nước nông nghiệp, có sản lượng gạo xuất khẩu vào hàng nhất, nhì thế giới. Việc ứng dụng gạo làm tranh vừa tôn vinh sản phẩm nông nghiệp của đất nước, lại vừa là một sự sáng tạo trong nghệ thuật”.
Nhưng làm tranh từ hạt gạo thì quả là lạ, không ít người trong làng ngoài xã, thậm chí cả vợ cũng gán cho ông những biệt danh chẳng mấy hay ho, như “Chiến khùng”, “thừa hơi”, “ảo tưởng”. Tuy vậy, lời ra tiếng vào chẳng thắng nổi sự đam mê của ông.
Làm tranh gạo rang cần cầu kỳ, tỷ mỉ
Tranh gạo là sản phẩm nghệ thuật làm thủ công hoàn toàn nên để hoàn thiện một tác phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi phác thảo hoàn chỉnh một bức tranh mộc bản bằng bút chì là khâu bôi keo. Việc chuẩn bị nguyên liệu càng cầu kỳ hơn, trước tiên phải lựa được những hạt gạo có kích thước dài, mẩy đều, bóng chắc. Gạo tẻ hạt nhỏ thì thích hợp làm chi tiết mảnh, gạo nếp hạt tròn to thích hợp làm chi tiết to, rộng, còn gạo tấm thì để làm các chi tiết nhỏ hơn và làm mịn bức tranh. Ngoài ra còn có các loại gạo như huyết rồng, nếp cẩm... có màu sắc tự nhiên để làm các chi tiết tranh có màu sắc tương ứng. Chọn tông màu cho bức tranh thì phải dùng gạo rang và phải rang bằng tay mới đều. Đây là khâu khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn và kiên nhẫn; khi rang phải đều tay, nhỏ lửa mới được màu như ý. Trong quá trình rang hạt gạo phải điều chỉnh lửa làm sao cho không bị cháy, to quá nhanh cháy, cháy không đều và bị nổ hạt gạo.
Ông Chiến lấy cho tôi xem 42 hộp đựng gạo rang tương ứng với 42 độ màu khác nhau. Có màu trắng của gạo rang chín tới, rồi màu trắng sữa, trắng ngà, vàng mơ, vàng đậm, nâu nhạt, nâu đậm, nâu đen và cả đen nhánh của gạo rang già lửa.
“Để cho ra được những hạt gạo rang có màu sắc như ý muốn, tôi phải trực tiếp vào bếp. Có những màu sắc chỉ cần rang 30 phút, nhưng cũng có tông màu phải đòi hỏi kiên trì mất thời gian tới 4 tiếng đồng hồ. Ai mà không có tính kiên trì, cẩn thận thì không bao giờ làm được”, ông Chiến tâm sự.
Sau khi có đầy đủ nguyên liệu, quá trình gắn từng hạt gạo theo các chi tiết, nội dung sao cho vừa có độ trùng khít, đúng tông màu chủ đạo lại vừa tự nhiên có hồn, có chiều sâu và thể hiện được ý tưởng càng đòi hỏi sự cầu kỳ, tỷ mỉ và bàn tay khéo léo. Khâu cuối cùng là phun hóa chất chống mối mọt để đảm bảo tranh có tuổi thọ lâu bền (độ bền màu có thể lên tới 15 năm). Tranh gạo làm xong đem phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời cho tới khi khô hoàn toàn, đặt vào khung gỗ, lắp mặt kính, lúc này tác phẩm đã hoàn chỉnh.
Tranh gạo đặt tính chất tự nhiên lên hàng đầu nên đó cũng chính là lợi thế có sức hút lạ kỳ với những người đã trót yêu mến nó. Một bức tranh gạo đẹp hoàn hảo phải đạt những điều kiện về hình khối, sắc độ, bố cục, tỉ lệ, và quan trọng hơn là độ khít của gạo, các họa tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Khách hàng yêu tranh ông Chiến chủ yếu là những người quen và cả những khách hàng tận Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Phước, Bình, Dương...
Gần đây, ngoài kênh trao đổi, đặt hàng qua điện thoại, ông Chiến đã biết lập kênh Youtube riêng và đăng trên Facebook để giới thiệu tranh đến với nhiều người hơn. Các sản phẩm tranh được làm từ những hạt gạo của ông Chiến rất phong phú và đa dạng chủ đề, thường là tranh tứ quý, thư pháp, chân dung, phong cảnh thiên nhiên... với giá bán trong khoảng 3 - 12 triệu đồng mỗi bức.
“Để tranh gạo không bị ẩm mốc, ngoài việc rang khô, gạo còn được dán trên tấm gỗ dày 1cm có tác dụng hút ẩm. Tôi cũng tư vấn cho khách hàng nên treo ở vị trí khô, thoáng trong nhà để bảo đảm độ bền của tranh”, ông Chiến nói.