| Hotline: 0983.970.780

Lão nông Pháp 70 tuổi hạnh phúc vì 'tự mình làm mọi thứ'

Thứ Sáu 09/03/2018 , 11:05 (GMT+7)

Jean-Bernard Huon, nông dân Pháp khước từ các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại như máy móc và thuốc trừ sâu, chọn cách canh tác bằng tay như thời cổ.

Lão nông Pháp nổi tiếng từ cuối tháng trước khi các phóng viên ảnh của Reuters dành 7 ngày thực hiện phóng sự ảnh về cuộc sống của ông tại Riec-sur-Belon, một góc ở vùng miền nam Brittany, Pháp.
 

Nói không với máy móc

Jean-Bernard, 70 tuổi, tự mô tả mình là “người ngoài lề, nhưng hạnh phúc”. Ông và vợ là Laurence vắt sữa từ 8 con bò, đều dùng tay, không dùng máy vắt sữa. Vợ chồng ông cũng tự xay bột, thu gom phân bò để bón cây trong trang trại.

16-24-57_3
Jean-Bernard Huon vẫn cày ruộng với bò thay vì dùng máy móc

Jean-Bernard còn tự bán thịt lợn, thịt bê, bơ, trực tiếp đến tay khách hàng là những người đến tham quan trang trại, thay vì liên kết với các siêu thị lớn.

Mặc dù sản phẩm của Jean-Bernard thuộc dạng hữu cơ, song ông tránh xu hướng bán ở các chợ của nông dân, nơi sản phẩm hữu cơ rất phổ biến.

Pháp là quốc gia đã thực hiện cách mạng cơ giới hóa nông nghiệp sau Thế chiến II, song Jean-Bernard chọn cách canh tác theo truyền thống từ thời cha ông để lại. Sống trong thế giới hiện đại xung quanh, ông vẫn cày ruộng với bò, nhà không có TV, mạng Internet, hệ thống nước nóng hoặc ô tô.

“Tôi tự mình làm mọi thứ. Tôi sẽ không bao giờ giàu có, nhưng chẳng việc gì tôi phải lo lắng về điều đó”, Jean-Bernard nói. “Nông dân ngày nay có nhiều đất và gia súc hơn tôi, nhưng chưa chắc họ đã hạnh phúc hơn. Họ phải đối mặt quá nhiều điều gian khó”.

Song Jean-Bernard khẳng định ông không hề phản đối các nông dân hiện đại và phương pháp canh tác không theo kiểu truyền thống.

“Mọi người chỉ trích nông nghiệp hiện đại, nhưng quý vị cần phải biết vì sao những mặt tiêu cực xuất hiện. Hóa chất sinh ra là để giải phóng sức lao động cho nông dân. Quý vị có thể tưởng tượng được không? Dùng một ít thuốc diệt cỏ và chúng ta không còn khổ sở với cỏ dại nữa. Nếu không, bạn sẽ phải làm cỏ bằng tay”, Jean-Bernard giải thích.

16-24-57_2
Trang trại của Jean-Bernard Huon

Lão nông 70 tuổi cho biết khi không còn khỏe mạnh như thời thanh niên, ông cũng phải “nhượng bộ” trước máy móc. Ông đã mua hai máy kéo để gom cỏ khô cho ngựa.

Nói về nguyện vọng tương lai, Jean-Bernard cho biết ông muốn tặng lại trang trại cho người sẵn lòng làm việc nhà nông. Ông không muốn bán trang trại, song lão nông thừa nhận ông không dám chắc người kế nhiệm có thể tiếp tục canh tác theo kiểu truyền thống hay không.

“Tôi đã sống ở cái thời mà mọi người có thể dễ dàng sắp đặt cuộc sống. Chỉ cần có đất là chúng ta có thể canh tác”, Jean-Bernard, nói.
 

Cách mạng nông nghiệp truyền thống

Cách làm của Jean-Bernard suốt nửa thế kỷ qua từng là chủ đề tranh cãi của nhiều nhà khoa học nông nghiệp.

16-24-57_1
Lão nông Jean-Bernard Huon canh tác theo phương pháp truyền thống suốt nhiều thập kỷ qua

Nhà nghiên cứu nông nghiệp Wendell Berry, hồi năm 2011, từng gây xôn xao khi cho rằng lạm dụng máy móc trong canh tác, là nguyên nhân khiến các làng quê của Mỹ mất dần chất nông thôn, nông dân Mỹ phải đối mặt với nhiều bệnh tật.

“Máy móc có đất dụng võ ở các trang trại. Song việc áp dụng công nghệ hàng thập kỷ qua trên của nông dân Mỹ khiến họ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, tâm lý. Nguyên nhân chính là con người bị tách biệt khỏi thiên nhiên”, Berry lập luận.

Berry thống kê rằng vào năm 1790, khoảng 90% dân số Mỹ làm nông nghiệp hoặc các công việc liên quan tới nghề nông. Vào thế kỷ 21, sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ cùng chính sách của Mỹ khiến số lượng nông dân chỉ còn chiếm 1% dân số, tổng số người sống ở các vùng quê chỉ còn 17% so với số người trên toàn nước Mỹ.

Ông Berry cũng cho rằng vitamin D sản xuất trong phòng thí nghiệm và thuốc kháng sinh khiến động vật bị nhốt liên tục trong chuồng, không được ra hấp thụ vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Công nghệ nuôi nhốt cũng khiến nước và thức ăn cho động vật được cơ giới hóa, thậm chí cả khâu dọn phân. Theo Berry, tại một cơ sở chăn nuôi kiểu Mỹ điển hình, bình quân mỗi con lợn chỉ tiếp xúc với người khoảng 8 giây mỗi ngày.

Chính sách nông nghiệp Mỹ hiện vẫn tập trung vào công nghiệp hóa, tách rời gia súc, gia cầm khỏi môi trường thiên nhiên. Mặt tệ hại là nó khiến ngày càng ít người có hứng thú với nghề nông.

Nhà nghiên cứu nông nghiệp Mỹ khẳng định cư dân nước này đang có xu hướng tìm tới thực phẩm không hóa chất, không chất kích thích, dựa trên hệ thống sinh thái tự nhiên. “Chính phủ cần lưu ý đến phát triển các trang trại bền vững dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự thay đổi này sẽ khiến chúng ta có những công việc hấp dẫn hơn, nhiều món ăn ngon hơn và tốt cho sức khỏe của mỗi người”, Berry kiến nghị.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất