| Hotline: 0983.970.780

Lập khống hồ sơ để lấy tiền hỗ trợ

Thứ Hai 26/01/2015 , 06:20 (GMT+7)

Khi giống lúa BC15 gặp thời tiết bất lợi bị mất mùa, UBND xã Đồng Văn đã “mượn gió bẻ măng” lập khống danh sách 151 hộ dân để chiếm đoạt số tiền 280 triệu đồng tiền hỗ trợ.

Trước đó, vụ ĐX 2013, ông Nguyễn Như Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Đồng Văn (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) đã đưa 1,6 tấn giống BC15 về cung ứng cho nông dân trong xã.

Người chết vẫn ký nhận tiền

Theo bản danh sách UBND xã Đồng Văn lập vào ngày 1/7 và 20/9/2014, thì cả 11 hộ dân xóm Vĩnh Đồng đã ký nhận đủ số tiền 23,55 triệu đồng.

Thế nhưng, mãi sau kỳ họp HĐND xã (khóa IX) diễn ra ngày 6/1/2015, bà con xóm Vĩnh Đồng mới thấy ông Nguyễn Sỹ Hội (xóm trưởng) đến từng hộ dân để cấp phát tiền và ký vào bản danh sách mới được viết tay.

Điều lạ lùng là bản danh sách này (do ông Hội lập) lại có 14 hộ (tăng lên 3 hộ) nhưng số tiền thực nhận của cả xóm chỉ có tổng cộng 5,04 triệu đồng.

Đối chiếu với bản danh sách UBND lưu tại xã đã được bà Nguyễn Thị Châu ký nhận là 2,1 triệu đồng, còn thực tế ông Nguyễn Sỹ Hội chỉ đến “phát” tận tay cho bà 360 nghìn đồng(!). Bà Châu cho biết: “Gia đình tôi mua 12 kg lúa giống về gieo trồng bị mất trắng.

Từ trước đến này chưa nghe xã thông báo gì về việc sẽ được Nhà nước hỗ trợ, bản thân tôi cũng chưa hề ký vào bất cứ một danh sách nào do xã lập và cũng chưa hề nhận một đồng nào”.

Tại xóm Khe Chiềng, bà con hết sức bất ngờ khi thấy PV cho xem bản danh sách mà họ đã ký nhận tiền hỗ trợ. Ông Đặng Văn Hàn bức xúc: “Ai đã ký nhận 2,1 triệu đồng của nhà tôi trong danh sách này? Tôi và vợ không ký và cũng chưa nhận được một xu tiền hỗ trợ nào tại xã Đồng Văn cả”.

Nực cười hơn, trong bản danh sách UBND xã Đồng Văn trình lên cấp trên để lấy tiền về, họ đã cho người chết trước đó nhiều tháng trời ký nhận tiền. Bà Hà Thị Vân (vợ ông Trần Khắc Hạnh) giãy nảy khi thấy chồng mình đã ký trong danh sách nhận tiền: “Chồng tôi mất vào tháng 2/2014 nhưng tận mồng 1/7 và 20/9/2014 vẫn còn ký vào danh sách để nhận 1,4 triệu đồng”(!?).

09-27-54_dscf9677
Bà Vân tố xã đã “dựng” người chồng quá cố của bà dậy ký nhận tiền hỗ trợ

Kiểm tra kỹ cả 2 bản danh sách nhận tiền của các xóm, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều không bình thường như có người được ghi danh tới 4 lần trong một danh sách; số tiền trong danh sách ký nhận lớn hơn số tiền được UBND xã Đồng Văn rút về chi trả…

Ông Lang Văn Diện, xóm trưởng xóm Khe Chiềng uất ức cho biết: “Ông Nguyễn Như Phúc đến nhà đưa cho tôi bản danh sách và bảo cứ ký để UBND xã làm thủ tục rút tiền hỗ trợ về cấp cho các hộ dân nên tôi ký.

09-27-54_dscf9691
Ông Lang Văn Diện bật khóc khi nói về sự việc

Hôm sau, ông Phúc mang đến nhà cho tôi 1 triệu đồng cùng bản danh sách 21 hộ được nhận tổng số tiền 30 triệu đồng. Sau đó ít ngày, ông Phúc đã đưa tôi 12 triệu đồng và bảo: “Cứ để đó, nếu dân không biết thì tôi và ông ta “bẻ” đôi mỗi người một nửa”. Nhìn kỹ bản danh sách tôi phát hiện thấy hộ Lương Văn Kha, Đặng Như Hòa đều không cư trú tại xóm Khe Chiềng. Tôi cảm thấy có điều gì khuất tất nên đã mang số tiền ấy trả lại cho ông Phúc”.

Theo ông Diện, việc làm gian dối của UBND xã Đồng Văn đã làm uy tín cá nhân ông bị ảnh hưởng rất lớn. Khá nhiều người đã chụp cho ông tội chiếm đoạt tiền của dân nên đã gạt ông ra khỏi dự kiến nhân sự bầu xóm trưởng nhiệm kỳ 2015-2018.

Ông Hoàng Nghĩa Quý, đại biểu HĐND xã Đồng Văn khóa IX khẳng định, tại phiên chất vấn vào ngày 6/1/2015, ông Nguyễn Như Phúc đã phải thừa nhận bộ hồ sơ trên là giả mạo.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Làm việc với PV, ông Phạm Công Lý, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn đã chối bỏ trách nhiệm của mình trước sai phạm kể trên: “Sau cuộc họp bàn tìm giải pháp hỗ trợ cho người dân do UBND huyện tổ chức, ông Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND và ông Thái Văn Tự, Trưởng ban Nông nghiệp xã trực tiếp đi dự nhưng không truyền đạt lại nội dung cuộc họp.

Cuối tháng 2/2014, tôi nhận được công văn hướng dẫn và chỉ đạo của UBND huyện Tân Kỳ. Do thời gian quá gấp, lại không có bản nghiệm thu mất mùa chi tiết từng hộ nên việc lập danh sách có nhiều sai sót” – ông Lý phân bua.

Theo ông Lý, số tiền hỗ trợ đợt 1 (80 triệu đồng) hiện chi trả ra sao cấp dưới chưa báo cáo cụ thể. Tiền hỗ trợ đợt 2 (200 triệu đồng), UBND xã đã quán triệt các xóm chỉ nhận 1 phần về phát cho các hộ thiệt hại. Đang cấp phát thì ban tài chính phát hiện có sai sót nên đã dừng lại...

09-27-54_dscf9749-1
Hồ sơ cấp phát khống tiền của xã Đồng Văn để rút tiền kho bạc

Thế nhưng, theo hồ sơ PV có trong tay thì cả 2 bản danh sách ký nhận tiền của UBND xã Đồng Văn đã được ký nhận 100%. Điều đó có nghĩa là cả 280 triệu đồng mà xã Đồng Văn nhận về đã được cấp phát cho dân.

Lý giải điều này, ông Lý thừa nhận, ông đã cho phép kế toán xin chữ ký trước của dân để rút tiền kịp thời, nếu không sẽ mất nguồn của năm 2014. Do đó bộ phận chuyên môn đã tự ký (?). Ông Lý cũng xác nhận, mình đã trực tiếp ký vào bộ hồ sơ không ghi ngày tháng, không có số quyết định để chi tiền cấp cho các hộ dân.

Ngược lại với những gì ông Phạm Công Lý nói, ông Thái Văn Tự, Trưởng ban Nông nghiệp xã Đồng Văn khẳng định: Sau cuộc họp tại UBND huyện về, ông Nguyễn Văn Lưu đã nhiều lần thông báo kỹ nội dung làm việc tại các cuộc họp. Vì vậy, không thể nói ông Lý và chính quyền xã không biết gì về chính sách hỗ trợ này. Với lại, công văn hướng dẫn và chỉ đạo lập hồ sơ danh sách thiệt hại của UBND huyện Tân Kỳ đã được gửi về các địa phương và xã Đồng Văn đã triển khai từ giữa tháng 12/2013....

Trao đổi với PV, ông Trương Văn Đức, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Văn cho biết: Số tiền 280 triệu đồng đã được phát gần hết cho dân. Trước kỳ họp HĐND xã (6/1/2015) khoảng 1 tháng, ông Nguyễn Như Phúc gặp tôi cho biết là số tiền 200 triệu đồng hỗ trợ nông dân mất mùa đã rút về phát cho dân, hiện còn dư 90 triệu đồng, chưa biết xử lý thế nào. Lúc đó tôi mới biết tường tận sự việc và đã chỉ đạo ông Phúc rà soát lại danh sách để cấp phát cho đúng.

Box: Sau nhiều lần liên lạc, hẹn gặp để làm rõ sự việc và hồ sơ rút tiền từ kho bạc và cấp phát tiền cho dân, PV đã bị ông Lý và bà Tăng Thị Thủy (kế toán) từ chối khéo: “Mong anh chia sẻ khó khăn với địa phương bởi hiện tại hồ sơ đã bị đoàn thanh tra huyện Tân Kỳ giữ. Mọi thông tin với báo chí, thanh tra yêu cầu UBND xã Đồng Văn tạm thời chưa được cung cấp gì (?)” – ông Lý trần tình.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm