| Hotline: 0983.970.780

Lập "lá chắn" bảo vệ cây cao su

Thứ Tư 23/10/2013 , 10:27 (GMT+7)

Khuyến cáo của VRG về việc lập “lá chắn” bảo vệ cho cây cao su thời gian qua còn bị xem nhẹ…

Theo ông Lê Quang Thung (ảnh), khí hậu và đất đai ở miền Trung không có nhiều lựa chọn cây, con gì cho người dân và trong bối cảnh đó cây cao su là một giải pháp. Vấn đề đặt ra là việc trồng cao su của người dân đã được hướng dẫn một cách bài bản, khoa học chưa? Đặc biệt là khuyến cáo của VRG về việc lập “lá chắn” bảo vệ cho cây cao su thời gian qua còn bị xem nhẹ…

Có ý kiến cho rằng, khu vực miền Trung trồng cao su không thích hợp, nên nghiên cứu chuyển đổi sang cây, con khác hiệu quả hơn?

Với điều kiện khí hậu ẩm ướt về mùa đông, hạn hán gió Lào vào mùa hè, mưa bão về mùa thu và chất đất thì cằn cỗi nên các tỉnh miền Trung không thể nói là thích hợp cho cây cao su, một cây nhiệt đới. Tuy nhiên lựa chọn cây gì cho dân miền Trung lại là bài toán hóc búa.

Ở các địa phương này trước đây đã có cao su nhưng chỉ với diện tích nhỏ. Sau hơn 20 năm mày mò thì người dân mới đến với cây cao su như là một lựa chọn bất đắc dĩ nhưng đấy là lựa chọn của thực tế, của hàng vạn hộ nông dân, bởi vậy không thể nói dân và cán bộ địa phương lựa chọn sai.

Trong điều kiện đất đai của miền Trung thì chỉ có 2 cây phát triển được là cây rừng mà chủ yếu là keo lai và cao su. Thu nhập của cây keo lai thì quá thấp, 5-6 năm mới cho thu hoạch, tính ra mỗi năm chỉ được 5-7 triệu/ha, quá thấp, tính ra mỗi hộ nông dân ít ra cũng phải trồng hàng chục ha keo mới đủ sống.

Quỹ đất của miền Trung không có nhiều, mỗi hộ thông thường chỉ năm, ba nghìn m2, nhiều thì cũng vài ba ha nên cây keo lai đã một thời phát triển thịnh vượng và được thay thế bởi cây cao su.

Với cây cao su thì khó nhất là tính chịu gió kém. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão thì cây cao su bất kể ở miền nào, kể cả Nam bộ đều có tỷ lệ gãy đổ nhất định, và sau khoảng 20 năm thì số cây bị mất đi khoảng 30 – 40%.

Chúng tôi cũng tính toán rằng, trung bình trên 20 năm VN mới có bão lớn (như cơn bão ở miền Trung vừa qua) nên gây thiệt hại nhiều hơn bình thường. Nếu bây giờ chúng ta bắt tay vào trồng lại thì phải hai mươi mấy năm sau mới xảy ra mưa bão lớn, lúc này cây cao su cũng đã khai thác mủ được mười mấy năm và đến thời kỳ thanh lý rồi, có gãy đổ cũng không sao.

Tôi khẳng định tính tổng thể thì hiệu quả cây cao su vẫn cao. Thậm chí khi cây cao su bị gãy đổ thì người dân vẫn bán được gỗ. 1 ha cao su khi thanh lý thu được 250 – 300 triệu đồng, trong khi suất đầu tư 1 ha trồng mới chỉ có hơn 100 triệu. Không loại tài sản nào khi thanh lý lại có thể trồng mới được hơn 2 lần như cây cao su cả!


Tính tổng thể thì hiệu quả cây cao su vẫn cao. Thậm chí khi cây cao su bị gãy đổ thì người dân vẫn bán được gỗ

Bây giờ, có ý kiến cho rằng nên trồng loại cây khác, tôi hỏi trồng cây gì hiệu quả hơn cao su với đất đai rất xấu như ở khu vực này? Anh bảo trồng mía, trồng cây lương thực thì thử hỏi thủy lợi đâu mà làm. Nếu trồng được thì người dân đã trồng lâu rồi.

Ông nói rằng, VRG có giải pháp để hạn chế được thiệt hại cho vườn cao su miền Trung khi có mưa bão. Vậy tại sao nhiều vườn cây tại đây vẫn bị thiệt hại nặng?

Diện tích cao su thiệt hại không xảy ra nhiều tại các đơn vị thuộc VRG do ngay từ đầu đã tuân thủ áp dụng các biện pháp hạn chế tác động của gió bão. VRG có công ty cao su Quảng Trị, Quảng Nam, Hà Tĩnh đều nằm ở miền Trung, từ năm 2006 đến nay đều làm ăn tốt nhất so với các công ty nông lâm nghiệp khác ở địa phương.

Theo quy trình, ngoài cơ cấu giống chặt chẽ, cây cao su còn được khuyến cáo trồng ở khu vực cách biển từ 50 km và xung quanh phải có trồng cây chắn gió. Các vườn cây thuộc VRG đều có trồng cây chắn gió là keo lai, trồng thật dày ở khu vực hướng gió thổi vào. Cây keo khi trồng dày sẽ níu đỡ cây kia và che chắn cho vườn cao su.

Cách làm này đã giúp các vườn cao su của VRG nhiều năm qua giảm được thiệt hại lớn trong các mùa mưa bão.

Còn cao su tiểu điền trong dân do diện tích nhỏ, mỗi nhà trồng vài nghìn mét vuông hay một vài ha, nên thường không quan tâm trồng cây keo lai dày xung quanh. Về giống họ cũng chỉ chọn những giống năng suất cao mà ít để ý đến tiêu chí kháng gió. Vì thế, thiệt hại thường thấy rất rõ tại các vườn cao su này khi thiên tai xảy ra.

Theo tôi, thời gian tới chúng ta cần có biện pháp giải thích, hướng dẫn, vận động bà con nên trồng thêm cây keo, bình thường 1 ha có thể trồng 550 cây cao su, nhưng ở miền Trung chỉ nên trồng 400 cây, diện tích còn lại để trồng đai keo bảo vệ (keo chống gió phải trồng dày chứ không thể trồng thưa như trồng rừng kinh tế).

Trồng thế này, nông dân vừa có nguồn thu từ cây keo, vừa bảo vệ được vườn cao su. Có lẽ, mưa bão thời gian qua bà con đã bị tác động nhiều và có được kinh nghiệm rồi, vì thế giờ tổ chức hướng dẫn họ làm theo phương pháp “lá chắn” keo lai sẽ dễ dàng và hiệu quả nhanh thôi.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất