| Hotline: 0983.970.780

Lấy chồng xa

Thứ Tư 08/02/2012 , 10:20 (GMT+7)

Dịp gần tết vừa rồi vợ chồng Tuấn, Lan "chiến tranh lạnh". Nguyên do là chị muốn về ăn tết với mẹ đẻ vì năm nay bà cụ có một mình, lại đang yếu nhưng anh nhất nhất không nghe. Anh còn tuyên bố, nếu chị muốn thì cứ đi một mình và sẽ ly dị luôn.

Anh chị cưới nhau được 7 năm. Hai người sống và làm việc tại Hà Nội nhưng quê anh ở Hà Giang, bố mẹ chị lại tận Hà Tĩnh nên năm nào vợ chồng cũng về nhà nội ăn tết.

Năm nay, một em gái vừa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, đứa nữa cũng mới lấy chồng miền Nam không về được nên chị Lan rủ chồng về ăn tết với mẹ để bà đỡ tủi thân. Chị nghĩ, nhà anh có rất nhiều bà con, em gái anh lấy chồng gần nhà, hai đứa em trai đều chưa vợ, gia đình năm nào cũng tụ tập đông đủ nên vắng anh chị một cái tết cũng không sao. Ai ngờ, anh Tuấn phản đối kịch liệt. Tuấn còn bảo, ở nhà anh không có thói đón tết mà con dâu chẳng ở nhà chồng, nếu chị muốn về nhà mẹ đẻ thì để sau.

Hai người cãi nhau kịch liệt về chuyện này. Cuối cùng, anh tuyên bố: "Cô muốn về thì cứ đi một mình. Nhưng nhớ viết đơn ly dị để tôi ký đã". Đến nước này, chị Lan chỉ còn biết ngồi ôm mặt khóc.

Chung tâm trạng ngậm ngùi như chị Lan, Thủy là kế toán một công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội, lại rơi vào tình cảnh trớ trêu khác. Trước khi cưới, Thủy đã "ra giá" với Nam là cứ một năm ăn tết nhà nội thì năm sau về nhà ngoại vì bố mẹ chỉ có cô là con gái duy nhất, hai cụ đều dân ngụ cư nên không có bà con thân thích xung quanh. Nam cũng đồng ý và còn nói với người yêu: "Anh đối với bố mẹ anh thế nào thì sẽ cư xử với bố mẹ em như thế. Em cứ yên tâm đi".

Sau tết đầu tiên ở nhà chồng, năm nay, Thủy đang hí hửng chuẩn bị về quê với cha mẹ đẻ thì bố chồng gọi điện bảo: "Mẹ mày bị mệt, hai đứa thu xếp tết về sớm mà chuẩn bị". Thủy ức phát khóc vì vừa tuần trước về quê, chính Nam đã xin phép để hai đứa năm nay được ăn tết ở nhà ngoại, mùng 3 sẽ về quê nội. Hôm ấy, Thủy chỉ thấy mẹ chồng có vẻ không bằng lòng nhưng chẳng nói gì. Thế mà...

Nam hiểu nỗi lòng vợ nhưng không biết làm thế nào. Anh biết tính mẹ mình, như thế là bà không đồng ý cho con dâu "hồi hương", nếu cứ cố đi, thể nào sau này hai mẹ con sẽ xích mích, rồi bà lại mặt nặng mày nhẹ. "Nhưng em đã gọi điện thông báo vào ăn tết với bố mẹ từ tháng trước rồi", Thủy vẫn tấm tức. Cô tưởng tượng ra gương mặt thất vọng của cha mẹ mình giữa đống đồ đã chuẩn bị sẵn để đón con về mà nước mắt tuôn trào.

Tết mang niềm vui đến nhiều nhà. Nhưng dịp đoàn tụ này cũng khiến không ít người phải giấu nước mắt vào trong vì chẳng được ở bên người thân. Đối với các cô gái lấy chồng xa, không được về thăm bố mẹ, lại chẳng được chồng và gia đình chồng cảm thông, nỗi buồn càng nhân lên.

Chị Thu, một người đã 10 năm ăn tết nhà chồng tại Hà Nội, có bố mẹ già đang ở Nam Định tâm sự: "Mỗi lần đến tết cũng buồn lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thôi thì, sau này không gả con gái xa và tâm lý với con dâu một chút".

Những bậc cha mẹ có con xa nhà, nhất lại sinh gái một bề mà con không về thăm được thì tết càng làm tăng nỗi trống trải. Ông bà Hà Châu ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, cũng ở hoàn cảnh ấy. Ông bà có hai cô con gái, chị đầu lấy chồng tận Tây Ninh, kinh tế khó khăn nên chẳng mấy khi về, tết lại càng không, cô em theo bạn làm công nhân ở khu công nghiệp trong Đà Nẵng cũng định lập gia đình ở đó.

Ngày bình thường, ông bà còn vui với ruộng vườn, bà con lối xóm. Tết đến, nhìn nhà người ta sum họp, quây quần, con cái đông đủ, hai cụ không khỏi tủi thân. Ban ngày, bà ra chùa, ông ở nhà tiếp khách, tối đến ngôi nhà lại vắng lặng. Bà len lén chùi nước mắt vì nhớ con, ông cũng cố nén tiếng thở dài, mắt chăm chú nhìn tivi nhưng đầu óc ở đẩu đâu.

Anh Trung ở huyện Đông Anh, Hà Nội, một người chồng có vợ tỉnh xa bày tỏ: "Đã là cha mẹ hai bên thì đều cần đối xử công bằng, ăn tết bên này thì cũng phải có lần ăn tết bên kia. Không lý gì người ta là con dâu tốt mình lại mang tiếng rể tồi". Trước đây, anh vất vả lắm mới cưới được chị vì ông bố góa vợ ở Hòa Bình không muốn cho con lấy chồng xa. Thông cảm cho hoàn cảnh của vợ, tết năm nào anh cũng sắp xếp thời gian đưa chị và các con về thăm "nhạc phụ", có khi ở mấy ngày liền.

Theo anh, thật ra, đàn ông không mấy ai muốn về nhà vợ vào dịp này cũng như phụ nữ lúc nào chẳng muốn ăn tết với bố mẹ đẻ. "Có điều, đã xây dựng gia đình thì cả hai phải vì nhau mà cư xử cho đúng, làm sao báo hiếu với cả hai bên bố mẹ. Người già dễ tủi thân lắm", anh tâm sự.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.

Bình luận mới nhất