| Hotline: 0983.970.780

Lay lắt số phận nông lâm trường

Thứ Hai 18/11/2013 , 09:37 (GMT+7)

Một loại hình kinh tế mà từ Tổng giám đốc đến công nhân đều chán ngán. Họ gần như lạc điệu với cuộc sống thị trường. Đấy là tâm trạng ở nhiều Cty TNHH MTV nông lâm nghiệp (nông lâm trường trước đây) mà PV NNVN ghi nhận...

Một loại hình kinh tế mà từ Tổng giám đốc đến công nhân đều chán ngán. Họ gần như lạc điệu với cuộc sống thị trường. Đấy là tâm trạng ở nhiều Cty TNHH MTV nông lâm nghiệp (nông lâm trường trước đây) mà PV NNVN ghi nhận...

Tổng giám đốc ư? Tôi đã chán lắm rồi

Chị Lữu khom người bước vào nhà vốn là cái chuồng lợn cũ của nông trường, kề bên một cái chuồng lợn khác của hàng xóm, ngày đêm bốc mùi xú uế.

Căn nhà mà mỗi trận mưa, chỉ đủ một mảnh ni lông che một cái giường, cái còn lại ướt dầm dề tứ phía. Căn nhà mà hễ gió lay cành vải ken két ngoài vườn, trong nhà người đã phải sơ tán vì sợ sập.

Căn nhà mà mấy tấm ván ở cửa chính đã mục, mấy mảnh bao tải ở cửa sổ đã rách tơ tướp, tài sản lớn nhất tự mua được là cái nồi cơm điện trị giá 1 triệu đồng từ số tiền thưởng cho suất học sinh giỏi thành phố của thằng con trai. 


Căn nhà vốn là chuồng lợn của chị Lữu

Đó là cảnh nhà chị Phạm Thị Lữu và Bùi Văn Quyền, một công nhân vừa nghỉ hưu của Cty TNHH MTV Quý Cao có tiền thân là Nông trường Quý Cao (Tiên Lãng, Hải Phòng).

Một cuộc sống lạc điệu

Mấy năm về trước, khi nhà vừa xuất chuồng tám tạ lợn hơi được 20 triệu đồng, Cty đã “mượn hết” bảo để đóng tiền bảo hiểm cho chồng chị lo một suất nghỉ hưu. Chẳng có khoản nào trả nợ, Cty đành cứ thế trừ lùi dần vào số lượng sản anh chị phải đóng hàng năm. Cụt vốn, không có tiền vào lứa lợn mới đã đành họ còn phải chịu cảnh chủ đại lý cám thường xuyên đến nhà nhòm ngó hết chĩnh gạo lại vại cà xem có gì cất giấu.

Ở trong cái chuồng lợn cũ nhưng hai vợ chồng chị Lữu cùng nhiều người khác không được xếp hạng hộ nghèo như những nông dân trong làng vì họ có tiếng là công nhân. Đến ngay cả con đường mấy cây số hun hút xuyên qua nông trường ngày nào, giờ rộng chỉ vừa đủ một con bò chửa đi, hai bên đường là những dãy nhà tồi tàn như ngầm tố cáo về cuộc sống khốn khổ của chủ nhân.


Vườn vải đã cỗi nhưng không được phép thay

Không còn những tiếng hát, lời ca, dập dìu cờ quạt của thời mở đất, các nông trường hiện nay phần đa chỉ còn những lời ca thán, còn cảnh đìu hiu và những con người ngơ ngác vì lạc điệu với cuộc sống thị trường.

Anh Hoàng Văn Thăng, một cựu công nhân Nông trường Quý Cao bảo: “Ban lãnh đạo từ Giám đốc, đến trưởng các phòng ban, kế toán, thủ quỹ không phải làm gì vì công nhân đã nhận hết khoán, bỏ ra tất từ phân bón, thuốc trừ sâu, ngày công còn họ chỉ “gặm” gốc cây mà tồn tại. Vô lý thế, người già còng lưng nuôi mấy thằng trẻ mà đến bảo hiểm cũng bị chúng nợ”.

Năm 1995 anh Thăng nhận ký hợp đồng lao động và trước đó là hợp đồng giao khoán đất 50 năm từ lãnh đạo nông trường. Khi lãnh đạo mới lên thay, đòi nâng mức sản, đòi thu tăng bảo hiểm, dọa ai không đóng sẽ bị cắt hợp đồng.

Công nhân số sợ hãi thì đem đóng, số “cứng đầu, cứng cổ” hơn liền bị bà Giám đốc ra quyết định đơn phương chấm dứt cả hai loại hợp đồng. Bất bình, bảy công nhân gửi đơn kiện đến tòa án huyện Tiên Lãng và được xử thắng, được ra quyết định trả lại số sản Cty đã lạm thu. Số tiền ấy tới giờ vẫn chỉ là khất nợ.


Trụ sở của Cty TNHH MTV Quý Cao

Cứ nợ ngày nào Cty phải trả lãi theo lãi ngân hàng ngày ấy nhưng công nhân mới chỉ cầm những tờ giấy chứng nhận trên tay, hết đợt nợ này khất rồi lại đợt khác khất tiếp. Số đi kiện được hứa hẹn trả lại phần lạm thu (dù chỉ trên giấy), nhưng cùng chung cảnh ấy những người không khởi kiện hoàn toàn không được gì.

Công nhân nghỉ hưu Bùi Văn Bang ngán ngẩm: “Đây không phải là nông trường, trạm trại mà chẳng ra cái giống gì. Mấy năm rồi Cty không đại hội công nhân viên chức, người lao động không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm, nghỉ lễ tết, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, công đoàn… đều tê liệt hết cả”.

Ông Bang bảo trước mình là đội phó bên cạnh một đội trưởng nữa vừa lao động vừa chỉ đạo 48 đội viên, giờ mấy chục mống công nhân mà có cả bộ máy từ Tổng giám đốc đến các phòng ban, thu sản nuôi cán bộ cũng không thành thân, phải bớt cả bảo hiểm của công nhân.

Nước nổi bèo nổi, sản lượng tăng thì thu nhập mới tăng nhưng nghịch lý ở chỗ vườn vải của đơn vị đã tròm trèm 50 năm tuổi, cỗi, năng suất sụt giảm nghiêm trọng mà người giao khoán không được trẻ hóa, thay thế cây. Như vườn của ông Thăng lúc nhận khoán thu trung bình 5,5 tấn/vụ giờ được mùa nhất chỉ được cỡ 1,8 tấn trong đó nộp lên Cty đã 1 tấn còn 8 tạ chi phí cho đạm, lân, thuốc sâu…

Chưa đủ nuôi cây nói gì đến nuôi người. Tổng cộng đã có gần chục đời giám đốc lướt qua lịch sử Cty, mỗi đời một thêm sa sút. Hồi anh thanh niên tên Thăng về, nông trường tươi tốt bạt ngàn nào cam, chuối, nào lợn giống mới, ngỗng Hungary, điện máy phát ban đêm thay cho ánh mặt trời.

Nhưng ngỗng, lợn không qua nổi nạn động bát đũa, trâu tập thể không thoát nổi cửa miệng người tham, máy móc bị bán tứ tung, đến dây điện cũng bị bóc đem bán bó còn cột điện đào lên thanh lý cho dân mua đập vụn lấy sắt làm nhà.

Hồi có mấy dự án lấy đất, được tí tiền đền bù, lãnh đạo Cty cũng nghĩ ra ối chuyện để làm kinh tế. Người ta thuê máy ầm ì suốt ngày đào ao. Cái máy cứ quay gàu múc xung quanh rồi chừa đất ở giữa để hình thành ra loại ao mang tên Việt Mỹ rồi khoán cho dân. Để vượt qua ao lên hòn “đảo” là mảnh vườn ở giữa, công nhân kẻ chống thuyền, người bắc cầu tạm, lóng ngóng không cẩn thận ngã lăn tùm xuống nước. Ao không ra ao, vườn không ra vườn, hiệu quả kinh tế chẳng có nên công nhân nhận khoán nhao nhao xin kiếu.


Trước đây nơi này là nhà nấm

Hết nạn đào ao Việt Mỹ, lãnh đạo Cty lại thử nghiệm làm trại nấm trị giá hàng trăm triệu cũng chỉ được một thời gian rồi bỏ xó.

Đến chuyện các vị nghĩ ra xây trạm bơm tiêu gần tỉ đồng mới thực là hài. Trạm bơm xây xong không hoạt động được ngày nào vì đáng ra quy hoạch bơm tiêu phải có mương thoát đằng này họng máy cứ nhằm thẳng vào vườn vải của dân, hễ bơm là lụt cả vùng. Giờ cánh cửa trạm bơm đã bật tung, cầu dao hở hoác, chuột kéo nhau từng đàn vào làm tổ trong buồng máy.

Chứng kiến nhiều chuyện bất bình, công nhân phản đối, giữa cuộc họp lãnh đạo nông trường khi ấy còn bảo: “Chó cứ cắn còn bánh xe lịch sử vẫn cứ quay”.

Phương án tốt nhất: Trả đất và giải tán! 

Hiện tại, diện tích đất của Cty còn 122 ha, phần khoán cho công nhân về hưu họ không đóng sản nữa, phần khoán cho công nhân cũng nhiều người không chịu đóng sản, toàn bộ nguồn thu chỉ trông mong vào sản của những người hợp đồng ngoài để trang trải bộ máy. Tôi gặp Bùi Văn Toàn - Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Quý Cao và được anh cho hay đã 3 tháng nay 7 cán bộ gián tiếp từ Tổng giám đốc đến nhân viên bảo vệ đều không có lương.


Ông Tổng giám đốc: "Tôi đã chán chức Tổng giám đốc lắm rồi"

Thấy vẻ không tin hiện rõ trên nét mặt tôi, ông Tổng giám đốc gọi ồi ồi sang phòng kế bên vời anh kế toán đến. Về tài chính của đơn vị được anh ngắn gọn thế này: “Khi bàn giao từ Giám đốc cũ sang quỹ còn 145.000 đồng. Tài khoản hiện tại còn 1 triệu đồng nhưng không thể rút ra mà tiêu được vì sẽ bị khóa tài khoản. Để nuôi bộ máy 7 cán bộ gián tiếp, mỗi năm mất trên 400 triệu đồng và Cty nộp ngân sách nhà nước 6 triệu đồng.

Từ năm 2011 có quy định doanh nghiệp phải đóng tiền thuê đất cho nhà nước đến nay, Cty lại phải chịu thêm khoản nợ dồn góp gần 2 tỉ đồng. Việc làm không có, mọi người đến cơ quan chỉ để uống nước chè. Bây giờ đến chè cũng không có tiền để mua nữa họ xuống cấp hơn, uống nước đun sôi để nguội…

Chuyện vãn một hồi, chị văn thư xon xón vào phòng Tổng giám đốc dúi cho một gói chè nhỏ. Gói chè chẳng biết mua chịu hay không, hay chỉ dành để đãi khách phương xa là tôi. Nể lời mời, tôi bưng cái chén đựng thứ nước không ra xanh cũng không ra vàng nhấp một ngụm. Cuống lưỡi chỉ có vị chát đắng.

Anh Toàn tiếp tục: “Khi làm đề án chuyển từ công ty nông nghiệp Quý Cao sang công ty TNHH một thành viên Quý Cao chính tôi viết đề án chỉ có chức Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc nhưng khi nhận quyết định mới ớ người ra vì lại là Tổng giám đốc. Thắc mắc các anh trên thành phố bảo thời buổi này phải theo xu thế hội nhập, tây tàu đến mình chỉ ký kết với Tổng giám đốc, có chức danh đó cho dễ bề làm việc”.

Hỏi chuyện tại sao vườn cây cỗi nhưng không được thay mới, anh bảo vì đó là tài sản cố định. Hỏi về định hướng tương lai, anh Toàn tay xoa xoa vào nhau, vân vê các ngón một hồi: “Tôi chả thiết gì cái chức Tổng giám đốc đâu nhưng sau lưng tôi còn 6 lao động gián tiếp nữa. Phương án tốt nhất cho Cty bây giờ theo tôi là trả lại đất cho thành phố phục vụ cho an sinh, xã hội”.

Chị văn thư cộp cái dấu vào giấy đi đường của tôi. Cái dấu đỏ chót, tròn vo nhưng lại bị đóng ngược. Có lẽ lâu lắm rồi ở Cty không có việc gì phải dùng đến nó.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.