| Hotline: 0983.970.780

Lấy ngắn nuôi dài

Thứ Sáu 14/09/2012 , 10:27 (GMT+7)

Qua bài học kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước, ông Hồi tự tìm cho Cty mình lối đi chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”.

Ông Chu Văn  Hồi
Là DN đi sau trong liên kết, tiêu thụ RAT, ông Chu Văn Hồi, TGĐ Cty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á đúc kết, nếu chỉ kinh doanh mặt hàng RAT, ngay cả HTX cũng thất bại chứ chưa nói gì đến DN. Qua bài học kinh nghiệm từ các đơn vị đi trước, ông Hồi tự tìm cho Cty mình lối đi chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”.

SAN SẺ GÁNH NẶNG

Qua sự giới thiệu của Chi cục BVTV Hà Nội, chúng tôi tới thăm Cty CP XNK Nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á, đơn vị được thành phố rất quan tâm nhờ cách tổ chức kết nối, thu mua, chế biến RAT có hiệu quả. Sự khác biệt quyết định đến thành công của Cty Đông Nam Á trong việc kết nối, tiêu thụ RAT được ông Chu Văn Hồi, TGĐ Cty nhấn mạnh, đó là “lấy ngắn nuôi dài”, dùng lĩnh vực kinh doanh khác san sẻ gánh nặng cho rau. Bởi, với mặt bằng thuê bán RAT tại Hà Nội đắt đỏ như hiện nay, dù thành phố có hỗ trợ 5 triệu đồng/quầy/tháng cũng không DN nào chịu nổi, vì lãi suất từ rau rất nhỏ, bỏ tiền chẵn thu về tiền lẻ nên sẽ rơi rớt hết nếu không quản lý chặt chẽ.

Ông Hồi cho biết, Cty Đông Nam Á thành lập năm 2004, nhưng bắt tay vào thu mua, sơ chế RAT đầu năm 2009. Ngày trước, Cty của ông chủ yếu chế biến rau, dưa, cà, nấm cung cấp hệ thống các siêu thị, trường học trên địa bàn thành phố. Nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông nhận thấy thị trường RAT có tiềm năng nhưng vẫn bỏ trống nên bắt tay vào làm "bà đỡ" cho nông dân trong bối cảnh các HTXNN không duy trì được vai trò của mình khi thị trường và thói quen tiêu dùng thay đổi.

Tận dụng các mối hàng cung cấp rau, dưa, cà… từ trước, ông Hồi liên hệ cung ứng thêm RAT và được các siêu thị chấp thuận. Phải thừa nhận, ban đầu mỗi tháng Cty Đông Nam Á lỗ tới 50 - 70 triệu đồng do phía siêu thị trả lại hàng quá nhiều, có lúc tới 20%/tháng. Bản thân các siêu thị chỉ nhận ký gửi hàng cho các DN cung ứng rau chứ không mua đứt bán đoạn nên thiệt thòi luôn thuộc về phía DN và đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều Cty thua mua, sơ chế RAT phá sản.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hồi trực tiếp đàm phán với các siêu thị tìm cách động viên nhân viên bán hết hàng cốt làm sao để lượng rau hỏng, tồn kho không quá 10%/tháng. Thấu hiểu khó khăn của Cty, các siêu thị đồng ý san sẻ gánh nặng và hiện lượng hàng phía các siêu thị trừ đi của Cty Đông Nam Á hàng tháng luôn duy trì ở mức 7-8%, đó là một thành công lớn.

Nhưng ông Hồi không giấu diếm rằng, lợi nhuận từ mặt hàng RAT hiện chỉ vừa đủ trả các chi phí thuê đất, lương nhân viên, công sơ chế, vận chuyển… hàng tháng của Cty, nhưng với ông vậy là có lãi “chiến lược”. Vì bên cạnh RAT, các mặt hàng khác của Cty là rau, dưa, cà, nấm… lợi nhuận tằng thêm 20-30% do bớt được công vận chuyển, sơ chế, đóng gói do có RAT "gánh hộ". Qua đó cho thấy, nếu chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng RAT, dù có quản lý chặt chẽ đến đâu, DN vẫn sẽ lỗ. Ông Hồi hy vọng, với cách làm lấy ngắn nuôi dài này, một vài năm nữa, khi thị trường RAT đi vào hoạt động có hệ thống và hiệu quả, lúc đó Cty có lãi cũng chưa muộn.


Xưởng sơ chế, đóng gói của Cty Đông Nam A

KHÔNG CẠNH TRANH VỚI NÔNG DÂN

Hiện mỗi ngày Cty Đông Nam Á cung cấp cho thị trường từ 2-3 tấn rau, củ, quả các loại. Để cạnh tranh và phục vụ các siêu thị được tốt nhất, Cty mua và thuê 20 ha đất tại vùng trồng rau Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Điều khác biệt so với các DN khác trong việc thuê đất trồng rau là Cty Đông Nam Á trồng những loại rau mà người dân không trồng.

Tại vùng rau Lĩnh Nam, nông dân chỉ trồng các giống rau ăn lá nên nếu chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu của bà con sẽ không đáp ứng được chủng loại, trong khi các siêu thị đều muốn thông qua một đầu mối cung cấp đầy đủ các loại rau, củ, quả để khỏi phải nhập lắt nhắt. Chính vì vậy, diện tích 20 ha được Cty Đông Nam Á thuê chỉ trồng các loại củ, quả như bí, mướp, rau lang, khoai sọ… Phương châm của Cty là không cạnh tranh, không ăn lãi từ nông dân.

Đối với rau ăn lá, ông Hồi khẳng định Cty luôn mua của người dân bằng hoặc hơn giá thị trường bởi tâm lý người nông dân bán rẻ hơn mấy trăm đồng cũng không thấy thoải mái. Nhưng ngược lại, khi mua bằng giá thị trường phía Cty yêu cầu bà con thu mua rau đúng thời điểm, đúng lứa và quy trình phía Cty đề ra thì người dân ai cũng vui vẻ hợp tác. Như vậy người trồng RAT tại Lĩnh Nam đã gián tiếp tạo lợi nhuận cho phía Cty bởi chất lượng rau có cao, sau khi sơ chế Cty nâng giá trị qua giá bán NTD vẫn chấp nhận vì xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.

Một “kinh nghiệm” khác trong chiến lược kinh doanh RAT được ông Hồi chia sẻ, đó là phải tạo cho nhân viên của Cty thói quen phục vụ. Với mặt hàng RAT không thể đi làm theo giờ hành chính như công viên chức nhà nước, mà thay vào đó phải sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào khách hàng cần. Để nhân viên có đủ tinh thần, sức khỏe đáp ứng công việc, ông Hồi áp dụng phương pháp “cơm cày cơm cấy”.

“Kinh nghiệm cho thấy, DN không nên cạnh tranh với nông dân vì không thể trồng rau giỏi bằng họ được. Thay vào đó, phải đồng cảm với bà con và trồng những thứ họ không trồng. Mặt khác, phải luôn mua rau của người dân bằng hoặc hơn giá thị trường vì người dân làm ra mớ rau vô cùng vất vả. Như vậy mới tạo nên sức mạnh đoàn kết và người dân mới gắn bó lâu dài với DN”, TGĐ Cty Đông Nam Á Chu Ngọc Hồi.

Từ 10 giờ sáng đến 14 giờ chiều tại Cty lúc cơm nước luôn được chuẩn bị sẵn sàng, ai về lúc nào ăn lúc đó rồi lại tiếp tục công việc nên RAT của Cty Đông Nam Á đến các siêu thị, bếp ăn luôn trong tình trạng tươi, ngon nhất. Theo ông Hồi, cái này nghĩ là rất đơn giản nhưng ý nghĩa mang lại là vô cùng to lớn, đó là tạo cho nhân viên tư duy đã làm RAT là phải luôn phục vụ khách hàng dịch vụ tốt nhất.

Hiện Cty Đông Nam Á đang tạo công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương thông qua việc vận chuyển, sơ chế và đóng gói rau với mức lương 3,5 - 4,5 triệu đ/người/tháng, phụ cấp ăn trưa và xăng xe. Hàng ngày, vào mỗi buổi chiều Cty nhận đơn đặt hàng tại các siêu thị, sau đó bộ phận tổng hợp sẽ thông báo lại với các hộ dân trồng RAT đã được Cty kết nối từ trước qua hội nghị khách hàng chủng loại, số lượng để người dân chuẩn bị.

Đến 18 giờ, mọi con số đều phải được "chốt hạ". Với các loại củ, quả nhân viên Cty sẽ tiến hành sơ chế đóng gói vào buổi chiều còn với mặt hàng rau ăn lá sẽ làm vào sáng hôm sau. Từ 5 giờ sáng, nhân viên của Cty bắt đầu đi giao RAT đến các siêu thị theo từng tuyến đã được phân công một cách hợp lý nhất nhằm giảm chi phí vận chuyển...

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất