| Hotline: 0983.970.780

Lấy nước gieo cấy vụ ĐX: Vĩnh Phúc- Nước đến chân mới nhảy!

Thứ Hai 14/02/2011 , 09:32 (GMT+7)

Trong lúc nhiều địa phương đã hoàn thành cơ bản việc lấy nước đổ ải gieo cấy vụ ĐX 2011 trong đợt xả nước lần I thì hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc mới “quàng chân lên cổ” lo lấy nước trong đợt xả lần II.

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra tình hình lấy nước tại Vĩnh Phúc

Trong lúc nhiều địa phương ĐBSH đã hoàn thành cơ bản việc lấy nước đổ ải gieo cấy vụ ĐX 2011 trong đợt xả nước lần I của ngành thủy điện thì hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc mới “quàng chân lên cổ” lo lấy nước trong đợt xả lần II, khi vẫn còn trên 60% diện tích chưa có nước đổ ải.  

Xin nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên việc lấy nước gieo cấy của tỉnh Vĩnh Phúc rơi vào tình thế “nước đến chân mới nhảy” như vụ ĐX năm nay. Vụ ĐX 2009 – 2010, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho xả nước tới 3 đợt, nhưng trong khi các tỉnh đã gieo cấy xong xuôi thì Vĩnh Phúc vẫn bị “mắc kẹt” lại đằng sau, khi vẫn còn hàng nghìn hecta chưa lấy đủ nước gieo cấy. EVN sau đó đã phải bất đắc dĩ xả nước bổ sung thêm một đợt để... dành riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc!  

Theo báo cáo của Vụ Quản lý công trình (QLCT, Tổng cục Thủy lợi), trong đợt xả nước lần I của EVN (từ ngày 25/1 – 1/2/2011), mặc dù đúng vào dịp Tết Nguyên đán nhưng đa số các địa phương ĐBSH đã quyết liệt tổ chức lấy nước tối đa. Kinh nghiệm của nhiều địa phương ĐBSH (như Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Ninh...) cho thấy, việc lấy nước đã được chủ động ngay từ đầu tháng 1/2011 với phương châm tận dụng nước sông lên cao lúc nào thì bơm dự trữ vào ao đầm, kênh chứa lúc đó, không chờ tới lúc EVN xả nước mới lấy. 

Đến thời điểm này, diện tích đã đổ ải và gieo cấy của các tỉnh đã đạt hơn 75%. Nhiều tỉnh mặc dù rất khó khăn trong việc lấy nước nhưng đã đạt tỉ lệ diện tích đã lấy đủ nước gieo cấy rất cao như Phú Thọ (trên 95%); Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương... (trên 90%). Trong khi đó, theo báo cáo của tỉnh này thì đến ngày 11/2, Vĩnh Phúc mới chỉ lấy nước đổ ải cho khoảng 37% diện tích, 75% diện tích còn lại, tương đương gần 16 nghìn hecta chưa có nước đổ ải (tiến độ và tỉ lệ diện tích lấy nước chậm và thấp nhất ĐBSH).

Ông Đàm Hòa Bình, Vụ trưởng Vụ QLCT (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, căn cứ vào tỉ lệ lấy nước đổ ải của các tỉnh ĐBSH đạt rất cao trong đợt I, EVN đã nhất trí kế hoạch chỉ xả nước đợt II kéo dài 7 ngày (từ ngày 12 đến hết ngày 18/2) với tổng dung lượng xả 1.900 m3/s. Như vậy chỉ trong khoảng 5 – 6 ngày, tỉnh Vĩnh Phúc buộc phải cật lực lấy nước đổ ải cho hơn 16 nghìn hecta. Đây thực sự là một thách thức cho địa phương này, và nhiều diện tích sẽ lại có nguy cơ thiếu nước cấy như vụ ĐX 20010.

Trước tình hình trên, ngày 11/2 Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng Tổng cục Thủy lợi đã phải có chuyến kiểm tra “nóng” tình hình lấy nước đổ ải của tỉnh Vĩnh Phúc. Theo tính toán của tỉnh này, để kịp lấy đủ nước đổ ải trong đợt xả lần II cho các diện tích còn lại thì cần phải chạy tốc lực hết công suất tất cả các trạm bơm dọc sông Hồng, sông Lô..., với điều kiện EVN phải xả đủ nước và kéo dài ít nhất đến ngày 20/1 (dài thêm 2 ngày so với kế hoạch chung của ĐBSH). Vì vậy hiện tại, nhờ mực nước sông Hồng đã được dâng cao do được xả nước nên toàn bộ hệ thống trạm bơm lớn như Đại Định, Liễu Trì, Bạch Hạc... đang buộc phải “vắt kiệt sức” chạy hết công suất.

+ Bộ trưởng Cao Đức Phát: 

“Tỉ lệ diện tích lấy đủ nước chung toàn vùng ĐBSH trong đợt xả lần 1 tới hơn 75%, trong khi Vĩnh Phúc vẫn rất chậm, chỉ đạt 37% - thấp nhất vùng. Từ nay đến 20/2, đề nghị tỉnh phải cố gắng lấy đủ nước đổ ải trong đợt xả lần II”.

+ Ông Phùng Quang Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:  

“UBND tỉnh đã chỉ đạo các Cty khai thác CTTL trong đợt xả lần II, nếu để thiếu nước đổ ải, gieo cấy thì GĐ Cty sẽ bị cách chức. Từ nay đến 20/2, tỉnh sẽ cam đoan có đủ nước cho dân cấy. Ngược lại, ai cấy sau ngày 20/2 mà bị thiếu nước thì tỉnh không chịu trách nhiệm!”

Về việc tiến độ lấy nước đổ ải chậm so với kế hoạch chung, ông Phùng Quang Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận: Sở dĩ vụ ĐX 2010, Vĩnh Phúc lấy nước chậm so với lịch chung cả vùng là bởi việc điều chỉnh trà gieo cấy của tỉnh không khớp với lịch xả nước mà thôi. Còn năm nay, việc đến thời điểm này việc lấy nước chậm là do kế hoạch điều chỉnh riêng của tỉnh. Bởi hầu hết diện tích cây vụ đông của Vĩnh Phúc mãi tới áp Tết mới thu hoạch. Nên trong đợt xả nước lần I của EVN, nếu có bơm nước lên ruộng mà dân chưa cấy thì rồi cũng trôi xuống sông hết. Như vậy thì rất phí. Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành thủy lợi tập trung lấy nước trong đợt II mà thôi. “EVN có thể giảm lưu lượng xả nước xuống thấp hơn mức 1.900 m3/s thì chúng tôi vẫn lấy được nước, chứ chúng tôi cũng không cần mức đó, mà chỉ cần thời gian xả kéo dài thêm so với kế hoạch chung. Nếu cho xả kéo dài đến ngày 20/2 thì tỉnh vẫn hoàn toàn yên tâm sẽ lấy đủ nước gieo cấy...” – ông Hùng khẳng định.

Về ý kiến này, ông Đàm Hòa Bình, Vụ trưởng Vụ QLCT cho rằng, lượng nước và thời gian xả nước cho vụ ĐX này là dành chung cho cả vùng ĐBSH chứ không phải chỉ riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng lượng nước xả 2 đợt khoảng 2,7 tỉ m3 đã được Chính phủ nhất trí thông qua, vì vậy không thể kéo dài thêm thời gian xả, cũng không thể giảm lưu lượng xả nhằm cố định tổng lượng nước để kéo dài thêm thời gian được. Bởi đợt xả lần II này, ngoài cấp nước đổ ải cho diện tích còn lại trong đợt I, còn phải đảm bảo cho các tỉnh tranh thủ lấy vào sông, kênh nội đồng... để dự trữ nước tưới dưỡng về sau. Vì thế, vẫn phải duy trì mực nước sông Hồng đảm bảo ít nhất tại Hà Nội là 2,2 – 2,3m thì các tỉnh khác mới lấy được nước.

Ông Vũ Văn Thặng– Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cũng cho rằng, bất kỳ lí do nào thì lịch gieo cấy và xả nước của tỉnh Vĩnh Phúc cũng cần phải tuân theo lịch chung của vùng ĐBSH. Theo ông Thặng, nếu trong đợt I, tỉ lệ lấy nước của Vĩnh Phúc đạt cao như các tỉnh khác thì trong đợt II này, Tổng cục Thủy lợi đã có thể kiến nghị EVN giảm lưu lượng và thời gian xả nước để tiết kiệm nước, khi mà tình hình thiếu nước đang rất nghiêm trọng.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất