Vào ngày rằm tháng Giêng, hàng ngàn người dân địa phương và du khách các nơi đã hào hứng tham dự lễ Cầu an Thượng nguơn của miếu Âm Nhơn dưới chân núi Sam.
Đây là nghi lễ có bề dầy lịch sử hàng trăm năm, thể hiện tinh thần chia sẻ và tưởng nhớ những người đã không may phải nằm xuống trong công cuộc chinh phục vùng đất mới, đồng thời phản ánh quá trình giao thoa văn hóa giữa các tộc người cộng cư trên vùng biên địa Châu Đốc.
Miếu Âm Nhơn nằm ở phía Tây của núi Sam, cặp theo đường vòng chân núi, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ngôi miếu được người dân địa phương quen gọi đơn giản là miếu Cô Hồn, vì đây là nơi thờ cúng những vong hồn không nơi nương tựa theo quan niệm dân gian. Miếu được xây dựng bằng cây lá vào giữa thế kỷ XIX và trải qua nhiều lần trùng tu để có diện mạo như ngày nay.
Về nguồn gốc ra đời ngôi miếu, đến nay vẫn còn nhiều lý giải khác nhau. Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, dân gian kể rằng chân núi phía Tây Bắc của núi Sam có khu nghĩa địa lớn (người địa phương gọi là khu “đất cúng” đến nay vẫn còn tồn tại), cô hồn thường hay quấy phá người đi đường.
Do đó, nhân dân lập miếu thờ cô hồn để giữ yên bình cho làng xóm. Ý kiến khác cho rằng ngôi miếu được Thoại Ngọc Hầu cho xây dựng để thờ cúng vong hồn những nhân công đã thiệt mạng trong quá trình đào kinh Vĩnh Tế.
Trong khi đó, theo Nguyễn Phước Sanh, miếu được nhân dân xây dựng khoảng trước năm 1900 để thờ các bậc tiền nhân bỏ mình trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế, cùng chư vị có công khai phá và gìn giữ biên cương phương Nam. Còn theo Trịnh Bửu Hoài, miếu được nhân dân xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX để thờ những cô hồn vất vưởng không nơi nương tựa, đồng thời thờ cả những bậc tiền hiền của làng thôn.
Dù còn ít nhiều khác biệt, nhưng điểm chung của các lý giải nầy là cho rằng ngôi miếu được dựng lên nhằm mục đích thờ cúng những người đã chẳng may phải bỏ mình trên vùng đất mới, giữa rừng thiêng nước độc và thiên tai nhân họa…
Khi nằm lại nơi đất khách quê người, họ không có người thân thờ cúng, hoặc mồ mả xiêu lạc qua thời gian. Do đó, miếu Âm Nhơn ra đời như một nghĩa cử tri ân và tưởng nhớ mà người dân núi Sam dành cho những thế hệ đi trước.
Hằng năm vào ngày 15 - 16 tháng Giêng âm lịch, miếu Âm Nhơn tổ chức lễ Cầu an Thượng nguơn với nhiều hoạt động phong phú. Trong đó, thu hút hơn cả là nghi thức Hành binh, người địa phương thường gọi là Nghinh Ông, diễn ra vào ngày 15.
Bắt đầu từ 12 giờ trưa, một đoàn xe sẽ từ miếu Âm Nhơn diễu hành vòng quanh núi Sam. Mặc dù quãng đường chỉ khoảng 5km, nhưng do số lượng người dân tham gia đông đảo nên đoàn diễu hành đến khoảng 21 - 22 giờ mới trở về đến miếu. Nghi thức nầy mang ý nghĩa là rước các cô hồn ven đường tập trung về miếu để chính thức cúng tế vào ngày hôm sau.
Ở Nam bộ, nhập đồng ba ông Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và diễu hành là nghi thức có nguồn gốc từ văn hóa tộc người Hoa, được họ mang theo trong hành trình di cư đến Việt Nam. Trên thực tế ở địa bàn Châu Đốc, người Hoa đã có những nghi thức nhập đồng tồn tại hàng trăm năm.
Trong đoàn rước, chiếc xe trung tâm được trang trí cờ phướn lộng lẫy, với màu sắc chủ đạo là đỏ. Ở giữa xe có bàn thờ trang nghiêm, đặt bài vị Thập Vị Cô Hồn.
Điểm nổi bật trên xe là ba người đàn ông sẽ nhập đồng ba vị Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và có mặt trên xe xuyên suốt hành trình. Người dân quan niệm rằng ba vị ấy sẽ giúp dẹp trừ ma quỷ trên đường đoàn xe đi qua, đem lại sự an lành cho dân chúng trong vùng.
Dọc hai bên đường, những nhà dân đặt bàn hương án để cúng cô hồn, cầu bình an và xua đi những điều xui rủi. Trên bàn ngoài nhang đèn, hoa quả, thì còn có gạo muối. Đoàn xe đi đến nhà nào sẽ lấy những bọc gạo muối của nhà đó, mang về miếu để sử dụng tượng trưng một ít trong lễ cúng vào ngày hôm sau, phần còn lại dùng để bố thí cho người nghèo.
Bên cạnh đó, mỗi gia đình gom rác xung quanh nhà lại, chất thành đống và đặt trước cửa. Khi đoàn xe đi qua, chủ nhà sẽ đốt đống rác nầy và rải muối vào, với ý nghĩa xui đuổi những điều không may.
Sáng sớm hôm sau 16 tháng Giêng âm lịch, nghi thức Chánh tế và Tống ôn sẽ được diễn ra tại miếu. Lễ Chánh tế mang ý nghĩa là cúng tế cho những cô hồn đã được rước về miếu từ hôm trước, với hình thức diễn ra theo nghi lễ cổ truyền của các đình miễu ở Nam Bộ.
Sau cùng, các cô hồn sẽ được đưa lên thuyền giấy đã được người dân thiết kế đẹp mắt từ trước đó. Chiếc thuyền nầy sẽ được tống đi bằng hình thức hỏa tống (đốt đi) chứ không phải thủy tống (thả sông) như các địa phương khác.
Tại miếu Quan Đế (phường Châu Phú A) từng có hình thức nhập đồng ba ông Quan Công, Quan Bình, Châu Xương suốt khoảng hơn một thế kỷ, nhưng đã mai một khoảng 50 năm qua. Tại miếu Tam Sơn (phường Vĩnh Mỹ) có hình thức nhập đồng Tam Sơn Quốc Vương (ba vị thần trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa nhóm Triều Châu) suốt gần hai thế kỷ, đến nay vẫn còn.
Do đó, có thể thấy hình thức nhập đồng ba ông Quan Công, Quan Bình, Châu Xương và diễu hành trong lễ Cầu an Thượng ngươn ở miếu Âm Nhơn chính là sự ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hoa đến văn hóa tộc người Việt cộng cư trên địa bàn Châu Đốc.
Song, vượt qua những rào cản khác biệt về văn hóa, giá trị chung mà các tộc người hướng đến vẫn là tinh thần tri ân và chia sẻ đến người còn lẫn kẻ mất, trên vùng đất mà mình đang sinh cư lập nghiệp. Mặt khác, họ không chỉ đề cao những giá trị mang tính lý tưởng, mà còn quan tâm đến những nhu cầu thiết thực của đời sống hằng ngày như may mắn, sức khỏe, phát đạt…