| Hotline: 0983.970.780

Lễ hội đền Trần

Thứ Hai 28/02/2011 , 09:49 (GMT+7)

Từ sự hỗn loạn ở đền Trần vừa qua, phải chăng tình trạng mê tín đang trỗi dậy và làm giầu bất chính cho một số người?

Chen lấn ở lễ hội Đền Trần
* Rất nhiều người phê phán việc tổ chức Lễ hội đền Trần vừa qua, vì vừa phản khoa học, nhiều yếu tố mê tín, vừa tốn kém vừa gây nhiều thương tích do quá đông người chen lấn , xô đẩy. Phải chăng tình trạng mê tín đang trỗi dậy và làm giầu bất chính cho một số người.

Đoàn Danh Hùng, Trực Ninh, Nam Định

Về vấn đề này nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân có quan điểm như sau (Tuổi trẻ online):

Tôi cho rằng: Mê tín nằm trong một dãy trạng thái tâm lý nhân loại, từ “niềm tin” qua “tín ngưỡng”, đến “mê tín”. Các trạng thái này tất nhiên nương tựa nhau, chuyển hóa nhau. “Mê tín” có thể bị tăng tiến hoặc được thuyên giảm nhờ “niềm tin” được điều chỉnh, mà sự điều chỉnh ấy lại là kết quả tác động của nhận thức, của tri thức.

Ở Việt Nam, cũng đã có những giai đoạn, các chuẩn “duy lý” thông tục bị thô thiển hóa đã lấn át những tập quán và tín ngưỡng cổ truyền, đẩy chúng vào khu vực hoạt động giấu giếm, phi pháp. Tình hình đã khác đi từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, khi các lễ hội xưa dần dần được phép hoạt động công khai trở lại, hơn thế còn trở thành niềm hứng khởi của cả dân gian lẫn các giới quan chức, bởi chúng được coi như nguồn bổ sung cho những niềm tin đang lung lay trước các làn sóng văn minh của thời đại.

Song chính sự tái bùng nổ của lễ hội cũng chính là nguồn khích lệ cho sự trỗi dậy của các loại “mê tín” vốn chưa bao giờ rời bỏ cộng đồng cư dân từ thượng cổ đến hiện tại vốn chủ yếu chỉ sống với nghề nông, phụ thuộc vào nắng mưa ấm lạnh của thời tiết và những biến động xã hội mà người ta khái quát thành sức mạnh của ông Trời. Hầu hết các lễ hội đều gắn với những “mê tín” nhất định, mà một trong những biểu hiện nổi bật là ở khát vọng của công chúng thủ đắc những “tín vật”, “linh vật” nhất định. Nắm được “bí kíp” này, các nhà tổ chức các loại lễ hội khác nhau đều đang ra sức khai thác tâm lý mê tín của công chúng, làm sống lại những “linh vật”, “tín vật” vốn có từ xa xưa, thậm chí “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới.

Tờ giấy hoặc mảnh vải có đóng “quốc ấn” (tân tạo) quân chủ, chiếc túi đựng một ít hạt ngũ cốc được xem là “lộc” của triều đình quân chủ... - ấy là những “linh vật” được phục chế từ những tín điều đã tồn tại thời quân chủ: Tin vào vận may do vua quan ban phát, xem nó là “lộc trời”, “lộc vua” - một niềm tin mà chẳng biết do định hướng nào, các nhà tổ chức lễ hội ngày nay lại muốn khơi dậy trong tâm thức cư dân hiện đại? Giá trị văn hóa truyền thống ư? Loại “giá trị” tuân phục, cầu lộc rơi lộc vãi từ các vua quan - đâu phải hệ giá trị cần được dung dưỡng trong thời đại của các nguyên lý dân chủ, công bằng, văn minh? Hơn thế, các nhà tổ chức lễ hội hiện đại ở ta còn muốn “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới, như là vừa muốn làm sống lại vừa muốn tạo thêm càng nhiều càng hay những sinh hoạt của thời trung đại trong ý thức và đời sống của cư dân.

Một điều đáng nói là hầu hết những lễ hội kể trên đều gắn với hoạt động tham dự, thậm chí chủ trì của quan chức cao cấp, hoặc do các tổ chức chính thống chủ trì, với tư cách những lễ hội chính thống ở tầm quốc gia. Tức là những tín ngưỡng, những “mê tín” ấy đã mặc nhiên được đóng dấu quốc gia.Trong một tình thế như vậy, không khó để thấy trước rằng tâm lý chuộng “mê tín” ngày càng gia tăng. Bởi khi giới quản lý xã hội, quản trị cộng đồng cũng mang những niềm tin, “tín ngưỡng”, “mê tín” ngang với mức của công chúng dân cư, thì không có cách gì làm vơi bớt hay phai nhạt sự “mê tín” của số đông cư dân được cả.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất