| Hotline: 0983.970.780

Lễ viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM

Thứ Bảy 12/10/2013 , 12:44 (GMT+7)

6 giờ sáng, các con đường bao quanh Hội Trường Thống Nhất (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Nguyễn Du)… đã chật cứng người, xe. Dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài hàng trăm mét, từ cổng đến bên trong Hội Trường, nơi đặt di ảnh Đại tướng.

6 giờ sáng, các con đường bao quanh Hội Trường Thống Nhất (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Nguyễn Du)… đã chật cứng người, xe. Dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp kéo dài hàng trăm mét, từ cổng đến bên trong Hội Trường, nơi đặt di ảnh Đại tướng.


Ngay từ 6h30, dòng người đến viếng Đại tướng đã kéo dài hàng trăm mét.

Ông Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, đọc lời phát biểu trong lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong dòng người lặng lẽ ấy, ngoài các cơ quan, đoàn thể, còn có hàng vạn người đến từ các tỉnh miền Trung, miền Tây. Họ là nông dân, cán bộ hưu trí, sinh viên, và rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở Điện Biên, Trường Sơn năm xưa.

Đúng 7h30, trong không khí trang nghiêm, xúc động và tiếng nhạc trầm buồn, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất TP.HCM đã chính thức bắt đầu.

Ông Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu Đoàn đại biểu của Thành ủy HĐND, UBND, UB MTTQ Việt Nam TP.HCM; Trung tướng Trần Đơn - Tư lệnh QK7, dẫn đầu đoàn đại biểu QK7 là những đoàn đầu tiên đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Những bức tranh, cuốn sách, những bút tích của Đại Tướng đều được trưng bày tại hội trường Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM. Ngoài ra, tại các đơn vị của quân đội như Bảo Tàng LLVT miền Đông Nam Bộ đã lập những bàn thờ để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.
Nhiều bức hình ghi lại những lần Đại Tướng gặp gỡ, trò chuyện cùng thanh niên VN, những diễn biến lịch sử quan trọng trong thời kì kháng chiến. Ngoài ra, nơi đây còn cho trưng bày các thể loại sách báo viết về Đại Tướng cùng một số những tài liệu khác.
Đến trưa 12/10, đã có gần 7.000 lượt sinh viên, học sinh theo đoàn đến thăm viếng, chưa kể những người đi tự do.

Ngô Trường Giang

Vị trí của Đại tướng trong lòng nhân dân Việt nam thể hiện rõ nhất, khi bước ra ngoài sân Hội Trường Thống Nhất. Ở đây, có rất nhiều người đang rưng rưng nước mắt. Họ không nói gì, cứ lặng lẽ ngồi, ánh mắt buồn rười rượi, vô hồn.

“Tôi không có hạnh phúc được gặp bác Giáp, chỉ biết những gì bác làm cho đất nước mình, vô cùng lớn. Tôi kính trọng bác vì bác không chỉ là một anh hùng dân tộc, mà còn là một nhân cách lớn. Nghe tin bác mất mà cảm giác như mất đi một người thân bởi bác là một vị tướng của nhân dân, can trường, giản dị. Có lẽ sau Bác Hồ, Đại tướng là người được nhân dân yêu quý, kính trọng nhất”, ông Nguyễn Văn Thành, một người dân từ Củ Chi xuống đây từ lúc hơn 5 giờ sáng, chỉ mong được thắp cho Đại tướng một nén nhang, xúc động nói.

Trong số những người đến viếng Đại tướng ấy, có một cựu chiến binh ngồi trên chiếc xe lăn. Đôi mắt cụ cứ rưng rưng. Tôi hỏi thăm mới biết, cụ tên Nguyễn Long, sinh năm 1930, nhà ở tận Bình Thuận, từng để lại một phần thân thể trong “mùa hè đỏ lửa” năm 1972. “Ổng khóc hoài, cứ đòi đi nên tôi phải xin nghỉ làm đưa ổng lên đây từ hôm qua”, người con trai cụ Long cho biết. “Ông buồn lắm con ơi, mấy ngày nay cứ nghĩ đến Đại tướng mà ăn uống chẳng được, người cứ bần thần”, Cụ Long nói, đôi mắt lại rưng rưng.


Ông Nguyễn Long, năm nay 83 tuổi, thương binh, từ Bình Thuận lên TP.HCM từ ngày hôm trước, đợi được vào viếng Đại tướng.

Mặc dù Chi hội Cựu chiến binh quận 12 đã tổ chức lễ viếng, lập bàn thờ tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng bác Phạm Thị Thu (cựu lính Biệt động Sài Gòn) cho biết, nhóm của bác vẫn đến Hội trường Thống Nhất thắp cho Đại tướng một nén nhang thành kính. “Cả đêm qua chúng tôi thao thức không ngủ được. Ngay khi nghe tin Đại tướng mất, nhiều người trong chúng tôi đã không kìm được nước mắt”.

Một cô gái khá trẻ, tay ôm bó hoa quấn vải đen, ngồi bần thần trên bờ lan can công viên trước Hội trường, đôi mắt dõi nhìn vào bên trong, không chớp. Tôi tiến lại hỏi thăm. Cô gái cho biết, cô tên Thanh, sinh viên trường Luật TP.HCM, đến đây từ hơn 5 giờ sáng đợi viếng Đại tướng, nhưng vì đông quá, đành ngồi đợi. "Bác Giáp có một vị trí vô cùng quan trọng trong lòng em. Bác mất tụi em buồn lắm. Sáng nay em dậy sớm, và là một trong những người đầu tiên đến đây sớm nhất”, Thanh trầm giọng nói.


Cô sinh viên trường Luật TPHCM với bó hoa trên tay, đợi vào viếng Đại tướng.

"Sau 1 cuộc chiến đơn vị chúng tôi mất hơn 1.000 anh em, chỉ còn 19 người quay lại Mường Thanh. Các anh em đau đớn khôn lường, không ăn uống được chỉ biết ngồi ngẩn ngơ vì sự mất mát này quá lớn. Khi đó Đại tướng đã đến động viên và an ủi từng người, giúp chúng tôi nhanh chóng khôi phục lại tinh thần và bắt đầu cho những trận đánh mới. Tôi hay tin người anh cả của mình mất, tôi đau nhói trong tim, dù biết sớm muộn cũng có giây phút này", cụ Huỳnh Đại Chiếu, năm nay 85 tuổi, một người từng tham gia chiến dịch Điện Biên “chấn động 5 châu”, rưng rưng nói.


Cụ Huỳnh Đại Chiếu, năm nay 85 tuổi, dù không đi được nhưng vẫn nhất định đòi con đưa đến viếng Đại tướng.


Những cựu binh đến viếng Đại tướng từ rất sớm.

Người đàn ông này không chen chân vào trong viếng Đại tướng được, đành cứ đứng ngoài sân chắp tay rất lâu.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.