| Hotline: 0983.970.780

'Lên đời' nhờ ngưu tất

Thứ Tư 08/04/2015 , 09:57 (GMT+7)

Hiện nay, giá củ ngưu tất vẫn dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg (tùy loại). Giá bán có thấp hơn thì tính ra hiệu quả vẫn hơn hẳn các cây trồng khác.

Những ngày này, trên các ngả đường rẽ về các thôn Đại An, An Mai, xã Thống Nhất (Hưng Hà, Thái Bình) người dân đang hối hả vào vụ thu hoạch ngưu tất. Xe tải lớn nhỏ của thương lái từ các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Phòng… nối đuôi nhau về thu mua.

Cây ngưu tất bén rễ trên đất Thống Nhất đã hơn 30 năm do những người làm nghề buôn bán dược liệu mang giống về, đã mang lại nguồn thu nhập chính cho bà con và trở thành cây trồng chủ lực vụ đông.

Sau khi thu hoạch lúa mùa (tháng 10) bà con bắt đầu tập trung làm đất, lên luống để trồng ngưu tất. Muốn thu được hiệu quả cao, công tác làm đất quyết định 80%. Ruộng trồng ngưu tất phải được cày bừa, đập đất kỹ. Cày sâu có tác dụng làm cho rễ ngưu tất dài, ăn sâu, củ to cho năng suất cao.

Đất trồng là đất thịt pha cát hoặc đất phù sa, tơi xốp được đập nhỏ và ở vị trí cao ráo, luống được vun cao để thoát nước, tránh cho cây bị ngập úng. Khi lên luống cần bón lót phân chuồng vào lưng chừng luống.  

Trồng ngưu tất bằng cách gieo hạt. Hạt được ngâm nước ấm, xong trộn với cát khô và tro khô để dễ gieo. Gieo thưa trên rạch luống và đậy rơm hoặc rạ. Gieo hạt xong, cần tưới ẩm hàng ngày cho hạt mau nảy mầm và thường xuyên làm cỏ, xới xáo khi cây phát triển.

Khi cây đã ra tán, kín luống, phải nhổ tỉa bớt những chỗ quá dày. Tưới bằng cách tát nước vào ruộng, ngập rãnh luống rồi té nước lên mặt luống, làm như vậy sẽ giữ được độ ẩm cho cây. Khi cây sinh trưởng mạnh, cần cắt ngọn để cây có đủ chất dinh dưỡng nuôi củ to, dài… 

Thời gian thu hoạch vào tháng 3 đến tháng 4 năm sau. Khi cây có nhiều lá vàng, lá gốc rụng dần, rễ mập, củ dài 20 - 30 cm là thu hoạch. Trước khi thu phải cắt bỏ phần lá và cành. Dùng thuổng hoặc xà beng đào sâu bẩy đất lên để rễ khỏi bị đứt, rũ sạch đất ở rễ, đem về rửa sạch, phơi ráo nước, cắt bỏ rễ con và xuất bán.

Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Đại An, xã Thống Nhất cho biết: “Hiện nay, giá củ ngưu tất vẫn dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg (tùy loại). Giá bán có thấp hơn thì tính ra hiệu quả vẫn hơn hẳn các cây trồng khác.

Giá cao nhất từ trước đến nay lên đến 18.000 đồng/kg. Từ trước đến nay, chưa năm nào ngưu tất bí đầu ra. Trong thôn, nhà trồng ít cũng 2 - 3 sào, nhà trồng nhiều đến vài mẫu. Mọi vật dụng trong nhà từ ti vi, tủ lạnh, nhà cao tầng hay con cái ăn học đều trông cả vào ngưu tất”.

Theo chị Hoa, 1 sào ngưu tất cho thu từ 5 - 6 tạ củ, tính ra thu về từ 5 - 6 triệu đồng, có năm thời tiết ủng hộ và chăm sóc tốt, cây không bị chết hay ngập úng cho thu từ 10 - 12 triệu đồng/sào, giá trị gấp 3 - 4 lần cấy lúa. Nhiều hộ thu được cả trăm triệu đồng sau 4 tháng trồng ngưu tất nên bà con nơi đây còn gọi là cây “lên đời”.

Ngưu tất là loại cây dược liệu vụ đông ưa lạnh trồng lấy củ, dễ trồng, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư không nhiều. Trung bình cần 7 lạng giống/sào (giá 400.000 đồng) cộng công làm đất, phân bón thì tổng chi phí cho 1 sào ngưu tất khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng. Là một trong những hộ trồng nhiều, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, xã Thống Nhất trồng 1 mẫu cho thu lãi hơn 70 triệu đồng từ ngưu tất. Theo anh, mọi thứ trong nhà hiện có đều nhờ vào ngưu tất.

Diện tích ngưu tất đang ngày một mở rộng vì đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp người dân xã Thống Nhất “sống khỏe”. Tuy nhiên, đến nay cây ngưu tất vẫn chưa có đầu ra bền vững, sản phẩm chủ yếu bán cho các thương lái tại Hưng Yên, Ninh Bình, Hà Nam… nên bà con không chủ động được giá.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất