| Hotline: 0983.970.780

Lên hương nhờ... môn hương

Thứ Năm 30/06/2011 , 11:09 (GMT+7)

Cuối tuần rồi, anh Chín Trà Đóa ghé nhà chơi. Chưa kịp mời trà, anh Chín đã vội vã móc từ trong ba lô ra một bịch xôi nóng hổi chìa vào tay tôi.

- Lâu ngày không thăm vợ chồng chú, chẳng biết lấy chi làm quà, thôi thì có gói xôi nấu với môn hương ni gửi gia đình ăn người mỗi miếng lấy tình.

- Chu cha, cái món ni cả nhà em ai cũng ghiền. Mà, anh Chín tìm mua môn hương ở đâu được rứa?

- Tui trồng chứ chẳng phải mua. Chú mi biết không, những năm gần đây nhờ chuyển sang canh tác loại cây ni mà vợ chồng tui mới có tiền sửa sang nhà cửa và lo cho tụi nhỏ ăn học đấy.

Giữa năm 2008, lên Đà Lạt thăm thằng con trai đầu đang học đại học, thấy người dân nơi đây ăn nên làm ra nhờ cây môn hương, anh Chín liền đặt mua mấy chục ký củ giống mang về trồng trên 5 sào đất cát pha lâu nay cứ mãi “chung thủy” với cây khoai lang. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, được đầu tư chăm sóc bài bản, vụ nào vườn môn hương của anh Chín Trà Đóa cũng sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Anh Chín không giấu được niềm vui: “Nói nhà báo mừng, 3 năm nay, bình quân mỗi vụ vợ chồng tui thu về khoảng 2.600 ký củ môn hương từ ngần ấy diện tích. Bán ngay tại ruộng với giá 1 ký là 35 nghìn đồng thì tổng giá trị đạt được hơn 90 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí cho khâu giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chiếm chừng 30%. So với khoai lang thì hiệu quả kinh tế môn hương đem lại cao gấp 4 lần”.

Thấy anh Chín Trà Đóa “lên hương” nhờ môn hương, thời gian qua cả trăm hộ dân ở vùng cát huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định phá đậu, nhổ mè, chặt bắp để lấy đất trồng loại cây dễ “hái ra tiền” này. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Giang, Bình Sa, Bình Phục, Bình Dương... đã có không dưới 80 ha đất chuyên canh môn hương. Nhiều nông dân cho biết, trừ mọi khoản chi, mỗi năm họ lãi ròng ít nhất 170 triệu đồng từ 1 ha môn hương.

Hôm qua, về vùng đông huyện Điện Bàn công tác, tôi lại thấy nhà nông hết sức phấn khởi trước sự ngọt ngào mà cây môn hương mang lại. Nắng chang chang nhưng vợ chồng thím Năm Điện Dương vẫn hì hục khiêng hàng chục bao môn hương nặng trịch chất lên chiếc xe tải nhỏ đang nằm chờ sẵn.

Lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán sạm đen, thím Năm hồ hởi: “Mừng quá, chú ơi. Vụ ni tui đào được 1.750 ký củ, chừ bán trọn gói cho mấy chủ buôn lớn ở Đà Nẵng với giá bình quân 34 nghìn đồng mỗi ký, chắc chắn số tiền bỏ túi sẽ xấp xỉ 60 triệu đồng”. Hàng chục năm nay, hơn 3 sào đất của thím Năm Điện Dương quanh đi quẩn lại cũng chỉ biết canh tác lúa. Thế nhưng, do nước tưới quá bấp bênh, sâu bệnh gây hại liên miên nên vụ nào sản lượng cũng đạt thấp.

Gần cuối năm ngoái, được ngành nông nghiệp địa phương hỗ trợ nguồn giống, hướng dẫn cặn kẽ kỹ thuật, vợ chồng thím Năm chuyển toàn bộ diện tích vừa nêu sang trồng môn hương. Và, niềm vui đã tìm đến với họ ngay trong lứa đầu tiên này.

Trò chuyện với tôi, cô Bảy Khuyến Nông bảo rằng, nhờ năng suất cao, giá bán hấp dẫn, đầu ra tương đối ổn định nên từ năm 2007 đến nay nông dân ở rất nhiều nơi của xứ Quảng (nhất là vùng cát) đã tập trung đầu tư phát triển mạnh cây môn hương theo hướng hàng hóa tập trung.

Theo cô Bảy, tính đến thời điểm này toàn tỉnh Quảng Nam có gần 600 ha đất trồng loại cây ấy. Thực tế cho thấy, nhờ “lối mở” này mà rất nhiều gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu một cách nhanh chóng. Hy vọng, trong tương lai, cây môn hương sẽ tiếp tục giúp nhà nông... lên hương!

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm