| Hotline: 0983.970.780

Lên núi chống rét cho trâu

Thứ Sáu 14/01/2011 , 09:29 (GMT+7)

Mưa phùn liên miên, rét kéo dài. Những ngày này cả miền Bắc ngập chìm trong giá lạnh. Những nhà báo NNVN đã cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT lên vùng cao tham gia chống rét…

Mưa phùn liên miên, rét kéo dài. Những ngày này cả miền Bắc ngập chìm trong giá lạnh. Trên khắp cánh đồng, những ô ruộng mạ phủ ni lon trắng toát, giá lạnh như băng. Việc đồng áng dường như đã chậm lại, mọi gia đình nông dân đang dồn sức chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Những nhà báo NNVN cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT lên vùng cao tham gia chống rét…

Tôi được cử tham gia đoàn công tác Cục Chăn nuôi lên huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), một huyện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, nơi đây vụ rét năm 2007-2008 chết hơn 1.200 con trâu bò. Cục trưởng Hoàng Kim Giao vừa từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội tối 11/1 thì sớm 12/1 đã cấp tốc lên Yên Bái, Lào Cai. Ông bảo tôi: Tình hình giá rét còn kéo dài, lãnh đạo Cục Chăn nuôi không một ai ở nhà, tất cả đều xuống các địa phương triển khai việc chống rét cho gia súc. Rất lo ngại vụ rét năm nay trâu bò chết nhiều như vụ rét 2007-2008, khiến gần 210.000 con trâu bò chết rét, chiều qua các tỉnh miền núi phía Bắc đã có 2.501 con chết rét rồi. Số trâu bò chết rét chưa dừng lại ở đó đâu, trời còn rét như thế này kia mà… 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi trao đổi việc chống rét với chủ tịch xã Trạm Tấu

Chiều muộn chúng tôi mới lên tới Trạm Tấu. Nằm trên ngọn nguồn của dòng Thia, Trạm Tấu là một trong hai huyện nghèo nhất tỉnh Yên Bái, tỷ lệ hộ nghèo cao chót vót 69,4%. Cái nghèo của huyện này do thiếu đất canh tác, toàn huyện chỉ có 2.849 ha lúa gieo trồng cả năm, năng suất trung bình 25-30 tạ/ha, đấy là từ nhiều năm nay tỉnh Yên Bái đã cấp không và hỗ trợ giá giống, chứ để bà con cấy giống địa phương thì năng suất chỉ đạt 20 tạ/ha. Con đường xóa đói giảm nghèo của Trạm Tấu vô cùng gian nan, phát triển sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và chăn nuôi là con đường Trạm Tấu bao nhiêu năm nay đang phải gồng mình lên trước điều kiện đất đai và khí hậu khắc nghiệt.

Theo thống kê, Trạm Tấu hiện có trên 8.000 con trâu bò, đối với người dân vùng cao, trâu bò không chỉ là sức kéo mà còn giúp cho người dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng mùa đông năm nào cũng vậy, trên vùng núi cao nơi này mưa rét đã quật ngã hàng trăm con trâu bò, nhiều hộ sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy cả đàn trâu chết la liệt trong giá rét, thế là cả cơ nghiệp của họ tan tành mây khói. Nghèo đói lại bám riết dù họ cố tình rũ bỏ mà không rũ nổi.

Vụ rét 2007-2008 đã quật ngã của Trạm Tấu 1.277 con trâu bò, vụ rét 2010-2011, chỉ mới hơn 10 ngày đầu năm đã hạ gục hàng loạt trâu bò. Ngày ngày 9/1 chỉ có 15 con chết rét tập trung ở xã Trạm Tấu, sang ngày 10/1 có thêm 26 con chết, đến 11/1 tiếp tục có 17 con chết, chiều 12/1 khi chúng lên hay tin đã có thêm 48 con chết rét, nâng tổng số con chết rét lên 106 con. Mặc dù Tết của người Mông chưa qua, nhưng khắp các xã đều u ám bởi tin trâu bò chết rét mỗi ngày một nhiều. Gia đình ông Giàng A Tu ở thôn Tấu Dưới xã Trạm Tấu sớm 9/1 thấy đàn trâu không về mới bổ lên rừng tìm, vừa bước chân vào rừng đã thấy 3 con trâu đổ gục trong đêm 8/1, ông Giàng Nhà Lâu lùa trâu từ trên rừng về nhà tránh rét, chưa kịp quây bạt che chắn cho chúng thì sáng 12/1 cả 2 mẹ con trâu chết co quắp trên nền đất lạnh, gia đình nhà Giàng A Hồ cũng ở thôn Tấu Dưới vừa gây được 2 mẹ con bò giống thì cũng bị chết rét trong đêm.

"Mặc áo" cho trâu

Còn các gia đình Mùa A Ly, Giàng A Lồng thôn Tấu Trên, Giàng A Thào thôn Tấu dưới, Sùng A Lử thôn Tấu Giữa, Giàng A Nủ thôn Mo Nhang vừa nhận trâu từ dự án 30a, niềm hy vọng xóa đói giảm nghèo chưa kịp thắp lên đã phụt tắt. Con trâu họ mới mua về mới vài tháng được Nhà nước hỗ trợ làm chuồng trại và trồng cỏ nay bị cái rét khắc nghiệt cướp đi, đứa con nhỏ của vợ chồng Giàng A Thào đang học lớp 3 ôm chiếc cột chuồng trâu khóc lặng lẽ, thằng bé không tin nổi chiều qua nó còn đưa trâu lên rừng thả thì sáng nay con trâu đã chết gục, nó hay tin con trâu chết khi vừa đi học về. Mọi người không nỡ kéo con trâu bốn chân cứng đơ chổng lên trời ra khỏi chuồng khi thấy thằng bé nước mắt chảy dài trên đôi gò má…

Như vậy, chỉ mấy ngày qua xã Trạm Tấu đã có 22 con trâu bò chết rét. Tận mắt nhìn những chuồng trâu chỉ có mấy cái cột lợp sơ sài bằng vài tấm lợp, không che chắn gì cả gió thổi thông thống bốn bề, mới thấy những con trâu bò được nhốt trong những chiếc chuồng như vậy không chết mới là chuyện lạ. Chủ tịch xã Trạm Tấu Giàng A Chứ thành thật với Cục trưởng Hoàng Kim Giao: Có một số con trâu chết ở trên rừng, còn đa số chết ở trong chuồng. Rét quá mà…

 Gia đình trưởng thôn Km14 Giàng A Páo có 4 con trâu và 4 con bò, 4 con bò thì có chuồng được chắn sơ sài bằng bạt đã rách lua tua như cờ phướn, còn 4 con trâu thì buộc trong chuồng chỉ có mái che. Nhìn những con trâu còm nhom, da mốc thếch lại được nhốt trong chiếc chuồng như thế không sớm thì muộn những con trâu kia sẽ chết vì rét. Ông Hoàng Kim Giao lấy một mớ cây ngô đưa cho đàn trâu, chúng ngốn sạch trong tích tắc. Hình như đàn trâu bị buộc từ sáng tới giờ khi thấy cỏ chúng căng thừng xô lại, cô con dâu ông Páo tên là Sùng Thị Công thì thái cây chuối trộn cám cho chúng ăn, chỉ một loáng chúng ăn hết cả máng cây chuối.

Bổ sung cỏ rừng cho trâu ăn

Trao đổi với chủ tịch xã Trạm Tấu, ông Giao bảo: Màu xanh của rừng như thế này thì không thể nói là trâu bò chết đói được, chỉ có điều bà con có cắt cỏ về cho chúng ăn không thôi? Cứ nhìn đàn trâu của chủ nhà đây thì thấy những con chết rét vừa qua không chỉ chết vì rét mà còn vì đói. Đói cộng với rét khiến con chúng không đủ sức chống lại giá rét. Vật liệu che chắn chuồng trại ở đây không thiếu, bà con cắt cỏ ken lại thành tấm che quanh chuồng để chống gió lùa, không chỉ có bạt mới che được chuồng…

Giàng A Chứ gật đầu: Mấy hôm vừa qua Tết Mông, nhiều nhà mải vui Tết không chịu cắt cỏ cho lũ trâu, rét quá chúng chết là phải thôi. Từ hôm qua xã yêu cầu các trưởng thôn vận động bà con tìm trâu bò trên rừng về, che lại chuồng trại, cắt cỏ cho chúng ăn. Trâu chết lấy gì cày ruộng, người cũng chết đói theo à?

Xã Hát Lừu tính đến chiều 12/1 mới chỉ có 5 con nghé chết vì rét, chúng tôi ghé qua thôn Hát I, cán bộ thú y địa bàn cho biết: Toàn xã có 1.495 con trâu bò, hầu như nhà nào cũng làm chuồng che chắn khá cẩn thận, gia đình anh Lò Văn Triều có một cặp trâu nghé, ngay những ngày đầu vụ rét gia đình đã dùng bao dứa "may áo" cho chúng, trên nóc chuồng là những bó rơm khô, mỗi đêm vợ chồng Triều thay nhau rút cỏ cho chúng ăn. Hỏi ra mới biết vụ rét năm 2005 nhà anh Triều chết cả đàn trâu 3 con vì buộc dưới bụi tre không chuồng trại, năm 2006 gia đình anh vay ngân hàng một triệu đồng làm chuồng theo mô hình "3 cứng", cứng cột, cứng mái, cứng nền có rơm khô dự trữ trên nóc chuồng. Vì thế vụ rét 2007-2008 mấy con trâu nhà anh không bị chết rét.

Gia đình ông Lò Văn Hội nuôi 3 con trâu, ông không chỉ dự trữ rơm khô, hai đứa con ông chiều nào cũng lên rừng cắt cỏ chở bằng xe máy. Khi chúng tôi đến cô con gái ông Hội đang bê lá cây rừng cho trâu ăn, tôi hỏi sao không thả chúng ra rừng? Cô bé đáp: Mấy hôm nay gió mưa rét quá, không đưa chúng đi ra ngoài mà phải cắt cỏ cho chúng ăn chú ạ…

Ông Nguyễn Phúc Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: Từ đầu tháng 12/2010 huyện đã huy động tất cả cán bộ Phòng NN-PTNT, cán bộ phụ trách địa bàn của huyện xuống xã chỉ đạo việc chống rét cho gia súc, chủ tịch xã nào để trâu bò chết rét nhiều phải chịu trách nhiệm trước huyện… Trước lúc lên Trạm Tấu tôi có điện cho Trưởng phòng NN-PTNT Trịnh Văn Xuê, anh bảo: Tôi đang trên Háng Tầu chỉ đạo nhân dân chống rét cho gia súc, có lẽ tối muộn mới về tới huyện…

Chiều 13/1 Trạm Tấu không có mưa phùn, nhưng vẫn rét ngằn ngặt, số trâu bò chết rét toàn tỉnh Yên Bái thống kê chưa đầy đủ đến 16h cùng ngày đã là 371 con.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất