| Hotline: 0983.970.780

Lên Phước Long thăm ngọn núi thần

Thứ Hai 29/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Núi Bà Rá (TX Phước Long, Bình Phước) được đồng bào S’tiêng gọi với cái tên thành kính: “Bơnâm Brah”, có nghĩa là “Núi Thần”.

Bơnâm Brah không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào S’tiêng, mà còn là địa danh gắn liền với những chiến công của quân và dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ cứu nước.
 

Truyền thuyết

“Từ bao đời nay, Bơnâm Brah không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà còn là một ngọn núi thiêng, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh, cội nguồn lịch sử của người S’tiêng, gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của nhân dân tỉnh Phước Long xưa”. Trong chuyến lên thăm “nóc nhà” của tỉnh Bình Phước, núi Bà Rá, tôi gặp ông Điểu Đố, một trong những người tỏ ra rất “am tường” về tộc S’tiêng của mình và “thuộc lòng” truyền thuyết về Bơnâm Brah, đã nói với tôi như thế. Ông cũng là người cùng đồng bào tiếp tế cho cán bộ, giấu cán bộ trong chiếc ché quí của gia đình.

07-52-37_nh_1
Núi Bà Rá nhìn từ xa

Ông Điểu Đố kể, núi Bà Rá do một vị thần của người S’tiêng là Yâu Nhứt tạo ra sau khi tạo ra núi Bà Đen (Bơnâm Mi Đen) của tỉnh Tây Ninh. Đó là một vị thần khổng lồ, bàn tay của vị thần biến những vạt núi thành rẫy, biến sắt thành bẫy, biến tre nứa thành cung tên. Cung tên của ngài khiến con hổ không dám bước, con hươu không dám chạy, Ngài có sức mạnh kinh thiên động địa. Tương truyền ngài Yâu Nhứt có hai người em gái rất xinh đẹp tên là Mijiêng và MiLơm rất giỏi dệt thổ cẩm, tảng đá lớn giữa chân núi Bà Rá nơi có đường cáp treo đi qua chính là nơi hai em gái vị thần ngồi dệt thổ cẩm.

Nguyên do khiến thần Yâu Nhứt tạo ra núi Bà Rá là vì một cô gái. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa vùng này chỉ có rừng rậm bạt ngàn, không có đồi núi cao trập trùng như ngày nay. Trong rừng, đủ loại thú dữ, thường xuyên đe doạ mạng sống của con người, phá hoại mùa màng. Người dân sống trong vùng không dám lên nương, không dám vào rừng hái củi, hái măng, không dám lội suối bắt con cá, gùi nước về dùng. Vì ai cũng sợ đàn thú dữ trong rừng bất ngờ xổ ra, vồ mất xác.

07-52-37_nh_5
Ông Điểu Đố, dân tộc S’tiêng: “Núi thần “Bơnâm Brah” rất linh thiêng, giúp đồng bào, giúp bộ đội nhiều lắm”

Từ năm này qua tháng nọ, người dân sống trong sợ hãi tột cùng. Khi đó, trong vùng có một cô gái S’tiêng vừa tuổi trăng tròn, xinh đẹp, tinh khiết như một bông hoa rừng, khiến ai nhìn cũng ngây ngất. Nàng là niềm tự hào của tất cả người dân trong vùng. Một lần, nàng vô tư ra suối hái hoa, chơi đùa với bầy ong bướm, và bị đàn cọp đói từ trong rừng lao ra xé xác. Cái chết thương tâm của cô gái đẹp không chỉ khiến cả làng đau buồn, mà còn động đến lòng trắc ẩn của của núi rừng, cây cỏ và thần linh. 2 cô con gái xinh đẹp của thần Yâu Nhứt đòi cha phải bảo vệ dân làng trước đàn thú dữ. Và sau đó, những bức “tường thành” núi đồi, sông hồ hình thành, ngăn cách đàn thú dữ với dân làng.

Hiện nay, lên núi Bà Rá đã có cáp treo, rất nhàn nhã, nhưng tôi quyết định leo 1.767 bậc thang đá lên đỉnh. Núi Bà Rá cao 732m, đường lên núi dốc và khó đi. Có những đoạn dốc hơn 45 độ. Dọc đường lên, có rất nhiều cây cổ thụ ước chừng vài trăm tuổi. Mặc dù khá mệt, nhưng lên đến đỉnh, trong chốc lát, mệt mỏi tan biến. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bèn nói: “Mấy người dân ở đây họ bảo, chỉ cần trong lòng không có tà ý khi lên núi thì hồi phục sức khoẻ rất nhanh sau khi leo lên đỉnh. Họ còn kể cho tôi nghe câu chuyện thế này: có người lên đây chơi, thấy tổ chim non, bắt mang về định nuôi.

Người đi cùng can nhưng anh ta không nghe. Lúc anh ta đi xuống, chẳng may trượt té, mấy con chim non rớt xuống đất chết hết. Anh ta lồm cồm ngồi dậy mới thấy chân trật khớp, không thể nào bước đi nổi. Đến khi trời tối, anh ta sợ không kịp xuống núi, có thể bị thú dữ ăn thịt nên mới cuống cuồng quỳ gối, chắp tay lầm rầm cầu khấn, một hồi sau, anh ta tập tễnh lần bước xuống được”.

Kể xong, anh kết luận: Dù câu chuyện “nhuốm màu” tâm linh, nhưng đó là điều dễ hiểu. Bởi cái ác, cái sai thì bất cứ ở đâu, bất cứ thời gian nào, xưa hay nay, đều khó tồn tại.
 

Dấu xưa còn đó

Ông Điểu Đố khẳng định “chắc nịch” với tôi rằng, nhờ có thần linh phù hộ mà đồng bào S’tiêng mới bảo vệ được hàng trăm lượt cán bộ cách mạng về hoạt động bí mật trên núi Bà Rá khỏi sự truy sát của giặc Pháp rồi sau này là giặc Mỹ. Đồng bào S’tiêng không chỉ tiếp tế lương thực, vũ khí, súng đạn, nuôi giấu cán bộ mà còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bộ đội.

07-52-37_nh_3
Tượng đài Chiến thắng Phước Long
Vết thương chiến tranh trên mảnh đất Phước Long đã lành. Những bãi mìn, dây thép gai, trận địa pháo... ngày xưa và những con đường lầy lội, hố sâu do bom cày, đạn xới thuở nào nay nhường chỗ cho những con đường rải nhựa và những dãy nhà mới san sát mọc lên. Thế nhưng vẫn còn đó những chứng tích như cây khế trăm tuổi, những thân cây rừng già loang lổ vết đạn găm, vườn cây của nữ tướng Nguyễn Thị Định... và đặc biệt là ngọn núi Bà Rá lịch sử, sừng sững với thời gian, nhắc nhở về một thời oanh liệt của dân tộc.

Một trong số những lão thành cách mạng gắn bó sâu nặng với đồng bào S’tiêng ở tỉnh Phước Long xưa tôi gặp sau chuyến lên núi là ông Nguyễn Huy Thài (Hai Thài).

“Cuộc kháng chiến của chúng ta là chính nghĩa, nên được tổ tiên, đất trời phù hộ. Nhưng trên thực tế, nếu không có nhân dân, mà cụ thể là đồng bào S’tiêng đồng lòng giúp sức, bảo vệ, thì khó mà thành công.

Bản thân tôi từng nhiều lần “kẹt” trong vòng bao vây gắt gao của địch, phải hoá trang thành người đồng bào, sống chung, ăn ngủ với họ, nếu không có họ, làm sao an toàn?”, ông Hai Thài nói.

“Bên sườn Tây núi Bà Rá có hang Dơi, hang Cây Sung, Hòn Đá Đen, là những nơi đội công tác núi Bà Rá từng bám trụ và gây bao nỗi kinh hoàng cho địch với những tên tuổi đã gắn liền với Bà Rá như: Tám Lực, Bảy Tuyết, Tám Phụng, Bảy Thỏa...

Hồi đó Tiểu đoàn 168 đóng ở Hang Dơi, với phương châm “đêm là của mình, ngày là của địch” nên cứ ban đêm là chúng tôi mò xuống hoạt động, đánh phá địch ngày lại rút về.

Địa bàn chúng tôi đóng quân rất nguy hiểm, trên đỉnh là căn cứ của địch, dưới chân núi cũng là địch, chúng tôi ở giữa, phải hoạt động hết sức bí mật và cẩn trọng.

Trong chiến tranh, quân đội Mỹ xây dựng trên đỉnh Bà Rá căn cứ quân sự rất hiện đại, có cả sân bay trực thăng, để kiểm soát toàn bộ vùng miền Đông Nam bộ.

Có những thời kì địch kiểm soát nghiêm ngặt chúng tôi không bắt được liên lạc với cơ sở phải ăn củ chụp, quả sung, ăn là nhíp sống qua ngày.

Chưa kể, vô số hiểm ngụy khác rình rập như sốt rét rừng, thú dữ. Nhiều đồng đội đã nằm xuống”, ông Hai Thài kể.

Chiến tranh đã qua đi, Bà Rá ngày nay không còn là chốn “thâm sơn cùng cốc” mà trở thành một địa điểm du lịch thắng cảnh nổi tiếng ở Đông Nam bộ, nằm ngay trong thị xã Phước Long. Tại đây, để tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ và đồng bào tử nạn chính quyền địa phương đã cho xây dựng Nhà bia rất trang trọng trên đồi Bằng Lăng.

07-52-37_nh_6
Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá
07-52-37_nh_7
Chốn “thâm sơn cùng cốc” Bà Rá, Phước Long nay là một địa điểm du lịch thắng cảnh nổi tiếng ở Đông Nam bộ (Ảnh chụp từ trên núi Bà Rá, nhìn xuống thị xã Phước Long)
07-52-37_nh_8
Một góc thị xã Phước Long hôm nay

44 năm đã trôi qua, Phước Long chồng chất khó khăn ngày nào đã được thay thế bằng một thị xã năng động, đổi mới với các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội nổi bật. Ngoài phát triển kinh tế, Phước Long cũng vươn mình đón đầu ngành du lịch với những giá trị riêng có như Khu di tích lịch sử nhà tù Bà Rá và khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định; khu vui chơi hồ Long Thủy. Đặc biệt, quần thể văn hóa - cứu sinh Bà Rá đang được UBND tỉnh tập trung xây dựng.

Ông Mai Xuân Cường, Chủ tịch UBND TX Phước Long

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất