| Hotline: 0983.970.780

Lênh đênh trên sông Hậu

Thứ Năm 03/09/2020 , 06:35 (GMT+7)

Nằm giữa dòng sông Hậu, Cồn Sơn - một trong bốn dãy cồn và cù lao lớn thuộc địa phận TP Cần Thơ, gồm: Cồn Sơn, Cồn Ấu, Cồn Khương và cù lao Tân Lộc.

Thôn nữ Cồn Sơn nấu cơm bằng nồi đồng xưa đãi khách. Ảnh: Hữu Đức.

Thôn nữ Cồn Sơn nấu cơm bằng nồi đồng xưa đãi khách. Ảnh: Hữu Đức.

Giữa vùng sông nước

Từ trung tâm thành phố đi theo hướng quốc lộ 91 khoảng 7 km đến bến đò Cô Bắc, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Rẽ bên phải vào bến đò khách gửi xe, xuống đò máy sang sông.

Bảy Bon là dân nuôi cá có nghề lâu năm bên cồn bãi này. Ông đón khách ân cần niềm nở. Ông dụ cho cá ăn để tụ hội lại cả đàn cho du khách ngắm nhìn thỏa thích hoặc ngồi trên sàn bè đưa chân đong đưa xuống mặt nước. Một đàn cá Koi đủ sắc màu quần tụ lượn lờ quanh chân trông thật vui mắt.

Từ bờ sông Hậu đò đưa sang cồn chưa tới 10 phút. Nếu khách có trong tay địa chỉ sổ tay du lịch có thể liên hệ, gọi trước nhóm bạn trẻ hướng dẫn viên của các nhà vườn. Khách sẽ theo một vòng tour dạo bước quanh cồn. Từ bờ nam sông Hậu nhìn sang Cồn Sơn như trải dài một vệt xanh ngắt mượt mà trên sóng nước.

Trước khi cập bến, đò đưa khách tới một làng bè nuôi cá. Nhấp nhô, lấp loáng trên sông, có hơn 20 bè lớn nhỏ kết giăng nằm phía ngoài bờ cồn. Chủ nhân là ông Bảy Bon.

Hàng chục năm, "làng bè" nuôi cá của Bảy Bon neo đậu trên bến sông nầy. Ông thuộc làu tên mấy chục loài cá sông Mekong được thuần dưỡng, sinh sản, làm giàu cho dân miền hạ lưu sông nước Cửu Long. Ông khá giả lên cũng nhờ cá. Ông sẵn lòng diễn giải cho du khách tường tận.

Nhưng tay nghề của Bảy Bon còn độc đáo hơn, cùng với các loài bản địa, ông nổi tiếng mát tay với một số loài cá nước ngọt nhập nội từ các sông lớn trên thế giới. Như giống cá trê khủng hay vài loài cá to đùng từng vẫy vùng mạnh mẽ sông Amazon - Nam Mỹ… Khách nghe chuyện kể mà mê.

Khách tham quan làng bè nuôi cá ở Cồn Sơn. Ảnh: Hữu Đức.

Khách tham quan làng bè nuôi cá ở Cồn Sơn. Ảnh: Hữu Đức.

Rời làng bè – điểm đến đầu tiên, lên cồn, men theo con đường nhỏ vừa là đê bao ngăn nước triều cường, khách nối tiếp tour vào xóm nhà vườn. Nắng sớm len qua hàng tre. Gió thoảng nhẹ, mát rượi. Một bên vườn cây tiếp nối mấy vuông ao nuôi cá rộng lớn, cá tra quẫy đuôi mặt nước xao động liên hồi. Phút chốc, đường xa hóa gần, khách đi chưa thấm mệt đã tới xóm nhà vườn.

Sản vật dân dã

Thật ra qua nhiều câu chuyện kể, dân Cồn Sơn xưa kia về đây khai khẩn là lớp dân cựu trào sinh sống với nghề nông, khai thác nhựa cây sơn, làm mộc. Dân cư thưa thớt, chưa quần tụ thành làng.

Đất Cồn Sơn phù sa màu mỡ, nhưng vỏn vẹn có 70ha và đến nay chừng hơn 70 hộ dân sinh sống. Hơn 10 năm trước điện chưa kéo qua sông, Cồn Sơn nổi tiếng “bốn không”: Không chợ, không đường, trường, trạm y tế...

Cảnh đò giang cách trở, Cồn Sơn như biệt lập. Nhất nhất mọi chuyện đời sống thường ngày tới lo học hành cho con phải chờ sáng ngày qua sông, vào bờ. 

Chị Bảy Muôn – chủ nhà vườn Công Minh, kể lại: Hồi đầu nghe cán bộ Phòng văn hóa trên quận sang bày chuyện làm du lịch cộng đồng, bà con còn ngơ ngác. Chuyện nông dân làm du lịch tuy có nghe qua báo đài, nào là du lịch miệt vườn, du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Phong Điền (Cần Thơ).

Bà con háo hức lắm, nhưng thú thiệt, chẳng biết phải làm sao, bắt đầu từ đâu. Thế rồi sau đó, qua nhiều lần gặp gỡ, tiếp chuyện với những anh em thân hữu có thiện chí, kinh nghiệm của cơ quan chuyên môn đã giúp tư vấn bà con cùng nhau ngồi lại làm du lịch.

“Hồi đầu, phải nói nhờ có chị Bé Bảy công tác phong trào bên quận Bình Thủy nhiệt tình bày ra cách làm, gắn kết lại gần 20 hộ dân đồng lòng”, chị Bảy Muôn nhớ lại. Nhưng nhà nông, làm vườn ruộng vốn liếng trong tay không nhiều, làm sao khởi sự làm du lịch? Khó hơn nữa là làm thế nào để du lịch Cồn Sơn có điểm nhấn độc đáo, khác biệt! Chỉ còn cách biết tận dụng giá trị tự mình có “cây nhà lá vườn” để làm mới mình. Sửa lại nhà cửa tươm tất, bếp núc sạch sẽ. Làm mới cảnh quan vườn cây, ao cá, bắc lại cây cầu khỉ… để bước đầu tiên là đón khách nội địa.

Vậy là chỉ có bắt tay vào cùng làm rồi mới sáng tạo, nhận ra quyết tâm trong cộng đồng Cồn Sơn. Mỗi nhà vườn có một cách làm chuyên biệt, có sự phân công và kết hợp lại thành một thực đơn hàng chục món ăn bánh trái phong phú thết đãi hài lòng thực khách.

Thử tạm gọi thực đơn buổi trưa, mỗi nhà một món: Gỏi ếch lực sĩ có nhà vườn Chín Nhỏ, lẩu cá vồ đém "tả pí lù" gọi nhà vườn Thanh Nhàn, món bồ câu hấp bí của nhà vườn Phương My, cá thác lác muối sả nướng lá sen hay mắm chiên với gỏi Cồn Sơn của nhà vườn Song Khánh…

Dần dà tiếng lành đồn xa, chuyện đời thường từ sản vật dân dã của nhà nông miệt vườn miền Tây cũng có thể đưa vào làm du lịch. Khách lạ tới nhà vườn đối đãi như bà con xa về thăm, cùng vào nhà nấu cơm, làm bánh hòa nhịp cuộc sống với người miền quê.

Về Cồn Sơn xem cá lóc bay. Ảnh: Hữu Đức.

Về Cồn Sơn xem cá lóc bay. Ảnh: Hữu Đức.

Thế nhưng về Cồn Sơn không chỉ có nhiều món ăn, có một dạo nổi lên "cá lóc bay" như một chuyện lạ. Vậy Cồn Sơn còn gì kỳ thú để thu hút khách về chơi nếu không biết tự làm mới mình, giữ chân du khách?

Ngày mới trên đất Cồn

Người xa quê lâu thấy nhớ con đường đê nhỏ, bến nước, con đò…

Thắm thoát 5 năm, du lịch cộng đồng Cồn Sơn định hình. Dù trải qua nhiều thăng trầm, khách nội địa và có cả khách Tây tới Cồn Sơn càng nhiều. Mấy bà mấy chị làm nông hồi trước còn có thời gian nông nhàn thì nay tất bật nội trợ suốt ngày. Một chủ nhà vườn thật lòng, cười vui: Nhờ có khách du lịch, có việc mới cho sắp nhỏ trở về xóm rồi. Bây giờ Cồn Sơn đón khách năm sau cao hơn năm trước mấy chục phần trăm.

Miền quên an bình trên đất Cồn Sơn ngày nay. Ảnh: Hữu Đức.

Miền quên an bình trên đất Cồn Sơn ngày nay. Ảnh: Hữu Đức.

Ngày mới, một thế hệ mới bắt nhịp là các bạn trẻ con nhà nông Cồn Sơn sau khi được học hành trở về làm mới du lịch cho xóm nhà vườn. Nhà vườn Thành Đạt có thêm dịch vụ tát mương trên cạn, đúng chuẩn cho những em bé thành thị nếu chưa biết lội hay còn sợ sệt khi bước ra mé ao ngoài vườn.

Cơm gói mo cau, món ăn khiến cho chị Thúy An, một du khách lần đầu trải nghiệm thấy thích thú khi nghe hướng dẫn viên Bé Bảy dẫn giải: Nấu cơm hơi dẻo xong thì cho vào mo cau. Mo cau tươi còn dẻo, nấu bằng gạo tẻ. Mình gói lại bằng mo cau bó chặt cho cơm dẻo. Rồi mình giữ trong mo luôn khi nào ăn mới mở ra để giữ độ ấm và tăng thêm hương vị. Cơm được trưng bày trên những cánh hoa sen cộng với chén cá kho khô gợi cho khách nhớ quê nhà.

Chị Bảy Muôn nay có thêm trải nghiệm làm cốm nổ và quay mật ong đãi khách thưởng thức sản phẩm làm từ cốm và mật ong. Từ nhà chị Bảy Muôn bước qua cây cầu khỉ phía bên kia con rạch nhỏ, nhà vườn Song Khánh hiện đã nâng cấp dịch vụ đút cá tai tượng ăn cơm cháy và thưởng thức bánh tét nhân sâm bên bàn trà trong không gian cảnh vật mới mẻ hơn. Còn nhà vườn Phương My và nhà vườn Thanh Nhàn đang xây dựng vườn hoa hướng dương, cánh đồng hoa sen. Nhà vườn Thành Tâm đang triển khai thêm dịch vụ cá lóc bay và sắp tới còn bày thêm dịch vụ massage cá da trơn.

Có hơn 30 hướng dẫn địa phương là con cháu của nhà vườn, được đào tạo và dẫn khách một cách tự nhiên, chân chất. Cũng chính đội ngũ này giúp giữ cồn Sơn được sạch rác bằng các buổi thu gom rác cộng đồng hay qua những dòng chữ nhỏ in trên bảng treo tại các nhà vườn nhắc khéo khách một cách nhẹ nhàng: Xin đừng hái trái, đừng dẫm lên cây, đừng bẻ trái non… để gìn giữ làng quê mình thêm tươi đẹp.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất