| Hotline: 0983.970.780

Lịch sử các nhà hát lừng danh: Thăng trầm nhà hát Opera Sydney

Thứ Ba 16/10/2018 , 09:35 (GMT+7)

Nhà hát Opera Sydney từng gây tranh cãi vì những thay đổi bất ngờ trong quá trình xây dựng và chi phí hoàn thành dự án đội lên quá nhiều so với kế hoạch đề ra.

Cuối những năm 1940, Sydney là một trong những thành phố dẫn đầu Australia. Nhưng về mặt văn hóa, nó vẫn chỉ như một thị trấn cấp tỉnh. Trong số những thứ Sydney thiếu là một địa điểm trang nhã dành cho các buổi biểu diễn nhạc cổ điển hay sân khấu lớn. Tuy nhiên, hầu hết người dân Sydney, đặc biệt là các chính trị gia, không mấy quan tâm tới dự án này. Hòa nhạc cổ điển không quá đặc trưng ở Sydney. Dù vậy, vẫn có vài người tỏ ra thích thú, theo Sydney Closeup.

Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, giám đốc Nhạc viện bang New South Wales Eugene Goossens là người như thế. Lịch sử Nhà hát Opera Sydney, hay còn được biết đến là Nhà hát Con sò, bắt đầu bởi Goossens. Những nỗ lực Goossens theo đuổi nhằm xây dựng một nhà hát điểm nhấn cho Sydney tưởng như không được ai hoan nghênh cho tới khi ông gặp thủ hiến New South Wales lúc bấy giờ Joseph Cahill. Melbourne đã được ca ngợi vì tổ chức thành công Olympics năm 1956 nên Cahill đang rất cần thứ gì đó giúp ông quảng bá hình ảnh của Sydney và New South Wales.

Goossens đã thuyết phục Cahill rằng một nhà hát tầm cỡ tôn vinh âm nhạc, nghệ thuật là câu trả lời. Một cuộc thi quốc tế đã được mở ra để tìm kiếm bản thiết kế xuất chúng cho Nhà hát Opera Sydney, thu hút 233 thí sinh tham gia.
 

Chiến thắng của Jorn Utzon

Ý tưởng của nhà thiết kế người Đan Mạch Jorn Utzon về những cánh buồm giăng ra từ Bennelong Point trên bến cảng Sydney đã khiến các giám khảo ấn tượng, đặc biệt là Eero Saarinen.

10-26-24_nh_2
Nhà thiết kế Jorn Utzon đứng trước Nhà hát Opera Sydney vào năm 1965, trong quá trình xây dựng công trình này. Ảnh: Getty Images.

Một câu chuyện được kể lại rằng Saarinen, giám khảo tới Australia trễ vài ngày so với thời gian chấm điểm, đã rút bài thi của Utzon ra khỏi chồng thiết kế và thuyết phục những giám khảo khác chọn tác phẩm này. Dù bài dự thi của Utzon không hơn gì một bản vẽ phác thảo, không cung cấp chi tiết về những nét đột phá trong thiết kế cũng như công nghệ cần thiết và cho thấy sự thiếu kinh nghiệm trong tư duy kiến trúc, Sydney vẫn trao giải nhất cho Utzon vào ngày 29/1/1957.
 

Quá trình xây dựng

Công trình khởi công vào tháng 2/1959 với rất nhiều thách thức. Utzon đã thiết kế một nền móng sân khấu vững chắc, mô phỏng theo các đền thờ của người Maya. Trên mỗi khu vực sân khấu, ông cho đặt các mái vòm parabol, lúc bấy giờ trông giống cánh buồm hơn là vỏ sò. Vấn đề nảy sinh là không ai biết cách xây nó như thế nào, trên toàn thế giới, không riêng gì ở Australia. Các chuyên gia cần thời gian để trả lời câu hỏi hóc búa nhưng thời gian không có nhiều.

Sức khỏe của thủ hiến Cahill đang suy yếu và ông lại còn phải đối mặt với những biến động về chính trị. Dồn tâm sức cho dự án và đã chọn xong thiết kế, Cahill giờ đây muốn đảm bảo rằng sáng kiến của ông không thể bị đảo ngược. Vì thế, việc xây dựng bắt đầu trước cả khi quá trình thiết kế hoàn tất. Móng được xây và sân khấu được đặt lên trên cơ sở ước lượng thay vì con số chính xác. Về sau, nhà hát vẫn phải đưa ra những chỉnh sửa tốn kém nhưng Cahill đã đạt mục đích. 7 tháng sau đó, khi Cahill qua đời, dự án vẫn tiếp tục được triển khai.
 

Trì hoãn

Sự biến động trong bộ máy chính quyền New South Wales năm 1965 đã thay đổi đáng kể lịch sử của Nhà hát Opera Sydney. Thủ hiến Robert Askin lên nắm quyền tháng 5/1965 và chính quyền của ông được đánh giá là một trong những chính quyền tham nhũng nhất của New South Wales. Jorn Utzon trong khi đó lại thiếu vắng kỹ năng và kinh nghiệm để chống lại những thực tế khắc nghiệt của quyền lực chính trị.

Davis Hughes, bộ trưởng phụ trách giám sát việc xây dựng nhà hát, với nhiều lý do khác nhau, từ chối trả tiền cho Utzon. Kết quả là Utzon không có tiền trả cho công nhân, nhà thầu. Đầu năm 1966, Utzon từ bỏ công việc và rời Australia nhưng vẫn nuôi hy vọng Askin và Hughes sẽ buộc phải gọi ông trở về để hoàn thành dự án như đúng thiết kế.

Bất chấp kiến nghị, biểu tình, phản đối từ các kiến trúc sư hàng đầu Australia, họ đã không làm vậy. Thay vào đó, chính quyền chỉ định những kiến trúc sư mới để thực hiện dự án, những người về cơ bản đã thiết kế lại công trình. Khi Utzon rời Australia, phần xây dựng bên ngoài Nhà hát Opera Sydney đã gần như hoàn thành, chỉ chờ ốp những viên gạch cuối cùng. Vì thế, phần ngoài vẫn nguyên vẹn, song đội ngũ kiến trúc sư mới đã thay đổi đáng kể phần bên trong công trình, bao gồm cả những không gian biểu diễn chính.

Chi phí xây dựng Nhà hát Opera Sydney cũng là một chi tiết gây tranh cãi. Thời điểm Utzon rời đi, với 18,4 triệu AUD, phần ngoại thất và sân khấu gần như đã hoàn thành. Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện phần nội thất, số tiền đã đội lên 102 triệu AUD.

10-26-24_nh1
Nhà hát Opera Sydney về đêm. Ảnh: Sydneyoperahouse.com.

Nhà hát Opera Sydney cuối cùng mở cửa vào năm 1973. Utzon không được mời tới dự lễ khánh thành và tên ông cũng không được nhắc đến tại buổi lễ. Từ đó, ông không bao giờ đặt chân quay trở lại Australia. Dù có quá khứ không “xuôi chèo mát mái”, ngày nay, Nhà hát Opera Sydney trở thành niềm tự hào của Australia, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ XX, được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Mỗi năm nhà hát tổ chức hơn 1.500 chương trình biểu diễn, thu hút hơn 1,2 triệu khán giả. Ngoài ra, ước tính hơn hai triệu du khách đến tham quan Nhà hát Opera Sydney mỗi năm.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất