Cuốn “Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ”
Phần “Đặc trưng cơ bản của Hát Ghẹo”, in trong cuốn “Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ”, NXB Văn hóa Thông tin (2012), của nhóm tác giả Dương Huy Thiện (chủ biên), Đào Đăng Hoàn, Ngô Thị Xuân Hương đã sao chép tài liệu của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đăng Hòe.
Lẳng lặng “sang tên”
Nhắc đến Hát Ghẹo Phú Thọ, trong giới chuyên môn gạo cội ở Việt Nam, hẳn ai cũng biết đến nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đăng Hòe.
Công trình đầu tiên của Nguyễn Đăng Hòe có tiêu đề “Hát Ghẹo Phú Thọ” được công bố vào năm 1958 dưới dạng bản in ronéo. Sau nhiều năm bổ sung chỉnh sửa, cuốn “Bước đầu tìm hiểu Hát Ghẹo Vĩnh Phú” của ông đã được Ty Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú xuất bản vào năm 1979. Từ đó đến nay, cuốn sách vẫn được xem như cẩm nang cho những ai muốn bắt tay tìm hiểu Hát Ghẹo Phú Thọ.
Thế nhưng gần đây, tình cờ phát hiện những nghiên cứu của Nguyễn Đăng Hòe đã “được” khá nhiều người lẳng lặng “sang tên” họ để làm các luận án thạc sĩ, tiến sĩ hay viết sách. Trên con đường “phấn đấu” học hàm học vị, thăng quan tiến chức, dần dà các “tác giả” đó nghiễm nhiên được xã hội công nhận như những “chuyên gia” thời nay về Hát Ghẹo.
Với đà này, rồi đây từ toàn bộ đến từng phần cuốn sách của Nguyễn Đăng Hòe sẽ dần rơi vào quên lãng. Xét thấy cần phải trả lại công bằng cho một nhà nghiên cứu lão thành đáng kính như Nguyễn Đăng Hòe, chúng tôi xin đưa ra ánh sáng một trong số những công trình đạo tặc khoa học đó.
“Chuyển chủ sở hữu”
Chuyên mục “Đặc trưng cơ bản của Hát Ghẹo trong cuốn sách Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ” nằm từ trang 110 -172 (dung lượng 62 trang). Nội dung chuyên mục này đề cập chi tiết hệ giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Hát Ghẹo.
Trong toàn bộ chuyên mục này, Nguyễn Đăng Hòe chỉ được nhắc đến tổng cộng có 3 lần kiểu “điểm xuyết” ở các trang 110, 141 và 146, coi như “những ví dụ” để người đọc tưởng rằng các tác giả cũng có trích dẫn ông “đàng hoàng”!
Ở đây, các nghiên cứu điền dã từ năm 1957 của Nguyễn Đăng Hòe được nhóm tác giả nêu trên “thuổng” rất nhiều. Toàn bộ những mô tả, những nhận định đánh giá về tên gọi thể loại, trình tự diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, nguồn gốc, truyền thuyết… đều được “mót nhặt”, “nhào nặn”, sắp đặt khá kỹ lưỡng. Phần lời ca Hát Ghẹo, họ lấy đa số những nhận định về thể thơ, nội dung văn học cùng các ví dụ dẫn chứng tương ứng của Nguyễn Đăng Hòe.
Ở phần âm nhạc, sẽ thấy các kết quả nghiên cứu gan ruột của Nguyễn Đăng Hòe bị chôm chỉa gần như toàn bộ để “chuyển chủ sở hữu”! Cụ thể, những đánh giá của ông về cách phổ thơ, cách dùng quãng, điệu, nhịp điệu, cách chuyển giọng… trong Hát Ghẹo cùng các ví dụ minh họa đã bị “thuổng” một cách không thương tiếc! Xin nêu vài ví dụ điển hình:
Nguyễn Đăng Hòe: “Trong ngôn ngữ của ta nói chung có 6 thanh điệu khác nhau ứng vào các từ có các loại dấu và không có dấu. Do đó âm nhạc dân gian (chủ yếu là dân ca) nói chung cũng chịu ảnh hưởng của ngữ ngôn… Hát Ghẹo cũng nằm trong quy luật nhất định đó của ngữ ngôn dân tộc…
Ai copy của ai? Ngoài ra, cũng trong cuốn sách này, chuyên mục I “Hát Ghẹo Nam Cường” (tr.100-109), cũng do nhóm tác giả Dương Huy Thiện (chủ biên) trùng lặp một cách kỳ lạ với chuyên mục VI “Về Hát nước nghĩa ở Phú Thọ” (tr.265-281) và chuyên mục VII “Hát thi” (tr.281-282) của tác giả Nguyễn Đình Bưu. Điều đáng nói, sự giống nhau đó phần lớn nguyên xi 100%, hệt như thao tác copy/paste trên máy vi tính, thậm chí lặp lại cả tab trên trang. Cùng đăng trong một cuốn sách, vậy ai copy của ai? |
Trong hát Ghẹo mỗi từ thường không mấy khi ở yên một nốt, nhất là những từ có dấu nặng, dấu ngã hoặc dấu hỏi. Mỗi từ ấy thường là có 2 hoặc 3 nốt luyến lại. Vì thế cho nên đáng lẽ trong lời ca có một từ thì ở nét nhạc cũng có một nốt tương ứng lại biến thành nhiều nốt và cũng vì thế có nhiều khi trường độ của mỗi từ kéo dài ra thành hai ba phách, làm cho nét nhạc mềm mại hơn, có điều kiện để trở nên phong phú”. (tr.61)
Dương Huy Thiện (chủ biên): “Trong ngôn ngữ thường ngày của người Việt Nam chúng ta nói chung có 6 thanh điệu khác nhau ứng vào các từ có các loại dấu và không có dấu do đó âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung và Hát Ghẹo nói riêng chịu ảnh hưởng của những thanh điệu đó… trong Hát Ghẹo, mỗi từ không mấy khi ở yên một nốt, nhất là những từ có dấu nặng, dấu ngã hoặc dấu hỏi; ứng với mỗi từ này thường có 2 hoặc 3 nốt luyến lại, vì thế cho nên đáng lẽ trong lời ca có một từ thì ở nốt nhạc cũng có một nốt tương ứng, nhưng lại biến thành nhiều nốt và cũng chính vì thế mà nhiều khi trường độ của mỗi từ kéo dài ra thành 2- 3 phách làm cho nét nhạc mềm mại, uyển chuyển và phong phú hơn”. (tr.133)
Nguyễn Đăng Hòe: “Hát Ghẹo là loại ca hát đơn thuần không có trống, phách hoặc bất cứ một nhạc khí nào đệm theo. Cho nên nhịp điệu hoàn toàn dựa vào sự nhịp nhàng tương đối của hơi thở người hát. Do đó có lúc khoan lúc nhặt, nhiều khi ngay trong một vài phách trường độ… cũng dãn ra hoặc xiết lại chứ không hoàn toàn đều đặn từ đầu đến cuối”. (tr.54)
Dương Huy Thiện (chủ biên): “Hát Ghẹo là loại ca hát đơn thuần không có trống, phách hoặc bất cứ nhạc khí nào đệm theo, cho nên nhịp của bài hát hoàn toàn dựa vào sự nhịp nhàng tương đối của hơi thở người hát, do đó có lúc khoan lúc nhặt, nhiều khi ngay trong một vài phách cũng dãn ra xiết lại chứ không hoàn toàn đều đặn từ đầu đến cuối”. (tr.139-140)
Điều đáng sợ, dung lượng đạo tặc khoa học trong chuyên mục “Đặc trưng cơ bản của Hát Ghẹo” diễn ra gần như liên tiếp, có thể gạch chân bắt lỗi chi chít dầy đặc các trang sách. Phân tích kỹ, thấy chuyên luận dài 62 trang (110- 172) thì có tới 54 trang ít nhiều đã “thuổng” các nghiên cứu của Nguyễn Đăng Hòe, chiếm tỷ lệ khoảng 87% tổng số trang sách.
Cũng xin nói thêm, ở mục IV cuốn sách Văn hóa dân gian huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ có nhan đề “Lời ca hát Ghẹo” (tr.186), toàn bộ các bản ký âm làn điệu Hát Ghẹo đã công bố của Nguyễn Đăng Hòe cũng bị sao chép mà không hề trích nguồn hay đề tên người ký âm.