| Hotline: 0983.970.780

Liên kết cùng đồng bào nuôi lợn

Thứ Năm 19/05/2016 , 13:15 (GMT+7)

Xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông, Nghệ An), cách trung tâm thị trấn chừng 30 km, đường vào xã bụi tung mù trời vào mùa nắng nóng, sình lầy vào ngày mưa.

Ở đây có đủ thành phần các dân tộc anh em, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy thế, đồng bào đã biết tận dụng lợi thế rừng núi để phát triển kinh tế. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi biết, ở một vùng núi non hiểm trở như Thạch Ngàn đã có một HTX đã được thành lập, hoạt động hiệu quả, giúp nhau trong sản xuất, chăn nuôi.

Năm 2015, HTXNN Thạch Ngàn được thành lập. Chủ nhiệm HTX là một thanh niên trẻ tuổi, sinh năm 1983. Anh là Nguyễn Đình Quốc, người sinh ra, lớn lên tại bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn. Theo anh Quốc, ông bà, bố mẹ anh di dân lên đây đã rất lâu đời. Anh sinh ra sớm đã gắn bó với núi rừng, làng bản nên không nỡ rời xa mà quyết tâm làm giàu trên mảnh đất này.

Lúc đầu, việc gì anh cũng làm thử nhưng cuối cùng, vợ chồng anh chọn nghề xay xát, nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. “Đây là vùng sâu, vùng xa của huyện, đồng bào vẫn quen với phương pháp xay xát lúa thủ công. Bao đêm gác tay qua trán, tôi nghĩ đã đến lúc mình cùng đồng bào phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Thế là tôi vay vốn mua máy xay xát lúa, xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Lúc đầu nuôi ít, sau thì mở rộng dần quy mô, không chỉ cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, tôi còn tự phối trộn thức ăn phụ phẩm trong nông nghiệp nên giảm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế”, anh Quốc tâm sự.

Tính ra, mỗi năm anh Quốc nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 150 con lợn thịt, xuất chuồng gần 60 tấn lợn thịt, lãi ròng trên 200 triệu đồng. Để giảm chi phí đầu vào, vài năm lại đây, anh đầu tư hệ thống chuồng cũi nuôi lợn nái; xây bể khí biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từ mô hình này, nhiều hộ đã học tập và làm theo. Đến nay, trong số 12 thành viên HTXNN Thạch Ngàn đã có 8 hộ nuôi lợn, trong đó có 2 hộ nuôi lợn rừng. Hầu hết các hộ nuôi đều có bể khí biogas; quy mô nuôi tối thiểu là 50 con lợn thịt/lứa, hộ nhiều nhất nuôi 200 con/lứa.

Nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ham học hỏi, có gan làm giàu nên đến nay có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Vi Văn Sô, Vi Thị Dung có quy mô nuôi 70 - 80 con/lứa. Từ việc chăn nuôi hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững, bộ mặt thôn bản đã thay da, đổi thịt, con em được đến trường học hành đến nơi, đến chốn.

Ông Nguyễn Đình Hải, một hộ nuôi với quy mô 150 con/lứa cho biết, hiện gia đình ông có 15 nái siêu nạc. Ngoài việc đảm bảo nhu cầu lợn giống cho gia đình mình, ông còn điều tiết con giống cho một số hộ chăn nuôi khác trong HTX. Điều quan trọng nhất khi tham gia HTX là các hộ chăn nuôi sẽ hỗ trợ nhau rất nhiều trong công tác kiểm dịch, tiêm phòng, xuất chuồng và điều tiết con giống.

Do vị trí cách xa trung tâm huyện, đường sá khó đi lại nên thương lái rất ngại vào tận nơi mua lợn thịt. Để giải quyết vấn đề này, các hộ thường có lịch thả giống cùng thời điểm, xuất cùng thời điểm nên thương lái không còn ngần ngại, sẵn sàng vào tận nơi thu gom hàng.

Chưa dừng lại ở đó, HTXNN Thạch Ngàn đang tiến hành thực hiện một dự án lớn. Hiện tại, UBND xã Thạch Ngàn đã trích quỹ đất dự phòng khoảng 10 - 15 ha để quy tụ, tập trung các hộ chăn nuôi lớn vào một vùng. Đến nay các hộ chăn nuôi đều phấn khởi đăng ký tham gia.

“Các hộ vào đây xây dựng chuồng trại chăn nuôi phải theo một kết cấu định sẵn, đảm bảo thuận tiện cho chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, phải có bể khí bioga, quy mô phải đảm bảo từ 30 - 50 lợn nái siêu nạc. Chúng tôi đang xúc tiến đắp đập, ngăn hồ vừa làm khu xử lý nước thải vừa để nuôi cá. Ba năm đầu, các hộ tham gia sẽ được miễn tiền thuê đất, các năm tiếp theo, tùy tình hình phát triển của tổ hợp chăn nuôi mà UBND xã sẽ quy định mức thu. Chúng tôi hi vọng, cách làm này sẽ vực dậy kinh tế địa phương, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu”, anh Quốc phấn khởi.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm