| Hotline: 0983.970.780

Liên kết nông dân với DN là quan trọng nhất

Chủ Nhật 12/02/2012 , 08:56 (GMT+7)

Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được Bộ NN- PTNT chính thức phát động từ tháng 3/2011. Theo Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng, ý nghĩa của mô hình không những phù hợp với một nền nông nghiệp hiện đại, tiên tiến mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Sánh, GĐ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI), Trường ĐH Cần Thơ cho biết thêm về những vấn đề đặt ra trong việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL.

Thưa ông, từ thực tế thực hiện CĐML trong năm qua, ông nhận định gì về định hướng của Bộ NN- PTNT là đến hết năm 2012 có từ 40.000- 80.000 ha, năm 2013 đạt 100.000-  200.000 ha?

Khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Bùi Bá Bổng, là đúng đắn để định hướng lớn cho nền nông nghiệp hiện đại trong bối cảnh nông dân nhỏ, CĐML nhằm nâng giá trị hạt lúa nông dân làm ra từ dịch vụ đầu vào, tổ chức SX, đưa TBKT, chế biến đến thị trường tiêu thụ. Cách làm phù hợp với tinh thần NĐ số 109/2010/NĐ- CP, ngày 1/11/2010 về SX và XK gạo có điều kiện hoặc nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và thương hiệu lúa gạo tương lai.

Kinh nghiệm của bản thân tôi, đối với ĐBSCL, nếu chủ trương và chính sách đi đúng hướng và hiệu quả thì “4 nhà” tham gia và phát triển nhanh. Vì thế việc định ra đến năm 2013 đạt bao nhiêu ha là tùy theo kết quả các năm qua. Bắt nguồn từ An Giang và hiện nay các tỉnh, thành đều lên phương án xây dựng cách đồng mẫu lớn. Vì thế, nếu năm 2012 đạt kết quả thì năm 2013, mỗi tỉnh đưa ra chỉ tiêu 10.000 ha hoặc hơn thì việc đạt 100.000- 200.000 ha cho vùng ĐBSCL không khó. Tuy vậy, cần nghiên cứu và đánh giá một cách cẩn thận năm 2012 để tính toán cho năm 2013.

Những nhân tố nào đảm bảo quyết định thành công việc thực hiện CĐML trên diện rộng ở ĐBSCL?

 Theo số liệu điều tra sơ bộ của chúng tôi, các yếu tố cần quan tâm để mở rộng cánh đồng mẫu lớn, gồm:

- Vùng nguyên liệu và cánh đồng lớn: Mỗi tỉnh, thành xây dựng vùng nguyên liệu theo tiểu vùng SX và chọn diện tích thích hợp xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tiến hành đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các vấn đề giao thông và thủy lợi, giải pháp kỹ thuật, năng lực chính quyền địa phương.

- Khả năng tham gia của nông dân, trong đó đánh giá “cần và lợi của người tham gia”; đồng thời cho nông dân nòng cốt (lãnh đạo HTX, kinh tế hợp tác…) tham quan và học tập cánh đồng mẫu lớn ở An Giang.

- Chọn DN cực kỳ quan trọng. Do vậy, Nhà nước nên có chính sách chọn lựa DN và cơ chế chính sách để DN đầu tư theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn, mà Bộ NN- PTNT đã có chủ trương.

- Việc nghiên cứu về yếu tố tự nhiên, như đất đai, thời tiết, khí hậu, kỹ thuật về giống, giải pháp kỹ thuật canh tác như “1 phải 5 giảm”, SX theo tiêu chuẩn GAP; về kinh tế- xã hội, như chuỗi giá trị hàng hóa, hiệu quả SX, cách tổ chức người dân tham gia, cơ chế và chính sách liên kết và tham gia “4 nhà” là những nhân tố có liên quan đến việc thực hiện thành công chương trình CĐML.

Có trở ngại gì có thể “gây khó” cho việc thực hiện chương trình này không? Nếu có, theo ông hướng khắc phục thế nào?

 Cái khó là trách nhiệm các bên tham gia, thường gọi là “4 nhà”. Trong đó, mối liên kết nông dân- DN là cực kỳ quan trọng. Mục đích DN thường tối đa hóa lợi nhuận và họ lệ thuộc vào cổ đông; trong khi, xây dựng và phát triển CĐML là tiến trình dài, không thể "mì ăn liền" được. Vì thế, bản thân cổ đông của DN phải có chiến lược kinh doanh dài hạn. Ngoài ra, lôi kéo nông dân thực hiện theo tiêu chí CĐML là quá trình, không thể một ngày một bữa là có được.

Vậy theo ông, vai trò của 4 nhà (nhà nông, DN, nhà khoa học, nhà quản lí) nên phối hợp như thế nào trong việc đồng thực hiện chương trình?

Theo tôi, vai trò Nhà nước thực hiện 5 khâu cơ bản:

- Quy hoạch vùng nguyên liệu và đầu tư hạ tầng vào cánh đồng mẫu lớn để nhân ra, nâng cao năng lực tổ chức nông dân, kiểm soát môi trường và có cơ chế chính sách cho 3 nhà còn lại tham gia như trình bày trên.

- Vai trò nhà DN: Phải có chiến lược kinh doanh dài hạn liên quan đầu vào và đầu ra về lúa- gạo, liên kết tốt với tổ chức nông dân và đồng hành cùng nông dân; thực thi cạnh tranh trên thương trường và tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước trong chương trình đào tạo nghề nông thôn và nhà khoa học đa ngành. Hoặc tranh thủ nông dân qua hình thức cho phép tổ chức nông dân mua cổ đông của DN.

- Nhà nông: Ý thức về tham gia CĐML, có tổ chức dạng hình HTX, hoặc tổ kinh tế hợp tác, ứng dụng giống và quy trình kỹ thuật theo nhu cầu DN và khuyến cáo phát triển cộng đồng của mình. Am hiểu các chính sách của Nhà nước.

Nông dân ĐBSCL có thể học tập được kinh nghiệm gì từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, thưa ông?

Nhìn chung, nông dân ĐBSCL đã có kinh nghiệm trồng lúa lâu đời nên việc chịu khó học hỏi và nắm bắt thêm kỹ thuật canh tác tiên tiến ở họ là rất tích cực và nhạy bén. Qua các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước tiên tiến như Nhật, Philippines… nông dân Việt Nam được chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về trình độ tiếp thu, và khả năng nắm bắt KHKT.

Vì vậy, việc học tập từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến chắc chắn sẽ hỗ trợ thêm được nhiều điều bổ ích cho nông dân ĐBSCL nói riêng trong quá trình SX theo quy trình CĐML. Chẳng hạn, việc cử 4 nông dân Hậu Giang tham quan Nhật Bản học tập về cách tổ chức HTX, hay việc cử một số nông dân các tỉnh thăm Viện Lúa quốc tế (IRRI) để học tập kinh nghiệm chọn giống và quy trình SX công nghệ, GAP…

Theo tôi, vấn đề là cần có kế hoạch và cách tổ chức chu đáo để việc học tập, tham quan của nông dân dưới sự hướng dẫn của cán bộ khoa học thu được nhiều kết quả. Và một khi đã có kế hoạch và chương trình học tập kinh nghiệm nước ngoài chu đáo thì tôi tin rằng, không thiếu những tổ chức, DN sẵn sàng đứng ra tài trợ cho các chương trình này.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.