| Hotline: 0983.970.780

Liên kết sản xuất chôm chôm Global GAP

Thứ Hai 13/06/2011 , 10:35 (GMT+7)

Mới đây, 36 nhà vườn thuộc tổ liên kết sản xuất chôm chôm, ấp Phục Đức B, xã Phú Phụng đã được cấp chứng nhận GlobalGAP...

Mới đây, 36 nhà vườn thuộc tổ liên kết sản xuất chôm chôm, ấp Phục Đức B, xã Phú Phụng và hệ thống nhà đóng gói của Cty TNHH XNK trái cây Chánh Thu (thị trấn Chợ Lách, Bến Tre) đã được cấp chứng nhận GlobalGAP cho mô hình liên kết sản xuất chôm chôm và đóng gói xuất khẩu…

KHÉP KÍN TỪ KHÂU SX ĐẾN ĐÓNG GÓI, TIÊU THỤ

Được thành lập từ đầu năm 2010, Tổ liên kết sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) là tiền thân của tổ liên kết sản xuất, tập trung phát triển 2 loại cây ăn trái đặc sản của địa phương là chôm chôm và nhãn (trong đó chôm chôm được chọn là cây chủ lực để phát triển). Cầm trên tay những trái chôm chôm chín đỏ, ông Trần Hoàng Sở, thành viên của Tổ liên kết GlobalGAP phấn khởi tâm sự: “Từ khi bà con bắt tay sản xuất chôm chôm GAP, năng suất vườn cây được nâng lên hẳn, mẫu mã trái đẹp, cơm ráo và chất lượng ngon hơn. Chúng tôi chỉ mong sản phẩm của mình có được đầu ra, giá cả ổn định, không còn cảnh phập phồng sợ thương lái ép giá và điệp khúc trúng mùa - mất giá như trước đây nữa!”. Theo ông Sở, năm nay đặc biệt vào thời điểm này mặc dù đang là vụ thuận của chôm chôm nhưng giá vẫn cao bằng vụ nghịch, 20.000 đ/kg (những năm trước vụ thuận chỉ khoảng 7.000 đ/kg). Hơn nữa, sản phẩm chôm chôm GlobalGAP đến nay còn được Cty XNK trái cây Chánh Thu ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, thu mua với giá cao hơn 20% so với giá thị trường khiến bà con trong tổ liên kết rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Thạnh, Tổ trưởng tổ GlobalGAP cho biết: “Lúc đầu (năm 2009) chỉ có khoảng 6 nhà vườn, nhưng đến nay tổ liên kết đã phát triển được 36 hộ dân tham gia với 28 ha và chia thành 5 tổ nhóm sản xuất, có phân công các tổ trưởng theo dõi quản lý chặt chẽ việc thực hiện mô hình GlobalGAP…”. Theo anh Thạnh, sau khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tổ bắt đầu thực hiện hàng loạt các công đoạn xây dựng cơ sở kỹ thuật, do Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ như: vẽ sơ đồ vườn cây, xây dựng nhà kho, nhà vệ sinh tự hoại, sân pha chế thuốc, hệ thống nước sạch tưới tiêu, đào hố xử lý chất thải, hố rác sinh hoạt, thu gom trái rụng… Đặc biệt là hướng dẫn cho từng nhà vườn ghi chép nhật ký sản xuất và thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn trong quy trình GlobalGAP. Đồng thời, vào ngày 16 ÂL hàng tháng, Tổ liên kết đều tổ chức họp giao ban định kỳ để các thành viên trong tổ được giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của nhau và kịp thời giúp đỡ những hộ gặp khó khăn trong sản xuất.

Hộ anh Thạnh là một trong những hộ tham gia mô hình chôm chôm GlobalGAP đầu tiên và có diện tích vườn lớn với 9.000 m2 chôm chôm (trong đó 4.000 m2 chôm chôm nhãn và 5.000 m2 chôm chôm Java). “Để đạt được chứng nhận GlobalGAP, chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ tới 236 tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất. Lúc đầu bà con thấy “ngán” nhất là việc phải cầm bút ghi chép nhật ký sản xuất do cả đời chỉ quen cầm cày, cuốc, nhưng mần riết rồi đến nay cũng đã quen việc…!”. Gia đình anh Thạnh hàng năm thường chỉ tập trung vào sản xuất vụ nghịch (từ tháng 9 đến tháng 3 ÂL), chôm chôm đạt năng suất bình quân từ 2,5-3 tấn/công/năm và cho thu lãi ròng khoảng 150 triệu đồng/năm. Theo anh Thạnh, tuy trái chôm chôm không to như ở Long Khánh (Đồng Nai) nhưng chất lượng chôm chôm của Chợ Lách ngon hơn và được thị trường xuất khẩu rất ưa chuộng.

LIÊN KẾT MỞ RỘNG DIỆN TÍCH CHÔM CHÔM GAP

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, mô hình liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP tại ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng được Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư được gần 2 năm nay, với tổng kinh phí hỗ trợ cho dự án là trên 800 triệu đồng. Để tiến hành triển khai quy trình sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP, bước đầu phải tiến hành điều tra khảo sát thực trạng các vườn chôm chôm ở địa phương, sau đó tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP cho các nhà vườn áp dụng. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết những nông dân có diện tích vườn nhỏ nhưng sản xuất tập trung và liền kề thành một tổ liên kết sản xuất.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, đây là dự án khép kín từ nông hộ đến nhà đóng gói, các nhà vườn đã được tập huấn rất kỹ quy trình canh tác chôm chôm theo IPM và ICM, cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, chỉ dùng các loại phân bón, thuốc BVTV trong danh mục và được trang bị các loại bảo hộ lao động, tủ thuốc y tế, cách treo dán các loại bảng biểu hướng dẫn đúng nơi quy định. Tuy nhiên, theo ông Liên, để giữ vững thương hiệu GlobalGAP, người dân cần phải tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật, phải cam kết bán sản phẩm đúng chất lượng, thời gian cách ly và hệ thống đóng gói cần đảm bảo uy tín.

Theo Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), những hộ dân trong tổ liên kết đến nay đã thay đổi được tập quán canh tác cũ, nắm bắt được KHKT và mạnh dạn áp dụng, đầu tư vào sản xuất. Những năm gần đây việc sản xuất chôm chôm càng được chủ động hơn nhờ vào những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật như cho trái nghịch vụ... Sản lượng và chất lượng trái không ngừng nâng lên, bình quân 30 tấn/ha, chủ yếu là chôm chôm Java.

Trao đổi với PV NNVN, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, GĐ Cty XNK trái cây Chánh Thu cho biết: “Trước đây, khi thu mua chôm chôm của từng nhà vườn riêng lẻ để xuất khẩu, chúng tôi rất cực khi kiểm tra chất lượng trái, nhưng giờ thì yên tâm về nguồn cung cấp đạt chuẩn an toàn nên chúng tôi cam kết mua cao hơn giá thị trường 15 – 20% đối với chôm chôm của tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP”. Theo bà Thu, hiện chôm chôm của huyện Chợ Lách tiêu thụ luôn có giá cao hơn chôm chôm Thái Lan và Indonesia từ 30 - 50%. Cty Chánh Thu đang chuẩn bị trong năm nay sẽ đầu tư mở rộng thêm khoảng 150 ha chôm chôm VietGAP sang các vùng lân cận như HTX Bình Hòa Phước (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), HTX Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hay các xã khác trong huyện Chợ Lách như Sơn Định, Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa, Tân Thiềng… Đồng thời, cũng phát triển thêm những thị trường xuất khẩu ở châu Âu, Trung Đông để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Đến nay, quả chôm chôm tươi của Việt Nam sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đã được phép nhập khẩu vào nước này, nhiều nhà vườn trồng chôm chôm tại ấp Phụng Đức B đang rất hào hứng phấn khởi với sản phẩm chôm chôm vừa được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của mình sẽ được bán với giá cao…

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm