| Hotline: 0983.970.780

Liên kết trong SX và tiêu thụ RAT

Thứ Hai 14/11/2011 , 11:45 (GMT+7)

Điều gì khiến việc sản xuất rau an toàn (RAT) khó mở rộng diện tích, vấn đề VSATTP thường trực là mối lo của mỗi người, mỗi nhà? Và, Hà Nội đã giải bài toán này ra sao?

Điều gì khiến việc sản xuất rau an toàn (RAT) khó mở rộng diện tích, vấn đề VSATTP thường trực là mối lo của mỗi người, mỗi nhà? Và, Hà Nội đã giải bài toán này ra sao?

Hà Nội có diện tích trồng rau 12.041 ha, phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã với sản lượng khoảng 570.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% phải nhập từ các tỉnh lân cận. Diện tích RAT của Hà Nội mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. RAT được tiêu thụ thông qua 122 cửa hàng bán lẻ rau an toàn, 8 chợ đầu mối bán buôn rau; 395 chợ dân sinh (trong đó có 102 chợ nội thành). Ngoài ra còn một lượng không nhỏ RAT được bán trực tiếp tới các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, khách sạn...

Việc mở rộng diện tích RAT dù được Thành phố rất quan tâm chỉ đạo, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bộ nhưng còn gặp không ít khó khăn… Hiện nay, ở Hà Nội, diện tích sản xuất rau xanh theo phương pháp truyền thống vẫn là chủ yếu, người nông dân tự quyết định cho việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 Tuy nhiên, bên cạnh đó có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ trong sản xuất RAT kiểu như Liên kết dạng hình nhóm sản xuất: Áp dụng với quy mô sản xuất nhỏ phù hợp với trình độ quản lý của nông dân, nông dân trong tổ nhóm tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp điển hình là 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ của huyện Sóc Sơn.

Liên kết theo mô hình HTX: HTX hình thành các tổ nhóm sản xuất các chủng loại rau theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, với hình thức này có thể tổ chức được khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của kênh phân phối, điển hình là HTX Văn Đức (Gia Lâm), Lĩnh Nam (Hoàng Mai)...

Liên kết mô hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, sau đó thuê nông dân sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như Cty Hadico, Cty SanNam...  Tuy nhiên, mô hình này hiệu quả của doanh nghiệp chưa được rõ lắm nếu không tạo ra được sản phẩm khác biệt đáp ứng phân khúc thị trường hẹp.

Song song 3 hình thức liên kết cơ bản trên, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ còn hỗ trợ, cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân như giống, vật tư, phân bón; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản tại vùng sản xuất thuận lợi cho người nông dân khi thu hoạch, và xây dựng những chính sách khuyến khích cho nông dân nhằm duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất, điển hình là Cty Hương Cảnh, Cty Hapro, Cty Tonkin...

Về mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, các hình thức liên kết trong tiêu thụ RAT tại Hà Nội khá đặc thù thể hiện qua 5 hình thức chính sau: Nông dân sản xuất trực tiếp bán hàng tới kênh bán lẻ và người tiêu dùng cuối cùng. Nông dân thông qua nhóm sản xuất cung cấp cho thương lái để cấp tới kênh phân phối. Nông dân thông qua HTX, cung cấp cho thương lái để đưa ra thị trường vào các kênh phân phối. Nông dân thông qua HTX cung cấp cho doanh nghiệp từ đó doanh nghiệp thông qua kênh bán lẻ để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Nông dân thông qua HTX cung cấp cho doanh nghiệp có các kênh bán lẻ để đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, lý giải: "Mô hình theo tổ nhóm chất lượng sản phẩm khá tốt nhưng khối lượng sản phẩm ít, khó có khả năng đáp ứng những đơn hàng lớn nếu không liên kết được các tổ nhóm với nhau. Mô hình HTX có hình thành và liên kết các tổ nhóm sản xuất với nhau để đáp ứng được đơn hàng lớn. Song khi để doanh nghiệp làm trung gian phân phối, người tiêu dùng còn hoài nghi về chất lượng sản phẩm nếu không kiểm soát chặt. Mô hình doanh nghiệp sản xuất do phải chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, quản lý lớn nên giá thành sản phẩm cao, khó khăn trong cạnh tranh".

"Về liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, các nhà sản xuất, kinh doanh tập trung vào khách hàng mục tiêu là các khách hàng tập thể dưới hình thức cạnh tranh giá thấp mà chưa chú trọng tới các khách hàng đại chúng thông qua kênh bán lẻ. Thị trường bị xé nhỏ, công tác quản lý nhà nước khó khăn, việc tuyên truyền RAT chưa được chú trọng như những sản phẩm tiêu dùng khác, cộng với chưa có doanh nghiệp đứng ra làm “đầu tàu” khiến cho tình thế càng thêm khó”, vẫn theo ông Chí.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Văn Chí xác định mối “lương duyên” giữa doanh nghiệp tiêu thụ RAT với người sản xuất, đại diện là nhóm hộ sản xuất, HTX sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan hệ hữu cơ, giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp - kênh bán lẻ cũng rất quan trọng.

“Đề nghị UBND thành phố tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh RAT, hỗ trợ các điểm yếu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ RAT từ đó tạo lập được các doanh nghiệp dẫn đầu thúc đẩy sản xuất RAT phát triển. Xây dựng chế tài đủ mạnh để kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng được sử dụng RAT. Xây dựng mô hình mẫu về chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ RAT từ đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng", ông Chí kiến nghị.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất