| Hotline: 0983.970.780

Liệt sỹ Vũ Quý và Quốc ca Việt Nam

Thứ Tư 20/07/2016 , 07:01 (GMT+7)

Người khích lệ Văn Cao sáng tác đến “Tiến quân ca” trên đường gập ghềnh xa là Vũ Quý, quyền Bí thư Ban cán sự Đảng (nay là Bí thư Thành ủy) Hà Nội.

Lời khích lệ của Vũ Quý

Ngày 16/8/1945, tại Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), để bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (như Chính phủ lâm thời), Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quốc ca cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giữa 3 ca khúc: "Tiến quân ca", "Chiến sĩ Việt Minh" (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam) của nhạc sĩ Văn Cao và ca khúc "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, Bác Hồ đã chọn "Tiến quân ca".

10-29-51_vu-quy
Liệt sĩ Vũ Quý (1914 - 1945) - Tư liệu KMS

 

Người ta nhắc nhiều đến Văn Cao, đến “Tiến quân ca” trên đường gập ghềnh xa nhưng người đã khích lệ Văn Cao sáng tác thì ít người biết. Đó là Vũ Quý, quyền Bí thư Ban cán sự Đảng (nay là Bí thư Thành ủy) Hà Nội.

Ông Nguyễn Nghiêm Bằng, con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao kể rằng, không biết bao nhiêu lần, khi đất nước trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, nhất là mỗi khi bài "Tiến quân ca" vang lên, thoáng nhìn gương mặt cha, niềm vui bỗng hiện lên trong ánh mắt ông. Và trong giây lát, ánh mắt ông lại lặng buồn…

“Ông khẽ khàng tâm sự với tôi là ông không khỏi không nghĩ đến người bạn, người anh và cũng là người lãnh đạo đầu tiên, trực tiếp giác ngộ ông vào Việt Minh hồi năm 1944 tại Hà Nội. Người đó, đã không giao bất kỳ khẩu súng nào cho ông hoạt động, lại chính thức giao nhiệm vụ cho ông sáng tác ngay một bài hát để hát trong ngày ra đời sắp tới của một đội quân vũ trang khóa quân chính kháng Nhật trên chiến khu Trần Hưng Đạo tại Việt Bắc”. Đó là Vũ Quý, quyền Bí thư Ban cán sự Đảng (nay là Bí thư Thành ủy) Hà Nội.

Cuộc đua Văn Cao - Nguyễn Đình Thi

Nhận lời Vũ Quý đề nghị, Văn Cao bắt tay vào việc sáng tác ngay một bài hát với thể loại hành khúc của một đội quân. Văn Cao nhớ lại: “Trên mặt bàn chỗ tôi làm việc, tờ “Cờ giải phóng” đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai. Trước mắt tôi mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Tôi đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc, có nhiều may và nhiều hy vọng”.

Bài hát đã xong. Văn Cao nhớ lại nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. “Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh”.

“Tiến quân ca” ra đời, được chính Văn Cao tự tay viết thành bản in trên Báo Độc lập. Cùng thời gian này, Nguyễn Đình Thi cũng tham gia in Báo Độc lập. Văn Cao kể:

“Tôi nhớ lại nụ cười hồn nhiên của đồng chí Nguyễn Đình Thi, khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát ấy, khi nói với tôi: “Văn ạ. Chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?”. Tôi không kịp trả lời, chỉ thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng".

Không lâu sau, Nguyễn Đình Thi làm xong bài “Diệt phát xít”. Sau đó, Văn Cao viết “Chiến sĩ Việt Nam”.

Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn, họp tại quảng trường Nhà hát Lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến quân ca”, chào lá cờ đỏ sao vàng. Nhớ lại cái buổi sáng tháng Tám, nắng vàng rực rỡ ấy, nhớ lại giọng của họ lẫn với giọng của mình, Văn Cao vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng.

Nhưng Vũ Quý đã mất đột ngột trước ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Vũ Quý đã không hề biết rằng “Tiến quân ca” đã được chọn làm Quốc ca từ Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đến kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa I (2/3/1946), “Tiến quân ca” đã chính thức trở thành Quốc ca của nước Việt Nam cho đến nay.

Người bạn của văn nghệ sĩ

Cụ Phí Văn Bái trao lại cho tôi lá đơn viết tại Hà Nội ngày 1/6/1994, có chữ ký của nhạc sĩ Văn Cao - tác giả Quốc ca - cùng các lão thành cách mạng Nguyễn Trí Uẩn, Nguyễn Phong, Phí Văn Bái, đề nghị với Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội xem xét và đề nghị với cấp trên “truy tặng Huân chương Độc lập hạng cao nhất cho đồng chí Vũ Quý”.

Vũ Quý (1914 - 1945) quê xã Cống Mỹ, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (nay là thôn Cống Mỹ, xã Nam Sơn, huyện An Hải), ngoại thành Hải Phòng.

Với kinh nghiệm phong phú và mối quan hệ cũ với tổ chức Hướng đạo sinh, nhiều người được Vũ Quý giác ngộ hay giúp đỡ sau trở thành những chiến sĩ cách mạng nổi tiếng có nhiều công lao trong sự nghiệp cách mạng như cố Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; nhà cách mạng Dương Đức Hiền, người sáng lập và Tổng Bí thư Đảng Dân chủ Việt Nam. Đồng thời, cùng với các đồng chí trong Ban cán sự do đồng chí Lê Quang Đạo làm Bí thư, Vũ Quý đã xây dựng lực lượng cách mạng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa 19/8/1945 ở Hà Nội.

Ngày 18/9/1998, Hội Khoa học Lịch sử TP Hải Phòng đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học về thân thế, sự nghiệp của liệt sĩ Vũ Quý. Trong hội nghị, hơn 10 bản báo cáo phần lớn là những đồng chí lão thành cách mạng như Lê Quang Đạo, Nguyễn Mạnh Ái, nhà báo Thanh Thủy (bà quả phụ Dương Đức Hiền)... đã đánh giá khá đầy đủ về công lao đóng góp và sự hy sinh của đồng chí Vũ Quý đối với phong trào cách mạng ở Hải Phòng - Kiến An và Hà Nội trước cách mạng tháng Tám 1945.

Hội nghị nhất trí xác nhận những đóng góp của đồng chí Vũ Quý đối với cách mạng: Với cương vị lãnh đạo trong Ban cán sự Đảng ở Hải Phòng - Kiến An (1934 - 1943), ở Hà Nội (1944 - 6/1945) cùng với các đồng chí Lê Quang Đạo, Nguyễn Quyết, đồng chí Vũ Quý có công lớn trong việc vận động trí thức tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, gợi ý cho các đồng chí Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, Văn Cao... sáng tác những bài ca cách mạng. Chính đồng chí Vũ Quý đã dìu dắt Văn Cao thoát ly hoạt động Việt Minh và hướng Văn Cao sáng tác bài “Tiến quân ca”, gửi lên chiến khu Việt Bắc cho các chiến sĩ giải phóng quân hát và sau này được Quốc dân Đại hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất