| Hotline: 0983.970.780

Liệu có oan sai trong vụ án "hủy hoại rừng"?

Thứ Sáu 11/07/2014 , 09:26 (GMT+7)

Phát hoang trồng mới lại những cây rừng tốt cả về độ che phủ lẫn giá trị kinh tế, thế nhưng Vi Văn Hùng lại lãnh 4 năm 6 tháng tù về tội "hủy hoại rừng".

Người dân xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã lặng người khi biết tin tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Na Hang tuyên phạt Vi Văn Hùng, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa, mức án 4 năm 6 tháng tù về tội "hủy hoại rừng".

Trong khi chính những cây rừng do Hùng trồng mới trên diện tích đó, được đánh giá ngày càng "tốt tươi" cả về độ che phủ cũng như giá trị kinh tế so với các loại cây tạp, cỏ dại trước đó...

Cơ quan chức năng xác định là rừng

Theo cáo trạng số 24/QĐ-KSĐT, ngày 22/10/2013, của Viện KSND huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang truy tố bị can Vi Văn Hùng về tội "hủy hoại rừng", theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 189 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp "hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn".

Thế nhưng, tại bản án số 08/2014/HSST ngày 20/3/2014 của TAND huyện Na Hang, lại ghi rõ rằng: "Tại biên bản định giá ngày 17/7/2013, của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Na Hang đã kết luận: Tổng giá trị lâm sản bị thiệt hại là 21.885.638 đồng (không có vật chứng, tang chứng để định giá)".

Tuy nhiên, các tang chứng, vật chứng khác, phía cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ để chứng minh tại phiên tòa. Duy chỉ có các bút lục, cùng với những lời khai chưa đủ sức thuyết phục.

Cũng theo tài liệu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Na Hang, ngày 18/7/2013 đã tính toán, mức giá đối với những cây sơn, cây xoan của vợ chồng Hùng mới trồng, đã có giá tiền là 48.943.777 đồng (định giá có cơ sở, vì các loại cây trồng đang còn sống). Như vậy, chiểu theo tài liệu của cơ quan điều tra, thì nó đã gấp hơn 2 lần so với số thiệt hại do Hùng gây ra ở cùng tại diện tích đất rừng trồng này.

Hùng đã lý giải rằng, trên diện tích đó chỉ có những bụi cỏ, cây tạp và rất ít cây thân gỗ. Cơ quan điều tra vào cuộc, cũng không thu thập được số cây đã bị chặt hạ, lại định giá thành tiền là chưa đủ cơ sở định tội.

Đặc biệt là các vật chứng phá rừng nhằm chứng minh sự việc cũng không có, nên nhiều người dự phiên tòa đã cho rằng, bản án sơ thẩm số 08/2014/HSST, của TAND huyện Na Hang tuyên phạt Hùng 4 năm 6 tháng tù là không có cơ sở.

Hùng tiếp tục có đơn khiếu nại, ngày 10/6, TAND tỉnh Tuyên Quang đã xét xử phúc thẩm đối với Vi Văn Hùng. Suốt phiên xử, Hùng đã nói thật những gì đã diễn ra. Khi đến phần nghị án, tòa tuyên "hoãn phiên tòa" để làm rõ một số tình tiết.

Với hàng loạt mâu thuẫn trong hồ sơ vụ việc, luật sư Nguyên Văn Thăng, trợ giúp viên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Tuyên Quang (người được chỉ định để bào chữa cho Hùng), đã cho rằng, trong quá trình điều tra có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án ở các tình tiết như: Rừng bị cáo trồng, bên điều tra quy tội là phát dọn rừng, nhưng không có biên bản hiện trường lúc phát dọn.

Khi lập biên bản xác định cây bị chặt, chỉ có mỗi phần gốc cây đã mục nát, thì biết ai là thủ phạm chặt hạ... Với hàng loạt những tình tiết chưa được làm rõ, mà quy kết Vi Văn Hùng phạm tội phá rừng với mức án như vậy là chưa thỏa đáng.

Chính quyền, người dân bảo đó là cỏ dại và lau lách

Bác Ma Doãn Pạnh 78 tuổi và ông Ma Văn Nghinh 54 tuổi, ở thôn Tân Thành, xã Yên Hoa, cùng nhiều người dân khác thường xuyên chăn trâu bò tại khu vực này đều khẳng định, ở bãi đất trồng cây sơn của Hùng không có cây rừng, chỉ có những bụi cỏ dại, lau lách và là bãi chăn thả trâu. Việc làm của vợ chồng Hùng rất đáng khen ngợi, vì dám vay tiền đầu tư, rồi bỏ công sức cải tạo khu đất trống thành rừng cây sơn, nếu bị tù tội thì thật là oan uổng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Yên Hoa, nơi Vi Văn Hùng cư trú, cũng bày tỏ lo ngại: "Tôi không hiểu về nghiệp vụ điều tra, cũng không nắm rõ vụ việc này. Thế nhưng, công việc phát dọn thực bì để trồng rừng của anh Vi Văn Hùng đã diễn ra khá lâu, mới thấy các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, rồi thống kê thiệt hại.

Cách làm này thiếu cơ sở ở chỗ: Các loại cây, hay cỏ dại, dây leo nếu có thì anh Hùng cũng phải đốt hết mới trồng rừng mới được. Tôi có nghe người dân ở khu Bản Chợ, xã Yên Hoa nói rằng, cây sơn của vợ chồng anh Hùng trồng ở đó đã lớn, phủ kín hết đất rồi, thậm chí còn tốt và có giá trị kinh tế cao hơn rừng tự nhiên gần đó. Như vậy, cơ quan chức năng sẽ thống kê và tính toán thiệt hại như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, khu vực đó thuộc đất rừng sản xuất, nếu người dân trồng được rừng tốt hơn bằng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững, mà bị phạm tội thì thật là khó hiểu".

Còn tại Biên bản xác minh ngày 12/7/2013, ông Vi Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh (nơi có diện tích đất do vợ chồng Hùng đã cải tạo để trồng cây sơn) cũng khẳng định: "Rừng sản xuất ở khu vực Phiêng Nảy - Pù Tung từ năm 2010 đến nay, chưa giao cho hộ gia đình nào trồng rừng phủ xanh, vẫn là dạng đất trống đồi trọc".

Với biên bản này, phải chăng Vi Văn Hùng đã có công trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng loài cây sơn ta mang lại quả kinh tế?

Còn bác Vương Văn Đệ, 86 tuổi, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1954, từng làm Bí thư Đảng ủy xã Yên Hoa nhiều năm (1988 mới nghỉ hưu), cũng khẳng định: "Nơi vợ chồng thằng Hùng phát dọn để trồng cây sơn làm gì có rừng, chỉ có mấy bụi cỏ và dây leo thôi.

Từ mấy chục năm nay, khu vực đó chỉ là bãi chăn thả trâu, bò của các hộ dân thôn Tân Thành, Nà Khuyến, Bản Chợ (xã Yên Hoa). Thi thoảng có cây to bằng cổ tay, thì người dân lại chặt làm củi, chứ làm gì có rừng, nay vợ chồng Hùng trồng cây sơn, cây xoan thì mới thành rừng xanh tốt như thế".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm