| Hotline: 0983.970.780

"Liệu cơm gắp mắm" sẽ không lo mất thể diện

Thứ Hai 09/02/2015 , 10:32 (GMT+7)

Trong mọi bài toán về chi tiêu, dù lúc gia đình ta nhỏ cho đến lúc ta đứng đầu gia tộc lớn của ta, thì vẫn nên theo một triết lý mà thôi: “Liệu cơm gắp mắm”. Cháu cứ thế mà sống thì sẽ không lo mất thể diện. 

Cô kính mến!

Cô còn nhớ cháu không? Cháu là đứa cách đây 2 năm có thư cho cô than rằng người yêu của cháu có khuynh hướng quá trọng ruột thịt và gia đình mình. Anh là trai một, dưới anh chỉ có một em gái mà thôi và bố mẹ anh rất kỳ vọng, nể nang anh, cháu thấy ngại.

Qua nhiều phen giận dỗi, cắt đứt, rồi quay lại, chúng cháu vừa cưới nhau hồi đầu mùa cưới này đó cô. Cháu đi làm được hơn 1 năm nay, lương công chức còn khiêm tốn lắm cô. Chúng cháu dự định khi nào công việc của cháu ổn hẳn rồi mới tính đến chuyện sinh em bé.

Đây là cái tết đầu tiên cháu với vai trò làm vợ, làm dâu. Thôi thì làm vợ không nói làm chi, chồng tìm hiểu kỹ rồi chồng mới quyết định cưới. Nhưng cháu luôn thấy phập phồng với chuyện làm dâu cô ạ.

Bố mẹ cháu tuy không khá giả như người ta nhưng cháu lớn lên cũng không đến nỗi, nhà ngoại thành nhiều đất, khi lên thành phố, bố mẹ cháu bán đất cũng xây được ngôi nhà khang trang. Nhưng cháu vẫn không đủ tự tin ở nhà chồng đó cô.

Như cháu đã từng đọc tư vấn của cô cho các bạn khác, cháu hiểu, thời gian đầu sẽ có trục trặc, rồi thì quen tính quen nết, thậm chí “sống chung với lũ" cũng chẳng sao. Miễn gia đình nhỏ của mình không bời rời, vẫn yên ổn, thương yêu thông cảm thì sẽ có hài hòa với nhà chồng (hay nhà vợ).

Cái tết đầu tiên rất quan trọng, đúng không cô? Với thu nhập khiêm tốn của hai vợ chồng, theo cô, cháu nên cư xử và chi tiêu như thế nào là hợp lý nhất? Chồng cháu lương viên chức quèn mỗi tháng được khoảng 6 triệu đồng, cháu chưa đầy 4 triệu nữa. Lương thưởng thì chưa thấy đâu, hành chính sự nghiệp mà cô, có cũng không nhiều nhặn gì.

Một lần nữa, cháu mong cô chia sẻ kinh nghiệm để cháu có cái tết đầu tiên tốt đẹp ở nhà chồng. Cháu chỉ không biết làm thế nào mà thôi.

--------------------

Cháu thân mến!

Trước hết cô chúc mừng cháu đã vượt qua nhiều đắn đo, dằn dỗi để cả hai được dắt tay nhau bước lên cái bến hôn nhân. Hy vọng các cháu sẽ không trục trặc hậu hôn nhân và sẽ may mắn, mỹ mãn.

Trong mọi bài toán về chi tiêu, dù lúc gia đình ta nhỏ cho đến lúc ta đứng đầu gia tộc lớn của ta, thì vẫn nên theo một triết lý mà thôi: “Liệu cơm gắp mắm”. Cháu cứ thế mà sống thì sẽ không lo mất thể diện.

Vậy thể diện nằm ở đâu, trước hết? Nó không là quà nặng, phong bao dày, hàng độc, của hiếm… mà là danh dự cháu ạ. Có danh dự rồi thì sẽ uy tín, đạo đức, thể diện.

Đã cho cô biết thu nhập chứng tỏ cháu tin tưởng cô nhiều lắm, đúng không? Ngần ấy không ít nếu mình nhìn xuống bao nhiêu gia đình không có nổi vài ba triệu để gói một cái tết nữa đó. Phương châm sống là nhìn ngang hoặc nhìn xuống chứ đừng nhìn lên, bởi nhìn lên thì mỏi cổ, có khi trật cả cổ đấy.

Cô nhớ ông bà nội cô hay dạy con cháu bằng tục ngữ và thành ngữ. Ví như trẻ còn nhỏ nhưng đã phải thuộc “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” và câu này nữa “nhìn lên mình chẳng bằng ai, nhìn xuống chẳng ai bằng mình”.

Cần “ra mắt” nhà chồng bằng hành xử với một cái tết, đúng, nhưng chồng cháu cũng là rể mới, cũng phải hành xử với nhà vợ mới phải, mới cân, mới công bằng chứ. Cháu chưa phải tay hòm chìa khóa với mẹ chồng, vậy nên có phong bì cho bà đi chợ, gọi là góp tết.

Sau nữa, phải có phong bao mừng tuổi bố mẹ, hai phong bì riêng càng tốt. Còn phải hai phong bì cho chồng cháu mừng bố mẹ vợ nữa (có thể phong bì ấy “lép" hơn phong bì cháu mừng bố mẹ chồng, không sao cả, tấm lòng là chính).

Các bạn trẻ xử thường rất cân, còn muốn nhà chồng nhiều hơn để chứng tỏ nghĩa vụ dâu con thì tính vào phong bì góp tết ấy. Nếu hai bên còn ông bà nội hay ông bà ngoại thì phải có phong bao mừng tuổi cho các cụ, còn phải quà cho người cao niên nội tộc, có nhưng không cần thiết phải nặng, phải nhiều. Nghĩa là trong các khoản chi tiêu, phải dành một khoản lì xì cho những người ngoài bố mẹ hai bên.

Vẫn phải dành một khoản cho các cháu đi dã ngoại, đi chơi, hay đi tết những người mình ân nghĩa, hay những người mình cần giúp đỡ. Nhớ là sau tết ai cũng cạn túi, vì vậy đừng có dốc túi mà mệt nhá.

Tiền không là mọi chuyện, cháu nên để thời gian làm tết với mẹ chồng. Chắc chắn sẽ cực nhưng mà vui, nhất định rồi.

Cháu có làm thì cháu mới biết cổ truyền ra sao, ấy là thời gian thực nghiệm để sau này cháu có thể giỏi giang mà quán xuyến gia tộc của mình.

Hơn nữa, dâu ngoan là dâu cầu tiến, dâu siêng năng, dâu không quản ngại, rồi cháu sẽ ghi điểm và cứ thế, thẳng tiến vào bên trong trái tim bố mẹ chồng. Khi ấy mình có nhảy việc mà tiền eo hẹp tạm thời cũng không sao, mình lỡ lời cũng không bị chấp nhặt. Vân vân và vân vân.

Chúc một cái tết hăm hở, chu tất và không bị “viêm màng túi” nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất