| Hotline: 0983.970.780

Linh thiêng mộ giữa rừng

Thứ Tư 14/05/2014 , 09:59 (GMT+7)

Gần đỉnh đèo Lũng Lô (Văn Chấn ,Yên Bái), cạnh hang Thương Binh hiện còn 6 ngôi mộ chôn những bộ đội, dân công và TNXP tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

60 năm đã trôi qua, những ngôi mộ vô danh ấy vẫn chưa được quy tập vào nghĩa trang, linh hồn của những người con đã hy sinh vì Tổ quốc vẫn còn lưu lạc giữa chốn rừng hoang.

Cách nay 10 năm tôi cùng ông Bùi Văn Tám, Phó Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn và hai cán bộ xã Thượng Bằng La là Hoàng Trung Nông, Hà Hoàng Diện lên hang Thương Binh nằm cách đỉnh đèo Lũng Lô chừng một cây số để tìm hiểu nơi cứu chữa thương binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đèo Lũng Lô là cung đường hiểm trở bậc nhất trên tuyến đường chuyển quân và vận tải lương thực, thực phẩm cho chiến trường Điên Biên Phủ cách nay 60 năm. Hang Thương Binh nằm cách đường khoảng 200m, rừng không còn ngút ngàn như mấy chục năm trước, nhưng còn nhiều trảng rừng cây mọc um tùm, chuối nhiều vô kể, hoa chuối đỏ rực trên sườn núi.

Mùa này cây mạ cũng đang nở hoa, lá non buông xuống thành dải màu tím, đây là những loài cây bộ đội và dân công lấy lá non làm thức ăn trên đường ra mặt trận.

Hang Thương Binh được tạo bởi vùng đất cacxtơ, trần hang cao khoảng 4 m, sàn rộng vài chục mét vuông khá bằng phẳng, hang có hai ngách chính và mấy ngách phụ, nhưng tối om om nên tôi chả nhìn thấy gì. Đây là nơi cứu chữa thương binh từ mặt trận đưa về trước khi chuyển tiếp về xuôi để tránh bom đạn địch.

Tôi đứng lặng nghe từng cơn gió thổi u u qua cửa hang mà người lạnh toát. Hoàng Trung Nông chỉ tay lên phía sườn núi bên trái cửa hang: Trên đó còn 6 ngôi mộ vô danh do bà con phát hiện...

Tôi hỏi anh về những ngôi mộ đó, anh Nông cũng lắc đầu không biết. Họ là ai dân công, bộ đội hay TNXP, những con người vô danh sau mấy chục năm sao vẫn nằm lại giữa rừng? Câu hỏi suốt 10 năm qua cứ bám riết lấy tôi khi mỗi lần qua đèo Lũng Lô.

Lần này trở lại Lũng Lô tôi quyết định lên tận nơi những ngôi mộ vô danh đó và đề nghị Hoàng Trung Nông cùng đi. Anh gọi điện cho ông Hoàng Đình Hương ở thôn bản Dạ là người biết đường dẫn lên chỗ những ngôi mộ.

16-32-27_5
Ngôi mộ vô danh ở khe núi, hai chục năm vẫn không biến dạng

Hôm nay ngày 7/5/2014, đúng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi chuẩn bị hương hoa lên thắp hương cho những người con vô danh đã ngã xuống góp phần cho Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chúng tôi không phải lội suối cắt rừng như lần trước, xe lên gần tới đỉnh đèo thì dừng lại mọi người đi bộ xuống hang Thương Binh. Con đường sau trận mưa đêm nhầy nhụa bùn đất, chúng tôi phải vượt lên cái dốc dựng đứng, người thì chống gậy, người phải bám vào cây cối dọc hai bên đường mới leo lên nổi.

Ông Hương dẫn chúng tôi tới nơi có 4 ngôi mộ vô danh được chôn thành một hàng ngang, ngôi nọ cách ngôi kia từ 3-4m. Trong 4 ngôi mộ chỉ có thể nhận ra hai ngôi còn nấm đất, ngôi nằm ngoài cùng bên trái phía đèo Lũng Lô thì còn khá nguyên vẹn.

Phía trên đầu có một cây mỡ to bằng bắp đùi chắc mới được trồng dăm sáu năm nay, ngôi thứ hai ngay sát lối đi, đất hơi lùm lùm, bên sườn có một búi tre Điền trúc cũng được trồng cách nay vài năm. Còn hai ngôi tiếp theo chỉ cao hơn mặt đất một chút rất khó nhận ra.

16-32-27_1
Ông Hoàng Đình Hương (phải) cùng anh Hoàng Trung Nông (giữa) và tác giả thắp hương cho những người lính vô danh trên đèo Lũng Lô

Ông Hương cho hay: Hai ngôi mộ nằm trên đường kéo gỗ của lâm tặc hơn hai mươi năm trước khi cánh rừng này chưa giao cho các hộ dân, nên nấm đất bị vẹt đi giờ chỉ còn thấy vệt mờ mờ cao hơn mặt đất chút ít.

Ông chỉ tay xuống phía dưới: Hang Thương Binh nằm dưới kia, hiện còn những bậc lên xuống. Nhưng lâu rồi không có người đi, cây cỏ mọc trùm hết lên các bậc đó nên không thể lên xuống được...

Ông Hương kể rằng: Năm 1965, khi ấy ông mới 13 tuổi theo ông Hà Đình Chón giăng lưới bắt dơi dơi ở cửa hang Thương Binh. Ông Chón bảo: Hang này không có dơi dơi đâu, phía trên hang có mấy ngôi mộ chôn từ thời chống Pháp...

Nói rồi ông Chón dẫn cậu bé Hương ngược lên phía lưng đồi hình yên ngựa đối diện với đỉnh đèo Lũng Lô chỉ cho 4 ngôi mộ. Nhiều năm sau ông Hương lên khu rừng đó kiếm măng, lấy củi vẫn thấy 4 ngôi mộ xếp hàng ở đó. Sau mấy năm đi bộ đội trở về, ông trở lại khu rừng thấy dấu tích ba ngôi mộ bị biến dạng, hoá ra do lâm tặc kéo gỗ làm các nấm đất mòn vẹt.

16-32-27_3Một ngách hang Thương Binh tối đen, sâu thăm thẳm

Khi biết gia đình ông Hoàng Công Thức, nguyên Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La nhận trông coi khu rừng, cụ Hoàng Thị Tư người thôn Bữu trước đây là dân công gánh gạo cho mặt trận trên tuyến đường này được phân công chôn cất 4 người đó.

Cụ bảo vợ ông Thức là bà Hoàng Thị Ngọc: Bây giờ cụ còn khoẻ, chúng mày dẫn cụ lên đó để cụ chỉ cho 4 ngôi mộ ấy đâu là mộ đàn ông, đâu là mộ đàn bà. Trong 4 ngôi mộ thì có hai người là bộ đội, còn hai người họ là dân công hay TNXP thì cụ không rõ, nhưng tất cả đều đưa từ mặt trận trở về hang Thương Binh để điều trị, do vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Cụ được giao chôn những người này nên cụ biết vị trí cũng như ai là nam, ai là nữ...

Có lẽ vì bận công tác nên ông Thức chưa đưa cụ Tư lên chỗ 4 ngôi mộ đó được, ngày 5/7/2011 cụ Tư mất mang theo tất cả những gì cụ biết về 4 ngôi mộ vô danh đó xuống dưới âm phủ.

Khi trở xuống ông Hương còn chỉ cho chúng ngôi mộ cô đơn nằm cách 4 ngôi mộ vô danh khoảng ba chục mét nằm ở khe đồi. Năm 1994-1995 khi ông đi xua đuổi bọn lâm tặc thì phát hiện ra ngôi mộ đó, ngôi mộ được đắp khá cao cho đến bây giờ vẫn nguyên như thế.

Ông đoán có thể đây là mộ chôn người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, người này chắc bị thương, khi khiêng tới đây thì chết, nên họ không khiêng vào hang Thương Binh mà khiêng lên khe núi chôn, người dân thì không ai mang lên đây chôn cả. Nếu có chôn thì ông và mọi người ở bản Dạ phải biết.

Chúng tôi vào hang Thương Binh, cách nay 10 năm trần hang cao vút, nay đất đá từ đèo Lũng Lô tràn xuống bồi lấp mặt hang đến hai mét, trần hang chỉ còn tầm hơn một với. Trước cửa và các ngách hang có nhiều chân nhang mới tinh. Không rõ ai đã tới đây thắp hương cho linh hồn những người đã nằm cạnh cái hang sâu
giữa rừng này?

Hai chục năm rồi ngôi mộ vẫn thế không hề biến dạng.

Ông Hương chỉ khoảnh đất cách cửa hang Thương Binh khoảng hai chục mét: Ông Chón còn chỉ cho tôi ngôi mộ nữa nằm ở khu vực này.

Tôi cũng nhìn thấy, nhưng khi san ủi đèo Lũng Lô, đất đá từ trên đường sạt lở xuống đã lấp mất ngôi mộ rồi. Lớp đất phủ lên khoảng tám mươi phân đấy anh ạ...

Tôi đi lang thang khắp xã Thượng Bằng La tìm hiểu thêm về những chuyện quanh 6 ngôi mộ vô danh đó, thì được người dân cho biết:

Kể từ khi nhận trông nom cánh rừng đó không biết vì lý do gì gia đình ông Hoàng Công Thức liên tiếp gặp những chuyện rủi ro, đầu tiên là ông Hoàng Công Thức bị kỷ luật, sau đến con trai ông là Hoàng Đức Tùng bị tai nạn xe máy.

Chuyện rằng hôm ấy sau khi uống rượu xong Tùng mượn xe máy cùng người bạn lên chiếc lán trông rừng chẳng biết để làm gì, khi quay về thì đâm vào đuôi chiếc xe tải đang đỗ ven đường, cả hai chết ngay tại chỗ.

16-32-27_4
Chân hương ai đó đến thắp trong hang Thương Binh

Tiếp đến là em trai ông Thức tham gia diễn tập phòng chống bão lũ bị ngã gãy chân... Người ta đoán rằng do gia đình ông Thức trồng một số cây lên các ngôi mộ đó nên mới gặp hoạ như vậy.

Chẳng biết chuyện đó thực hay hư, nhưng mọi người bảo những ngôi mộ ấy thiêng lắm, thiêng lắm... Khi kết thúc bài viết này bên tai tôi vẫn còn văng vẳng tiếng gió thổi u u qua cửa hang Thương Binh nghe rờn rợn như tiếng thở dài của núi rừng.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.