| Hotline: 0983.970.780

Lình xình địa giới Hải Phòng - Quảng Ninh: Không thể ngộ nhận

Thứ Ba 30/10/2018 , 09:30 (GMT+7)

Ông Lê Đồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội VHNT thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) chỉ ra thêm nhiều cái sai trên bản đồ UTM tỷ lệ 1:50.000 mà UBND thành phố Hải Phòng lấy làm căn cứ xác định địa giới.

Ông Sơn cho rằng việc lấy lạch sông Giá là đường địa giới Hải Phòng với Quảng Ninh là sai. Sách “Địa chí huyện Thủy Nguyên” (Hải Phòng) ghi: "Ngày 11/2/1956 Chủ tịch nước ra sắc lệnh số 257-SL chuyển huyện Thủy Nguyên thuộc Khu Hồng Quảng về tỉnh Kiến An (bao gồm cả khu vực hai tổng Dưỡng Động, Trúc Động cũ)”.

Đầm Nhà Mạc nhìn từ Hải Phòng (ảnh: Văn Việt)

Tỉnh Kiến An sau sát nhập với Hải Phòng. Do vậy 10 xã Phúc Liệt, Quỳ Khê, Viên Khê, Đạo Tú, Thiểm Khê, Mỹ Liệt, Mai Động, Trúc Động (tổng Trúc Động cũ) xã Dưỡng Động, xã Gia Đức (tổng Dưỡng Động cũ) từ năm 1956 đến nay luôn là các đơn vị hành chính thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Từ đó đến nay, Chính phủ chưa có văn bản nào chuyển 10 xã thuộc hai tổng Trúc Động và Dưỡng Động cũ của huyện Thủy Nguyên nhập vào tỉnh Quảng Ninh.

“Tại sao lãnh đạo Hải Phòng không đưa vào văn bản đoạn địa giới này và không thấy cái sai của đoạn tỉnh giới theo lạch sông Giá”, ông Lê Đồng Sơn nêu câu hỏi.

Ông Sơn lập luận, năm 1977 vẽ đường địa giới Hải Phòng với Quảng Ninh là lạch sông Chanh là sai. Năm 1434 có nhiều nhóm Tiên công đến bãi triều Hà Nam quai đê lập làng, tạo thành đảo Hà Nam, con Sông Chanh được hình thành vào thời gian này. Ở Hà Nam nhân dân hiện còn lưu giữ hàng ngàn bia đá, chuông đồng, sắc phong, gia phả có niên đại phổ biến từ năm 1493 đến năm 1926. Nội dung các bia đá, chuông đồng, sắc phong, gia phả viết bằng chữ Hán, phần đầu đều ghi rõ các xã ở Hà Nam thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên.

Từ khi được hình thành (1434) đến nay, 8 xã tại khu đảo Hà Nam với gần 7 vạn dân luôn là đơn vị hành chính của huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên (nay là tỉnh Quảng Ninh).

“Gần 600 năm qua, chưa có một văn bản nào của triều đình nhà Lê, nhà Nguyễn cũng như của chính quyền cách mạng hoặc của Chính phủ ta cắt chuyển các xã phường trên đảo Hà Nam về Hải Phòng. Đây là cái sai nữa của bản đồ UTM tỷ lệ 1:50.000 xuất bản lần thứ nhất”, ông Sơn nói.

Về đảo Quả Xoài, Quả Muỗm

“Nhìn bản đồ của huyện Nghiêu Phong (nay là huyện Cát Hải, TP Hải Phòng – PV) vẽ năm 1887 trong sách “Đồng Khánh địa dư chí”, thấy các núi cao thuộc xã Phù Long nằm sát địa giới huyện Yên Hưng, không thấy đảo Quả Xoài, Quả Muỗm nằm trong địa phận huyện Nghiêu Phong. Đây cũng là cái sai nữa của bản đồ UTM tỷ lệ 1:50.000 xuất bản lần thứ nhất” (Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Thị xã Quảng Yên). 

Cái sai của đường địa giới Hải Phòng với Quảng Ninh vẽ cắt ngang phường Hà An (TX Quảng Yên). Đoạn địa giới hai tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng chạy theo lạch sông Chanh rồi cắt ngang qua phường Hà An tới núi Đầu Đá đi ra vịnh Hạ Long. Đoạn này đã đưa một nửa Phường Hà An, đảo Quả Xoài, đảo Quả Muỗm thuộc TX Quảng Yên về thành phố Hải Phòng.

Theo ông Lê Đồng Sơn, phường Hà An được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo huy động nhân dân Yên Hưng quai đê lấn bãi triều thành lập thôn xóm từ năm 1970. Ngày 11/6/1971, Phủ Thủ tướng ra quyết định số 214-CP phê chuẩn thành lập xã Hà An thuộc huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Nhưng mãi tận năm 1977 bản đồ này vẫn vẽ đường địa giới tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng là một đường cắt đôi đơn vị hành chính xã Hà An.

“Đơn vị đo đạc bản đồ đã không nghiên cứu các tài liệu lịch sử của các vùng đất hai bên đường địa giới; không đi khảo sát thực tế về kinh tế, văn hóa, dân cư và địa giới hành chính của các đơn vị hành chính hai bên đường địa giới; vạch đường địa giới không theo thông lệ quốc tế, do vậy đường tỉnh giới giữa tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng của Bản đồ UTM tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền Bắc, tư liệu về tỉnh giới và huyện giới có đến ngày 1/11/1977, xuất bản lần thứ nhất năm 1978, mảnh Quảng Yên đã sai hoàn toàn”, ông Lê Đồng Sơn nhấn mạnh.

Ông Dương Phượng Toại, công dân xã Cẩm La, TX Quảng Yên cho biết: Trên đảo Hà Nam đặc biệt có miếu Tiên Công ở xã Cẩm La thờ các thủy tổ là các vị Tiên Công đã đến đây khai hoang lẫn biển, hai lần được Nhà nước công nhận: Di tích LS&VH Quốc gia (1989), lễ hội Tiên Công vừa được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (2017).

Từ xưa tới nay đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của Hà Nam và Quảng Yên hoàn toàn chảy theo dòng chảy lịch sử phát triển và hệ thống quản lý của chính quyền tỉnh Quảng Ninh.

Đất đai, diện tích canh tác khai thác cùng khai sinh dân số của Hà Nam - Quảng Yên từ nghĩa vụ đến quyền lợi đều nằm trong sổ sách, hồ sơ của Quảng Ninh...

Dự án cầu xa lộ Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng cũng là do Quảng Ninh đầu tư. Vậy mà nay bỗng dưng lãnh đạo Hải Phòng lại nhận là của mình, cho là vùng "chồng lấn" thì thật kỳ lạ.

Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ giải quyết

“Nghị quyết số 100 /NQ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành về việc thành lập thị xã Quảng Yên và thành lập các xã phường thuộc thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh là cơ sở mới nhất, cần được lấy làm cơ sở pháp lý. Còn việc UBND thành phố Hải Phòng nêu kiến nghị, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, các ngành liên quan giải quyết càng sớm càng tốt, đừng để gây nên sự trì trệ phát triển của thị xã Quảng Yên và khu vực xung quanh”. (Ông Nguyễn Khuê Bích, nguyên Bí thư Huyện ủy Yên Hưng - nay là thị xã Quảng Yên).

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.