| Hotline: 0983.970.780

Lo bảo tồn làng cổ ở Hà Nội

Thứ Ba 31/12/2013 , 10:26 (GMT+7)

Một giải pháp mang tính gợi mở đã được nêu ra nhằm bảo tồn làng cổ: Công tác bảo tồn phải tuân thủ sự phát triển, phải chấp nhận sự khác biệt mang tính thời đại.

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị của các làng cổ giữa thời đô thị hóa? Bảo tồn mà không mâu thuẫn với sự phát triển, không cản trở quá trình đô thị hóa là bài toán không đơn giản. Một giải pháp mang tính gợi mở đã được nêu ra: Công tác bảo tồn làng cổ phải tuân thủ sự phát triển, phải chấp nhận sự khác biệt mang tính thời đại.

Mâu thuẫn bảo tồn - phát triển

Hà Nội là địa phương có nhiều làng cổ, làng nghề truyền thống, cũng là nơi có tốc độ phát triển nhanh, bởi thế, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở các làng truyền thống vô cùng gay gắt.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 60 làng cổ như: Đông Ngạc (Từ Liêm), Bát Tràng (Gia Lâm)… Nhiều ngôi làng có sự đan xen phong cách truyền thống với phong cách Pháp như làng Cựu (Phú Xuyên), Cự Đà (Thanh Oai)… nhưng chỉ có một làng cổ được công nhận là Di tích quốc gia đó là Đường Lâm.

Các làng cổ vẫn giữ được vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống với kiến trúc Pháp cổ đan xen với kiến trúc dân dụng đang bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống. Tuy nhiên, trên thực tế, cùng với đời sống kinh tế đi lên, nhiều nhà dân đang được xây mới, đe dọa phá vỡ không gian làng cổ.

Cùng quan điểm nêu trên, ông Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, đưa ra dẫn chứng: Làng Mơ (còn gọi là Kẻ Mơ) thuộc quận Hoàng Mai nay không còn giữ được cảnh quan làng mạc, không còn ruộng vườn; làng mang tên phố nhưng dân cư vẫn sống theo thôn, xóm, đường sá chật hẹp, vòng vèo. Đó là nghịch lý trong tiến trình phát triển.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTTDL) Hà Nội, nét cổ kính xưa của làng Tây Mỗ (Từ Liêm) có được nhờ những hàng cổ thụ lâu năm, cánh đồng xanh vút tầm mắt, không gian sống thanh bình… giờ đang bị các khu đô thị mới "nuốt chửng". Các thôn của xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) xưa đều có cổng làng riêng, nay chỉ còn thôn Thượng Phúc giữ được cổng làng truyền thống.


Bảo tồn làng cổ là bài toán khó hiện nay

Ông Lê Thành Vinh,  Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTTDL), đưa ra những hình ảnh so sánh về làng Cự Đà những năm trước và hiện nay và khẳng định làng cổ Cự Đà đã có nhiều mai một, nếu không muốn nói là có nguy cơ biến mất một làng cổ.

Mỗi làng cổ Hà Nội dường như mang một "bệnh". Đường Lâm - làng cổ đầu tiên được xếp hạng Di tích quốc gia, không gian kiến trúc, cảnh quan, sinh hoạt văn hóa làng mạc truyền thống của người Việt được lưu giữ tương đối đầy đủ, nhưng một số người dân không còn tâm huyết giữ gìn di sản như xưa nữa.

Từ thực tế của làng cổ Đường Lâm trong năm qua, ông Vinh cũng khuyến cáo, nếu xã hội và cộng đồng không có những nỗ lực thì trước những vấn đề tất yếu của cuộc sống đặt ra như nhu cầu sống trong những ngôi nhà rộng rãi hơn… thì sẽ không bảo tồn được làng cổ. “Đường Lâm sẽ rơi vào cảnh làng Cự Đà thứ hai”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bảo tồn có chọn lọc

Đảm bảo giữ được làng cổ mà vẫn đảm bảo đời sống hiện đại cho người dân ở làng cổ là bài toán khó mà không phải lần đầu những người làm công tác bảo tồn di sản bàn đến. Tuy nhiên, cũng đã chục năm nay, kể từ khi được công nhận là Di tích quốc gia, làng cổ Đường Lâm vẫn chưa được quy hoạch, chưa có quỹ đất giãn dân.

Người dân sống giữa di tích, phải chấp hành Luật Di sản, không được xây dựng, sửa sang nhà cửa hàng chục năm trời. Cam chịu đến đỉnh điểm, đầu năm 2013, gần 70 hộ dân đã ký vào đơn đòi trả lại danh hiệu. Một lần nữa, bảo tồn di tích và phát triển đời sống dân sinh là một thách thức đối với các nhà quản lý.

Ông Phạm Đình Việt (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, không cần bảo tồn làng cổ, trừ di tích đã được xếp hạng. “Bảo tồn phải linh hoạt, mềm dẻo để quyền lợi của người dân và quốc gia hài hòa với nhau. Cần một khung pháp lý hài hòa và tiêu chí đánh giá về làng cổ.

 Chứ như hiện nay, nhiều làng cổ chỉ còn là cái tên còn bên trong là cuộc sống đô thị, chẳng hạn như làng Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân… Vậy, cái cần giữ những làng này là những giá trị phi vật thể, còn các công trình đã bị lấn át bởi các công trình mới thì không thể giữ nữa”, ông Việt nói.

Ông Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho rằng: "Công tác bảo tồn làng cổ ở nước ta chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ công trình di tích, cố gắng giữ được càng nhiều yếu tố gốc càng tốt chứ ít quan tâm đến sự sống xung quanh.

 Làng cổ như cơ thể sống liên tục phát triển, vì vậy, bảo tồn thì phải biết chấp nhận sự khác đi tất yếu của làng thời nay so với thời xưa. Nói cách khác, con người và những nhu cầu chính đáng của họ cần được đặt vào vị trí trung tâm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ".

Là một trong những người nghiên cứu sâu về làng cổ Hà Nội, bà Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích) nhận xét: Lịch sử đô thị Hà Nội là lịch sử phát triển từ làng lên phố, làng trong phố. Đô thị hóa là tất yếu khách quan. Đô thị không đối lập, không phủ định làng quê, mà ngược lại, là sự kế thừa và phát triển làng quê dựa trên cái nền văn hóa của làng. Do đó, bảo tồn làng không có nghĩa là né tránh, hạn chế sự phát triển, mà là bảo vệ sự sống của nó, không để nó mất đi.

Hiểu rộng hơn, bảo tồn làng cổ không phải là giữ nguyên hiện trạng từng ngôi nhà, từng viên gạch lát đường, mà quan trọng là phải bảo tồn được không gian, cảnh quan truyền thống gắn với làng, làm cho chúng trở thành những bảo tàng mở, mang lại sức sống cho làng.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất