| Hotline: 0983.970.780

Lo đầu ra cho nông nghiệp cần được xem xét một cách nghiêm túc

Thứ Sáu 09/06/2017 , 14:42 (GMT+7)

Phát biểu tại phiên thảo luận tình hình KT – XH của đất nước trong sáng hôm nay tại Quốc hội, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã có bài phát biểu khá thẳng thắn về những vấn đề liên quan đến SXNN.

Nghiêm túc lo đầu ra cho nông nghiệp

Theo đánh giá của ĐB Nguyễn Sỹ Cương tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, lấy thị trường quốc tế làm mục tiêu, coi trọng thị trường trong nước. Từ đó xác định các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế nhằm tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng và giá trị cao, đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời gắn với việc ứng phó có hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu, gắn với phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn để tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giảm lao động trong nông nghiệp, tăng diện tích đất canh tác, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương phát biểu trước Quốc hội

Tuy nhiên, hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm. Đa số nông dân thì vẫn chật vật, lo toan với nhiều nỗi gian truân. “Bài ca”: “được mùa mất giá, được giá mất mùa” đã quá quen thuộc, được nông dân và ĐBQH hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù “bài ca” đó chẳng được ai cấp phép, ông Cương ví von.

Nhiều ĐB phát biểu trước đó cũng đã đề cập đến thực trạng này. Đó là nhiều năm qua, hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu,…giờ đến thịt lợn, trứng gà, bí đỏ, chuối và tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc sẽ còn kéo dài nữa.

Hiện nay, trước tình trạng “Thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ” như một tờ báo miêu tả, chúng ta đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi. Đáng tiếc là trong báo cáo của Chính phủ không có những đánh giá cụ thể về việc này.

Cuối năm 2016, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đã có văn bản cho các Bộ, phần thì cảnh báo tình trạng dư thừa do tăng đàn vượt quá quy hoạch chăn nuôi trong nước, thêm vào đó là sự phục hồi của nền chăn nuôi của nước láng giềng, phần thì đưa ra các kiến nghị với hoạt động chỉ đạo, điều hành.

“Rất tiếc là những kiến nghị đó không được xem xét kịp thời, mà mãi cho đến tháng 4 vừa rồi Bộ NN&PTNT mới họp hành, bàn bạc và trình Chính phủ nhằm đưa ra một số giải pháp, tôi cho là chậm. Tôi thiết nghĩ, nếu như sự chỉ đạo kịp thời thì hẳn là thiệt hại cho chăn nuôi sẽ được hạn chế. Mà không chỉ có khâu chăn nuôi, khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước cũng đã và đang kìm hãm sản xuất”, ông Cương thẳng thắn.

Phân tích tình trạng trên, ĐB Cương mong muốn việc lo đầu ra cho nông nghiệp cần được xem xét một cách nghiêm túc. Phát triển sản xuất mà không có đầu ra thì phát triển sản xuất để làm gì!?

Nhân đây ĐB Cương đề nghị UBTVQH xem xét dành thời gian tăng thêm của Phiên chất vấn tại kỳ họp này để chất vấn, tranh luận nhằm tìm giải pháp cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Không phải để phê phán hay quy kết trách nhiệm cho Bộ ngành nào mà điều quan trọng là tìm ra giải pháp đúng với hy vọng sau này không phải nói nhiều đến vấn đề này nữa.
 

Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác

Một vấn đề khác, giờ đi đến địa phương nào, bất cứ một đợt tiếp xúc cử tri nào cũng nghe người dân kêu ca, phẫn nộ khi nói về nạn phân bón giả. Thiệt hại cho nông nghiệp, cho nông dân là không kể siết, ước tính 60.000 tỷ mỗi năm.

Sau nhiều lần chất vấn từ nhiệm kỳ trước, công cuộc phòng chống nạn phân bón giả trên thực tế chưa mang lại kết quả. Thị trường thì vẫn tồn tại đến 7000 loại phân bón. Phân bón lá, phân bón dễ, phân thật, phân giả, phân kém chất lượng lẫn lộn, nông dân thì như rơi vào ma trận, mua phải phân bón giả và thiệt hại thì chỉ biết kêu trời! Liệu có cơ quan nào thống kê hết thiệt hại do phân bón giả gây ra?!

Các ĐBQH chăm chú nghe phát biểu của ĐB Nguyễn Sỹ Cương

Đó là vấn đề mà theo chúng tôi ĐB Nguyễn Sỹ Cương đau đáu vì đã đăng đàn rất nhiều lần vấn đề này nhưng cho đến hôm nay tình hình vẫn không mấy chuyển biến.

Sau Kỳ họp thứ 2, các Bộ trưởng hứa sẽ họp bàn để tìm giải pháp nhưng sau gần 6 tháng trôi qua, việc duy nhất làm được là chuyển quản lý phân bón về một đầu mối là Bộ NN - PTNT, còn 7000 loại phân bón vẫn mặc sức nhảy nhót, tung hoành trên thị trường, đẩy người nông dân đến cảnh khốn đốn. Điều đáng nói là với 11 đơn vị trước đây được Cục trồng trọt giao trách nhiệm thử nghiệm và chứng nhận hợp quy sản phẩm phân bón thì cả 11 đơn vị đều sai phạm theo Kết luận của chính Thanh tra Bộ NN&PTNT thì đâu là chỗ dựa tin cậy cho công tác quản lý nhà nước về phân bón khi giao toàn bộ việc quản lý phân bón về Bộ này.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận phong được 6 Bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý.

Theo ông Cương, một vụ việc mà 2 đồng chí Phó Thủ tướng thường trực của 2 nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo, rồi các Bộ có liên quan đều khẳng định Cty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố.

Có tờ báo có loạt phóng sự là: “Kỳ án Thuận Phong” Vâng, đúng là nó rất kỳ! Chỉ có những người không có lương tâm mới bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả, làm khổ những nông dân đáng thương và cũng rất đáng kính.

Một cử tri hỏi tôi: “Sao không bắt hết bọn sản xuất, kinh doanh phân bón giả để nông dân yên ổn làm ăn?” Tôi mong Chính phủ giúp tôi câu trả lời để không phải “chuyển câu trả lời cho nhiệm kỳ kế tiếp” như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nói tại nhiệm kỳ trước.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng giá thịt lợn bán trong siêu thị gấp 3-4 lần thì có được coi là do bị thao túng giá và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu và ai là người được lợi trước cảnh được mùa mất giá?

Từ thực tế này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về thiệt hại và hậu quả này. Vì theo thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước thì thiệt hại ước tính chỉ riêng đối với lĩnh vực chăn nuôi là không nhỏ. Dư nợ cho vay chăn nuôi lợn là 32.492 tỷ, chưa kể cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi 12.721 tỷ, cho vay sản xuất thuốc thú y 485,4 tỷ.

“Nguy cơ số dư nợ trên trở thành nợ xấu đã đành, điều đáng quan tâm hơn là sẽ có hàng triệu người chăn nuôi trên cả nước (kể cả người đi vay NH lẫn người tự bỏ vốn ra chăn nuôi) rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Cương lo lắng.

 

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.