Các nguồn tin từ Văn phòng Nội các cho biết, điều luật mới này sẽ có thể được áp dụng từ tháng Tư năm sau theo chương trình hỗ trợ những cặp vợ chồng mới cưới của Nhật Bản.
Nguyên nhân là do tỷ lệ sinh liên tục giảm mạnh tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chủ yếu là do xu hướng kết hôn muộn hoặc không kết hôn. Trong khi đó, tỷ lệ già hóa dân số vẫn ngày một tăng buộc chính phủ phải có giải pháp thúc đẩy hôn nhân bằng các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho các cặp đôi sinh nở.
Theo đó, để đạt điều kiện được nhận khoản tiền trị giá 600.000 yên, cả tân lang và tân nương đều phải dưới 40 tuổi, tính đến ngày đăng ký kết hôn và cả hai vợ chồng có mức thu nhập gộp không dưới 5,4 triệu yên.
Như vậy điều kiện được thụ hưởng chính sách sắp tới đã… mở hơn chương trình “khuyến đẻ” hiện nay là cặp đôi không được quá 35 tuổi và có tổng thu nhập 4,8 triệu yên mới được nhận khoản hỗ trợ 300.000 yên.
Theo Kyodo, hiện mới có 281 địa phương, tương đương 15% khu vực đô thị và làng xã ở Nhật Bản đã áp dụng chương trình này từ tháng 7 vừa qua và những địa phương này phải gánh một nửa chi phí hỗ trợ người dân. Tuy nhiên trong nỗ lực mới của chính phủ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng già hóa dân số, dự tính chính quyền trung ương sẽ hỗ trợ khoảng 2/3 nguồn chi trả này trong năm tài chính 2021.
Hiện đa số các cặp vợ chồng mới kết hôn ở Nhật Bản đều có xu hướng sinh ít con, và tỷ lệ sinh nở trung bình của phụ nữ Nhật vào năm ngoái là 1,36, với tổng cộng 865.000 công dân mới được chào đời – ghi nhận mức thấp kỷ lục.
Kết quả điều tra dân số mới nhất của Viện Dân số và An sinh xã hội Quốc gia cho thấy, có 29,1% nam giới và 17,8% phụ nữ Nhật Bản độc thân đang trong độ tuổi từ 25 đến 34. Đa số lý do được thanh niên lười kết hôn tiết lộ cho rằng, do lo lắng thiếu nguồn tài chính cho đời sống hôn nhân.