| Hotline: 0983.970.780

Lo hậu sự cho bệnh nhân HIV

Thứ Sáu 26/08/2011 , 10:28 (GMT+7)

Nhóm thiện nguyện vì bệnh nhân HIV ở Huế ra đời chính thức vào ngày 21/6/2001 với 7 thành viên ban đầu...

Trời Huế đang nắng gắt thì cơn mưa ập đến. Chiếc điện thoại của trưởng nhóm thiện nguyện vì bệnh nhân HIV tại Thừa Thiên - Huế là ông Nguyễn Văn Hoàng (66 tuổi, trú phường Phước Vĩnh, TP Huế) đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia cất giọng khẩn thiết: “Bệnh nhân P. ở Phong Điền qua đời rồi, nhờ các anh ra khâm liệm dùm”.

Từ bệnh nhân phong đến bệnh nhân HIV

Những thành viên của nhóm thiện nguyện nhanh chóng có mặt. Họ chuẩn bị găng tay, khẩu trang y tế cùng một số thuốc men rồi lên xe máy nhằm hướng nhà bệnh nhân. Vượt qua quãng đường xa lắc, men theo con đường làng đất đỏ, căn nhà ngói xiêu vẹo của bệnh nhân P. vắng lặng giữa làng quê yên ả.

Ở giữa sân, chiếc quan tài được chuẩn bị sẵn. Nhóm thiện nguyện chia thành nhiều nhóm nhỏ: nhóm khâm liệm, nhóm chuẩn bị áo quan, nhóm giúp gia đình trang hoàng lo ma chay. 

Nhóm thiện nguyện trong một lần khâm liệm bệnh nhân HIV

Đã quen với công việc, ông Hoàng, ông Hùng, anh Long tay đeo găng, miệng đeo khẩu trang cẩn thận, tắm rửa sạch sẽ thi thể, mặc áo quan, khâm liệm theo đúng nghi thức của người dân địa phương. Trong khi đó một nhóm khác đã lau chùi sạch sẽ quan tài để chuẩn bị nhập quan. Việc khâm liệm diễn ra nhanh chóng để kịp cho gia đình tổ chức ma chay. Xong việc những thành viên của nhóm ở lại để cùng động viên gia đình, phụ giúp họ lo liệu chôn cất. Khi nhóm trở về nhà thì trời đã dần tối.

Nhóm thiện nguyện vì bệnh nhân HIV ở Huế ra đời chính thức vào ngày 21/6/2001 với 7 thành viên ban đầu, trong đó người trẻ nhất là anh Trịnh Long (SN 1975) vì mục đích giúp đỡ gia đình và bệnh nhân nhiễm HIV khi còn sống và lúc qua đời. Ông Hoàng cho biết: "Trước khi nhóm ra đời thì những anh em chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi thăm và giúp đỡ các bệnh nhân phong ở làng Hòa Vân, dưới chân núi Hải Vân thuộc TP. Đà Nẵng. Sau khi bệnh nhân phong không còn nữa thì chúng tôi không còn lui tới đây, chính vì vậy mà anh em ngồi lại với nhau tìm cho mình một công việc từ thiện khác".

Bàn tới bàn lui, cuối cùng ông Hoàng cùng ông Trần Văn Sơn quyết định lên Phòng Khám bệnh từ thiện Kim Long (TP Huế) hỏi xem có việc thiện nguyện gì để cho các thành viên làm. Ông Hoàng hồi tưởng: “Khi chúng tôi lên đó thì mấy người trong phòng khám đang họp triển khai tìm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân HIV nhưng tìm mãi chưa ra người. Nghe chúng tôi trình bày thì họ mừng lắm và chọn chúng tôi vào nhóm thiện nguyện".

Vài tháng sau ngày ra đời nhóm "tập sự" với một ca bệnh HIV đầu tiên ở tận xã Điền Trung, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) chết do các hạch mủ trên người bị vỡ. Nhận được thông tin bệnh nhân hấp hối khi 11 giờ trưa, trưởng nhóm Nguyễn Văn Hoàng cùng 3 người tình nguyện viên khác trên hai xe máy tức tốc ngược hướng về Điền Trung. “Lúc đó bệnh "ết"  đang còn xa lạ, mọi người xa lánh nên khi chúng tôi về đó thì trong nhà chỉ có bệnh nhân nằm trên giường hấp hối. Người thân cũng chạy ra khỏi nhà, còn người dân thì đứng cách xa nhà cả chục mét, mặt bịt kín khẩu trang, chân đi ủng, tay xua muỗi liên tục vì sợ muỗi truyền bệnh", ông Hoàng kể.

Những thành viên của nhóm thiện nguyện không chút sợ hãi, họ ngồi trò chuyện, đút sữa cho bệnh nhân uống để nghe những lời cuối cùng của người xấu số. Mãi đến 3 giờ chiều bệnh nhân mới tắt thở nhưng trong nhà chẳng có đồ khâm liệm, quan tài cũng chưa chuẩn bị, người thân thì xa lánh nên các thành viên phải bắt tay lo liệu mọi việc. "Lần đầu tiếp xúc với người bị chết do nhiễm HIV, các cục hạch trên người bệnh vỡ ra nên chúng tôi cũng hơi sợ. Nhưng vì tình thương nên chúng tôi đã vượt qua", ông Hoàng kể lại. 

Ông Hoàng trong một lần đến thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân HIV

Khâm liệm xong, nhóm phải đứng ra giải thích về căn bệnh HIV, đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ mua quan tài. Ông Hoàng kể tiếp: “Họ mua quan về đặt giữa sân thì đi chỗ khác, không một ai dám lại gần. Ông trưởng thôn yêu cầu chúng tôi phải làm sao chôn cất ngay trong ngày dù trời đã gần tối”.

Thầm lặng

Hiện nay nhóm thiện nguyện vì bệnh nhân HIV tại Thừa Thiên - Huế đã có 22 thành viên, trong đó có những người chạy xe ôm, thợ chụp ảnh, sinh viên và người buôn bán. Tính từ khi ra đời đến nay, nhóm đã giúp khâm liệm hàng trăm bệnh nhân bị HIV qua đời. Ngoài ra, hàng tháng ba lần các thành viên của nhóm còn đến động viên, chăm sóc sức khỏe cho gần 100 bệnh nhân ở tất cả các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mỗi thành viên mỗi tháng được hỗ trợ 400.000 đồng tiền xăng và được tham gia các lớp tập huấn về phòng chống, chăm sóc bệnh nhân HIV. “Làm việc này ngoài nguy cơ bị phơi nhiễm HIV thì căn bệnh lao từ người bệnh có khả năng lây lan sang chúng tôi rất cao vì phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân khi gần chết. Nhưng đã làm việc thiện nguyện thì những thành viên của nhóm đều không lo ngại vấn đề này”, ông Hoàng tâm sự.

Việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh cũng không dễ dàng, ông Hoàng cho biết nhóm thường xuyên gặp những trường hợp tuyệt vọng đòi tự vẫn, có người vì mất hết niềm tin nên có ý định trả thù đời bằng cách làm lây lan bệnh ra nhiều người.

Vốn là thợ chụp ảnh, quay phim kiếm tiền nuôi gia đình, ông Hoàng tâm sự rằng dù cuộc sống của mình còn nhiều khó khăn nhưng như những thành viên khác, thành lập nhóm là để chăm sóc những bệnh nhân bị HIV và để tuyên truyền cho xã hội không kỳ thị đối với với những người bị bệnh. “Lúc mới thành lập, cứ mỗi lần đi khâm liệm về là vợ tôi bắt phải xông người, tắm rửa sạch sẽ, nằm ngủ cũng trở đầu ngược lại vì sợ bị lây. Nhưng dần rồi vợ con cũng hiểu và động viên tôi cố gắng làm”, ông Hoàng tâm sự.

Còn ông Nguyễn Hùng (58 tuổi, trú tại tổ 19, phường An Cựu, TP Huế), cho biết đến với nhóm thiện nguyện chỉ vì thấy nhiều người xa lánh bệnh nhân HIV. Từ khi vào nhóm, ông bỏ hẳn nghề chạy xe ôm nên cuộc sống gia đình trông chờ vào người vợ buôn bán dưa hành ở chợ Phước Vĩnh. “Lúc đầu mới vào nhóm tôi giấu vợ con vì sợ họ không lo sợ mình bị phơi nhiễm khi tiếp xúc. Nhưng sau này vợ con tự biết mình làm công việc thiện nguyện nên ủng hộ tôi”, ông Hùng kể.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.