| Hotline: 0983.970.780

'Lỗ hơn 10.000 tỷ sẽ tính vào đợt điều chỉnh giá điện tới'

Chủ Nhật 20/11/2011 , 08:24 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng của EVN năm 2010 sẽ được hạch toán vào giá điện.

Không cho biết chính xác thời gian và mức tăng giá điện song Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng của EVN năm 2010 sẽ được hạch toán vào giá điện.

Mới đây, dư luận xôn xao về việc Bộ Công Thương "bật đèn xanh" cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện vượt mức cho phép của Thủ tướng, Thứ trưởng giải thích thế nào về điều này?

- Năm 2010, phương án được Chính phủ phê duyệt là tăng giá điện so với năm 2009 là 6,8%. Tuy nhiên, giá điện thực tế thực hiện năm 2010 tăng đến 9%. Ở đây là do cách tính. Giá điện được điều chỉnh từ 1/3 hàng năm. Khi xây dựng phương án điều chỉnh giá điện cho năm 2010 thì được tính theo chu kỳ từ 1/3/2009 đến 1/3/2010.

Phương án giá điện được duyệt năm 2010 là 1.058 đồng mỗi kWh, nếu chia cho giá bình quân từ 1/3/2009 đến 1/3/2010 thì giá thực hiện của năm 2010 cũng tăng 6,8%. Còn nếu chia cho giá bình quân từ 1/1/2009 đến 31/12/2009 thì giá được phê duyệt tăng lên 9%. Tôi khẳng định, ở đây không có gì là khuất tất, cũng không có chuyện bật đèn xanh.

Các nhà máy điện tư nhân càng sản xuất điện càng lỗ vậy mỗi lần Bộ chấp thuận cho tăng giá bán lẻ thì quyền lợi của các doanh nghiệp này được xem xét như thế nào, thưa ông?

Ở đây có một thực tế là, không chỉ các nhà máy điện vừa và nhỏ, thậm chí cả những đơn vị trung bình và vừa thì vẫn đang phải chịu lỗ khi sản xuất phát điện cho lưới điện quốc gia. Lỗ ở đây không phải chỉ với các nhà máy điện của các nhà đầu tư nhân, mà ngay cả EVN, Tập đoàn của Nhà nước, cũng lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Nếu nói cả Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nếu chỉ tính thực hiện kinh doanh điện thì thời gian vừa qua cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân suy cho cùng là giá bán điện đầu ra còn quá thấp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng

Ngay trong năm 2010 thì giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.080,4 đồng mỗi kWh, trong khi đó giá bán bình quân cho người tiêu thụ cuối cùng mới chỉ 1.061 đồng. Như vậy, nếu tính gộp lại, hầu hết doanh nghiệp trong ngành điện đều bị lỗ, càng phát điện nhiều bao nhiêu càng lỗ bấy nhiêu.

Để khắc phục, Chính phủ đã cho phép được điều chỉnh giá điện theo các thông số đầu vào cơ bản, trong đó có tính đến biến động chi phí nhiên liệu, thay đổi cơ cấu phát điện, tỷ giá. Khi thực hiện đầy đủ Quyết định 24 thì giá bán điện cho người tiêu thụ cuối cùng sẽ được điều chỉnh đồng thời giá mua điện của các nhà máy điện cũng sẽ được điều chỉnh tương ứng. Mục tiêu lâu dài trong điều chỉnh giá điện là để các nhà máy sản xuất điện có được một mức lãi phù hợp. Từ đó kêu gọi được các nhà đầu tư vào các dự án điện.

Chưa tính đến các công ty cổ phần điện do Tập đoàn Điện lực góp vốn, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Vậy khoản lỗ này sẽ được hạch toán vào đâu thưa ông?

- Lỗ sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là hơn 10.000 tỷ và số nợ không trả được cho ngành dầu khí, than là trên 11.000 tỷ đồng. Bộ Tài Chính cũng đã có chỉ đạo hạch toán lỗ vào giá điện chứ không còn có thể hạch toán vào đâu được. Bởi nguyên tắc, EVN chỉ thực hiện sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy, khoản lỗ do giá bán thấp hơn giá thành của Tập đoàn này đương nhiên sẽ được hạch toán vào giá điện trong những đợt điều chỉnh thời gian tới.

Việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh của EVN là công việc bắt buộc phải làm theo quy định mới, đáng ra phải làm sớm hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới và điều chỉnh lúc nào, liều lượng ra sao hiện chúng tôi chưa thể thông báo.

Khi khoản lỗ của EVN được phân bổ vào giá điện và đồng nghĩa với việc giá điện sẽ tăng lên, vậy quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng thế nào thưa Thứ trưởng?

- Theo tính toán, mỗi kWh bán ra thì ngành điện bị lỗ 100 đồng. Hiện chúng ta có 7 bậc thang về giá điện. Điểm hòa vốn của EVN là 130 kWh, do đó hộ nào dùng trên 130kWh mỗi tháng thì ngành điện không phải bù lỗ nữa.

Xã hội của chúng ta còn rất nhiều người khó khăn, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh xã hội cả nước có trên 3 triệu hộ nghèo. Những hộ này, ngoài sự hỗ trợ trực tiếp của cả nước là 30.000 đồng mỗi tháng, thì chúng ta cũng xây dựng biểu giá điện bao cấp họ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc EVN bị lỗ nặng là hàng loạt dự án điện bị chậm tiến độ. Với tư cách là cơ quan đầu ngành, Bộ Công Thương giải quyết vấn đề này thế nào?

- Rõ ràng, các dự án nhiêt điện than mà kịp thời thì sẽ giảm được việc chạy dầu, giá thành điện sẽ thấp đi. Thực tế, nhiều dự án điện bị chậm tiến độ và ai cũng nhìn thấy cả. Các ban quản lý dự án của EVN, Bộ Công Thương và Chính phủ cũng nhìn nhận đây là một điểm yếu, không chỉ là ở ngành điện mà ở công tác đầu tư xây dựng cơ bản của cả nước. Nguyên nhân do năng lực nhà thầu, năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án… Chừng nào dự án còn chậm thì chừng đó giá thành điện còn bị ảnh hưởng.

Việc chậm hợp đồng có thưởng- phạt rõ ràng nhưng nếu phạt thì cũng không bù đắp được hết các thiệt hại do chậm tiến độ gây ra. Việc quan trọng nhất là chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu để khắc phục. Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng công tác quản lý dự án điện sẽ tốt hơn.

Quá trình chuyển Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) sang Viettel đã đến đâu thưa Thứ trưởng?

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Viettel và EVN Telecom tiến hành rà soát để báo cáo Thủ tướng, sẽ có quyết định chính thức trong thời gian tới. Liên quan đến việc tách 1 sóng mạng từ EVN Telecom thì hiện nay chưa triển khai thực hiện. Bởi đó cũng chỉ là một đề nghị của EVN Telecom trước đây. Khi chuyển giao EVN Telecom sang cho Viettel thì tất cả những vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN cho hay, tài sản EVN hình thành chỉ có 30% vốn chủ sở hữu, còn 70% là vốn vay chủ yếu từ nước ngoài của các tổ chức tín dụng. EVN vay bằng USD của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đồng Yên của Nhật Bản, EUR của các tổ chức tín dụng Bắc Âu. Do vậy khi gặp biến động tài chính trên thị trường thế giới thì EVN dễ bị tổn thương.

EVN ngoài khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng, do kinh doanh các mặt hàng khác đã giảm lỗ xuống khoảng 8.000 tỷ đồng, thì còn lỗ thêm khoảng 15.000 tỷ do chênh lệch tỷ giá. Nếu theo tính toán, toàn bộ số lỗ này đều phải hạch toán hết vào giá thành. Nế như EVN chưa được điều chỉnh giá điện thì ngành điện không có tiền trả nợ cho các tâp đoàn. "Có người xui tôi, hay ông bán tòa nhà đi, thế thì tôi bán năm nay, năm sau tôi lấy gì mà bán nữa? Nó cũng là tài sản của Nhà nước. Phải trả giá điện lại đúng với giá thực của nó, đúng với giá thị trường thì đó mới là cái nhìn với tương lai", ông Thanh nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Ngành than chủ động chống sạt lở bãi thải mùa mưa bão

QUẢNG NINH Gần đến mùa mưa bão, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực bãi thải mỏ luôn được ngành than và tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất