| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/04/2019 , 11:50 (GMT+7)

11:50 - 09/04/2019

Lo lắng của người Việt là có cơ sở

Khi Nhật Bản thu hồi hơn 18.000 chai tương ớt Chin-su do Masan sản xuất do chứa phụ gia bị cấm, nhiều câu hỏi được đặt ra, và người tiêu dùng lo lắng.

Masan giải thích rằng lô sản phẩm đó không dành cho xuất khẩu mà dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Quy định hiện hành của Việt Nam là hàm lượng acid benzoic cho phép trong tương ớt là 1gr/kg. Đây cũng là hàm lượng cho phép đối với acid benzoic trong bơ thực vật ở Nhật Bản. Với trứng cá, hàm lượng cho phép là 2,5 gr/kg.

Với ngưỡng này, đã có nhiều tính toán về việc mỗi người ăn bao nhiêu tương ớt/ngày là an toàn? Hiện Bộ Y tế chưa công bố con số này.

Lo ngại hiện nay của người dân là chất bảo quản acid benzoic kết hợp với vitamin C trong cà chua, trong trái cây nghiền, trong tương ớt... tạo ra benzen gây ung thư.

Những biện minh của Masan khó thuyết phục được người tiêu dùng

Trong lúc chờ ý kiến chính thức từ bộ này, tương ớt vẫn sử dụng đến 4-5 phụ gia bảo quản, chưa kể hàm lượng có đúng 1gr/kg như quy định hay không chưa thể đánh giá được.

Vậy liệu tương ớt chứa phụ gia bảo quản của Chin-su bán tại Việt Nam có an toàn? Đây là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng, bởi cơ quan có trách nhiệm chính là Bộ Y tế, cụ thể là Cục An toàn thực phẩm của Bộ này, đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Tất nhiên, khi đưa ra kết luận, cơ quan quản lý nhà nước bao giờ cũng phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Nhưng, trong khi dân tình sốt ruột, thì mấy ngày nay, vẫn không có một lời trấn an, hay cần trả lời những gì để dân khỏi hoang mang, lo lắng.

Trả lời Tuoitre, một chuyên gia về an toàn thực phẩm cho biết, danh mục phụ gia của Việt Nam là sao chép từ danh mục phụ gia của  Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) và một số quốc gia châu Âu, nhưng có một điều mà Việt Nam chưa minh bạch, chưa rõ ràng là trong danh mục phụ gia trước đây, Codex không cho phép acid benzoic trong sản phẩm dành cho trẻ em do đã có bằng chứng về nguy cơ gây tăng động cho trẻ.

Nhưng trong các sản phẩm thực phẩm có sử dụng acid benzoic ở Việt Nam, từ trước đến nay đã có sản phẩm nào cảnh báo không dùng cho trẻ em? Và nếu cảnh báo cho trẻ em thì cảnh báo đến lứa tuổi nào cũng chưa được minh bạch.

Nhật Bản cấm, chắc chắn họ có lý của họ, tiêu chuẩn với thực phẩm của Nhật Bản luôn cao và bằng chứng cho thấy "lý của Nhật Bản" với thực phẩm là tuổi thọ bình quân của Nhật cao hàng đầu thế giới.

Không có chuyện, một Cty như Javis nào đó mua được 5 tấn Chin-su trôi nổi, hoặc có thể không rõ xuất xứ, như cách lý giải của Masan.

Trong một diễn biến khác, trả lời NNVN, một chuyên gia trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ, cho biết, Cty Javis nhập 18.000 chai Chin-su, dãn nhãn đè kín lưng, không ghi rõ chất bảo quản là acid benzoic và bán lại cho Cty ISC là cty sau đó phân phối ra thị trường Nhật. 

Massan trả lời là không xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp sang Nhật cho Cty Javis.

Tuy nhiên, dấu hiệu bất thường ở đây được phân tích như sau: Chin-su là sản phẩm tiêu dùng có hạn sử dụng ngắn ngày. Hệ thống phân phối thông qua các nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ phủ kín toàn quốc được vận hành theo phương thức đẩy hàng mới, đảo hàng cũ thường xuyên, thậm chí là hàng ngày đến tận từng xóm nhỏ, ngõ nhỏ.

Để kiểm soát hệ thống kênh phân phối cũng như chủ động kiểm soát, điều tiết giá bán, các nhà sản xuất không bao giờ bán ra ngoài hệ thống mà không cam kết trước lượng hàng đó sẽ được phân phân phối ở thị trường nào, và nếu có, thì hàng bán thị trường khác này phải có dấu hiệu nhận biết riêng. Vậy nên, không có chuyện, một Cty như Javis nào đó mua được 5 tấn Chin-su (250g x 18.000 chai cộng vỏ) trôi nổi, hoặc có thể không rõ xuất xứ, như cách lý giải của Masan.

Ngoài ra, Cty Javis phải có trách nhiệm nhập khẩu hàng hóa không thuộc danh mục cấm, họ phải biết các thành phần của Chin-su có bị cấm hay không trước khi nhập, và họ đã dán đè kín lưng chai tương ớt cũng như không ghi thành phần có acid benzoic. Đó là lý do 18.000 chai Chin-su bị kết luận vi phạm luật nhãn mác.

Xem ra, những biện minh của Masan trong sự vụ này đến nay khó có thể thuyết phục được dư luận!