| Hotline: 0983.970.780

Lở làng: Tạm ứng... làng văn hóa

Thứ Năm 28/08/2014 , 08:15 (GMT+7)

Người người văn hóa. Nhà nhà văn hóa. Làng làng văn hóa. Để đạt được danh hiệu làng văn hóa cần có các tiêu chí nhưng nhiều nơi biết là thiếu hẵng cứ xin… tạm ứng, cứ được làng văn hóa đã rồi trả nợ sau./ Đột biến tan vỡ hôn nhân

Chó thật, chó giả đều mất

Thống kê cho thấy toàn tỉnh Hưng Yên hiện có trên 70% số làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa trong đó có những làng được công nhận cách đây cả chục năm rồi mà vẫn chưa trả hết các món nợ tiêu chí về văn hóa.

Một số làng tiếng là đạt được danh hiệu rồi nhưng tệ nạn, nghiện hút, ô nhiễm môi trường, sinh con thứ ba, bệnh hình thức trong hiếu hỉ phát triển như nấm mọc sau mưa mà chẳng thấy ai thu lại danh hiệu.

Một số làng trước khi được cấp bằng còn có nhiều nét đẹp truyền thống nay nét cũ phai nhạt dần, nét mới chưa ăn sâu, lai căng kệnh cỡm. Lũy tre làng, cánh cổng làng giờ không còn đủ sức ngăn cản thói xấu của xã hội.

Xã Lương Tài (Văn Lâm, Hưng Yên) có 14 làng thì có tới 9 làng đạt văn hóa. Ở quê giờ ô nhiễm ngày một nặng nề. Rác rải đường làng. Rác góc chợ. Rác đan xen trong các khu dân cư. Rác chất như núi ở chỗ tập trung. Làng trở thành một bãi rác khổng lồ.

Cũng được quy hoạch mỗi làng một điểm chôn lấp rác cả đấy nhưng đều đầy ứ hết thành ra phải đốt. Vài lít xăng là cháy đùng đùng. Khói ngùn ngụt lên như đốt đồng. Khói cay xè mắt mũi. Khói bóp thắt từng cuống họng, buồng phổi. 

Ao làng giờ hầu như chẳng cái nào còn tắm được, một số thậm chí bẩn không khác gì nước bể phốt. Đen lờ lờ, sanh sánh dính, nồng nặc mùi khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi.

Phục Lễ tên cổ là làng Lựa. Từ thời quận công Trịnh Quý Công, ông tổ họ Trịnh, trồng gốc tre đầu tiên lập nên bốn giáp của làng tính đến nay đã trên 400 năm. Thầy địa lý phán thế của làng là một con rồng tiền tam giang, hậu ngũ nhạc tức trước mặt có ba nguồn nước, sau lưng dựa vào năm quả núi.

15-29-11_dsc_7972
Giếng mắt rồng ở làng Phục Lễ

 Đến cả con đường chạy qua làng ngày nay vẫn mang tên là đường Rồng. Đông làng và tây làng có hai cái giếng gọi là mắt rồng, nước trong leo lẻo cung cấp nước cả trăm hộ ăn không bao giờ cạn.

Thời dựng làng, cụ quận còn cho đặt hai con chó đá ở đầu thôn để trấn yểm ma tà, quỷ quái, trộm cắp vào làng quấy nhiễu. Năm 1945 cả xứ Bắc, xứ Đông bị dịch tả hoành hành, xác chết đầy đường, đầy chợ mà làng vẫn bình yên vô sự. Người ta bảo đó là do công của đôi chó đá linh thiêng.

Năm 1969, người ta quật lăng cụ quận công ở đầu làng lên vì tưởng có của quý. Sau bao lớp quách bằng bỏng và bằng mật mía được bóc ra, vàng bạc châu báu chẳng thấy đâu mà chỉ thấy xác ướp của cụ bà với mái tóc dài đang nằm như ngủ giữa đủ loại dược liệu tỏa hương thơm ngát. Người làng đưa thi thể bà về nghĩa trang nhân dân để lấy đất khai hoang, làm nhà.

Cách đây mấy năm, một sáng thức dậy người dân Phục Lễ như không tin vào mắt mình nữa khi đôi chó đá cổ trấn ngự ở cổng làng đã bị bứng đi tự lúc nào. Đôi chó đá nặng đến hai ba tạ bị bọn trộm cẩu lên xe ô tô bán mất tăm, mất tích.

Ông Trịnh Văn Chu, một bô lão của làng, bảo tôi rằng đôi chó đá nặng thế, linh thiêng thế còn mất nữa là huống hồ chó thật. Giờ trộm cắp nó chẳng chừa nhà ai. Hễ sểnh ra cái là y như rằng không cánh mà bay, dễ nhất chính là chó.

Dông dài chuyện xóm thôn, cụ Chu buồn cho ao làng chỗ rồng vờn thủy giờ đang ô nhiễm nặng, là chỗ để toàn dân xả rác. Cụ Chu buồn vì làng mình phá băng không còn một nếp nhà cổ để cho các kiến trúc đông tây kim cổ giăng mắc khoe toàn bê tông với cốt thép.

Tủ sách của làng giờ không mấy ai thèm đến đọc, bưu điện văn hóa xã lại càng không mấy ai ra. Xưa phường chèo Xuân Đào nổi tiếng hát đình, hát hội cũng dần mất dấu. Giờ người làng chỉ thích hát karaoke với nhạc xập xình.

Xưa trên con đường lát gạch nghiêng cheo lệ làng đám trẻ bày trò chơi khăng, chơi ô ăn quan, đánh đáo, đá cầu…vui đáo để. Giờ đường bê tông hết, nóng hầm hập, trẻ con chỉ cắm đầu trong các quán điện tử ngoài xã, ngoài thị trấn.

Nỗi sợ ở làng

Chuyện vắt sang một ngôi làng cổ khác có tên gọi là Sơn Dương (Lâm Thao, Phú Thọ). Ông Nguyễn Đình Xán, giáo viên về hưu kể làng mình bao quanh bởi Phùng Nguyên, Sơn Vi, Gò Mun - toàn những di tích cổ tuổi đời hàng ngàn, hàng vạn năm.

Từ thời Hùng Vương làng đã có rồi đến thế kỷ thứ ba thì chữ Hán phát triển rực rỡ ở đây. Dân trong làng hồi đó góp ruộng cấp cho nhà có thầy đồ để nuôi thầy gọi là học điền. Sơn Dương nhiều thầy đồ và rất giỏi nên mới có câu: “Lý làng Hồ, đồ Sơn Dương”.

15-29-11_dscn9687
Một góc của làng

Năm 1955, cũng chính ở làng có ông Nguyễn Xuân Nghinh đứng ra lập trường học tư thục sớm thứ hai của tỉnh, thu hút học sinh của cả sáu huyện phía nam về học.

Năm 1964, giữa cảnh bao cấp đói khổ, bom đạn ngút trời làng có cặp vợ chồng bố bắt lươn, mẹ làm ruộng mà nuôi cả bốn đứa con cùng vào đại học. Tin đó không chỉ chấn động Việt Nam mà lan cả ra thế giới bởi các nhà báo, nhà đài về kìn kìn.

Nhiều làng quê bây giờ nghiện hút nổi lên như rươi. Trộm cắp hoành hành đến mức nồi cám lợn đang rừng rực trên bếp còn bị đổ đi, bê mất, con chó xích trong nhà cũng bị điệu đi, đôi dép rách dựng ngoài hiên cũng bị xách mất.

Kinh tế thị trường, nghiệp giáo dục của Sơn Dương lại càng phát triển mạnh. Làng Mương, tên cổ của Sơn Dương, gồm bốn làng nhỏ như một nắm xôi với trên 5.000 nhân khẩu, đi một tí đã hết nhưng có vài trăm giáo viên dạy học khắp miền Bắc, riêng nhóm giáo viên về hưu có 72 người. Làng có hai ông trung tướng và một lãnh đạo cấp cao của Trung ương.

Nề nếp là thế, truyền thống là thế tưởng như làng có một bức giáp sắt che chắn nhưng vẫn không thể thoát được những tác động xấu từ bên ngoài vào. Thói côn đồ bắt đầu tiêm nhiễm trong một số trai làng.

Trọng án đầu tiên xảy ra ở làng là vụ con cô giáo Nguyễn Thị Tú bị giết thảm. Cô Tú sống đơn thân có nhận nuôi một đứa trẻ mong nương tựa tuổi xế chiều. Hai mẹ con sớm chiều quấn quýt nhau! Một ngày người ta phát hiện một xác người trôi từ cống ủy ban ra. Người thanh niên đó chính là con cô Tú. Nó bị hãm hại, giết hại dã man rồi nhét vào cống hòng phi tang.

Vụ trọng án đó còn chưa lắng hết dư âm thì một trọng án khác lại xảy ra mà mức độ còn tăng gấp bội. Vì một mâu thuẫn cỏn con, đám trai làng hẹn với đám trai làng khác ở cánh đồng với côn, gậy, dao lăm lăm trong tay.

Tiếng hò hét man rợ. Cả một vạt ruộng bị quần nát để lại trên đó hai cái xác bất động và hai thân thể đang quằn quại trong vũng máu. Giờ kẻ gây tội đã bóc lịch trong tù còn người chết đã vùi sâu dưới ba tấc đất mà nỗi đau vẫn âm ỉ, rỉ máu làng trên xóm dưới.

Tôi cùng ông Xán đến thăm nhà cô giáo Tú. Nhà không người. Người đàn bà vào những năm tháng cuối đời này vẫn không nguôi ngoai cơn đau lá xanh rụng trước lá vàng, đầu xanh đi trước đầu bạc.

Ông Xán lắc đầu bảo tôi rằng giáo dục một con người cần ba yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội. Thiếu một trong ba thứ đó tệ nạn nảy sinh là điều hiển nhiên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

21 lưu học sinh nhận bằng cử nhân tại Trường Đại học Cửu Long

21 lưu học sinh Lào và Campuchia tốt nghiệp hệ đại học chính quy niên khóa 2020 - 2024, vừa được trao bằng cử nhân tại Trường Đại học Cửu Long sáng 29/3.

Bình luận mới nhất