| Hotline: 0983.970.780

Lo lắng thủy điện phát triển ào ạt

Thứ Sáu 15/11/2013 , 10:10 (GMT+7)

Việc phát triển thủy điện là yêu cầu của xã hội khi Việt Nam đang cần lượng điện năng lớn cho phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực của thủy điện thì việc đầu tư, xây dựng và phát triển thủy điện trong thời gian qua đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập...

Bà Ly Kiều Vân là Bí thư Huyện ủy Đakrông - ĐBQH tỉnh Quảng Trị -thành viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã có bài phát biểu về việc rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện - vận hành khai thác các công trình thủy điện và đã chỉ ra những bất cập về vấn đề này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Báo NNVN đăng ý kiến của bà Ly Kiều Vân.


Đại biểu Ly Kiều Vân

Gây bức xúc cho dân

Thủy điện ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế xã hội. Việc phát triển thủy điện là yêu cầu của xã hội khi Việt Nam đang cần lượng điện năng lớn cho phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực của thủy điện thì việc đầu tư, xây dựng và phát triển thủy điện trong thời gian qua đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ đã phát sinh nhiều hạn chế bất cập chưa theo quy hoạch, lộ trình và chưa được kiểm soát chặt chẽ, số lượng thủy điện nhỏ khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.

Tình trạng sau khi phê duyệt dự án thủy điện, nhiều chủ đầu tư đã không thực hiện đúng cam kết về bảo đảm an toàn hồ đập, xử lý sự cố môi trường, trồng rừng thay thế. Chính vì việc kiểm soát chưa chặt chẽ nên việc phát triển thủy điện đã ảnh hưởng lớn đến môi trường, mất an toàn cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, đời sống của người dân khu tái định cư nơi có thủy điện còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tôi và một số đại biểu Quốc hội rất quan tâm và lo lắng việc phát triển ào ạt các công trình thủy điện trong thời gian qua đã gây nhiều bức xúc cho người dân, đặc biệt là việc xả lũ. Quy hoạch thủy điện phải đặt mục tiêu tổng hợp đó là phải cung cấp điện cho quốc gia, tiếp đến ngăn lũ trong mùa mưa và cung ứng nước trong mùa khô.

Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra không đạt được như mong muốn. Việc vận hành hồ chưa có quy trình nhưng quy trình đó đúng hay sai, ai thẩm định, thì chưa rõ. Thực tế cho thấy, việc xả lũ của các hồ thủy điện trong các cơn lũ vừa qua đã làm thiệt hại rất lớn cho người dân.

Ban quản lý vận hành công trình thủy điện cho rằng họ đã thực hiện đúng quy trình và làm hết trách nhiệm, còn việc xả lũ gây ngập lụt, thiệt hại thì người dân phải chịu. Vấn đề này cần phải được làm rõ để người dân nơi có công trình thủy điện cũng như vùng hạ du thật sự yên tâm khi mưa lũ đến hàng năm.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã loại bỏ 424 dự án, không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát đánh giá 158 dự án, đã gây thất thoát lãng phí. Điều đáng nói là có khoảng 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại khỏi quy hoạch.

Việc đưa ra khỏi quy hoạch theo báo cáo chỉ vì 3 lý do: (1) mức độ khả thi thấp; (2) không bảo đảm hiệu quả đầu tư; (3) có tác động xấu đến môi trường và kinh tế xã hội.

Rõ ràng, việc để xảy ra tình trạng loại bỏ và tạm dừng các dự án thủy điện là do quy hoạch, người lập, thẩm định và phê duyệt cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư.

Người đầu tư và người duyệt đều dễ dãi cùng với sự nới lỏng trong cấp phép đầu tư đã dẫn đến các công trình manh mún, hay khi xây dựng xong đưa vào vận hành thì công trình có vấn đề. Tôi cho rằng nguyên nhân thì nhiều nhưng dù là nguyên nhân nào đi nữa cũng đều do trách nhiệm cá nhân và tổ chức liên quan đến thực hiện dự án thủy điện.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa đi sâu phân tích làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến vấn đề này. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm?

Tránh bị lợi dụng khai thác rừng và khoáng sản trái phép

Về trồng rừng thay thế và thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng. Tiêu chí khi thực hiện công trình thủy điện phải trồng lại rừng nhưng tiêu chí này không đạt được? Thực tế cho thấy, một số dự án thủy điện đã lợi dụng làm thủy điện để khai thác rừng và khoáng sản trái phép, điều quan trọng hơn là phần lớn nhiều địa phương lấy đất đâu để trồng lại rừng?


Thủy điện Đakrông 3 tại Quảng Trị bị vỡ khi chưa hoàn thành

Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư chưa được xác định rõ. Dẫn đến tình trạng làm cũng được không làm cũng không ai bị xử lý. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa làm rõ diện tích trồng rừng cũng như chất lượng trồng rừng thay thế hiện nay đạt được bao nhiêu phần trăm? Để từ đó có biện pháp khắc phục.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư các dự án, công trình thủy điện: Chủ trương, yêu cầu đặt ra phải đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ nhưng thực tế cho thấy, việc xây dựng các điểm tái định cư chưa đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng kém, đất sản xuất và nước sinh hoạt còn thiếu, người dân ở các điểm tái định cư chủ yếu là dân tộc thiểu số an ninh lương thực của phần lớn các hộ dân nơi đây bị đe dọa, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này còn cao.

Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các dự án thủy điện như sau:

1. Cần quan tâm giải quyết tốt hơn vấn đề sinh kế cho người dân tái định cư. Để khắc phục tình trạng này, thì trước khi thu hồi đất phải xây dựng phương án tái định canh định cư trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt rồi mới triển khai thực hiện dự án. Tránh tình trạng thủy điện đã đi vào hoạt động nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành, gây bức xúc cho người dân.

Đồng thời phải xây dựng chương trình dài hạn, trong đó cần đa dạng hóa và phát huy mọi nguồn lực, chú trọng việc tạo công ăn việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng nghiệp và tạo nghề mới để người dân có cuộc sống ổn định. vấn đề di dân tái định cư cũng cần được xem xét lại một cách nghiêm túc. Việc thu hồi đất sản xuất của người dân để phục vụ cho các dự án nói chung và các dự án thủy điện nói riêng phải tính toán đến sinh kế của người dân, phải đảm bảo người bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

Lợi ích của ngành điện phải được thể hiện rõ hơn trong việc nâng cao đời sống cộng đồng của các vùng dự án.

2. Khai thác sử dụng có hiệu quả mặt nước hồ chứa thủy điện, tạo điều kiện cho nhân dân sống quanh lòng hồ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Do việc tổ chức quản lý và lập kế hoạch đầu tư, khai thác phục vụ các ngành thủy sản, du lịch, dịch vụ giải trí của các hồ thủy điện chưa được chú trọng nên hiệu quả sử dụng mặt nước các hồ chứa thủy điện trong thực tế còn rất hạn chế. Nếu khai thác, sử dụng tốt mặt nước hồ chứa, đời sống của nhân dân khu vực quanh hồ chứa sẽ có điều kiện để cải thiện, nâng cao hơn.

3. Tăng cường bảo vệ môi trường tự nhiên và giảm lũ hạ lưu. Cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật có liên quan và văn bản cam kết trong đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện. Tăng cường giám sát việc thu dọn lòng hồ trước khi tích nước với sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp, các nhà khoa học để nâng cao trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư. Chấm dứt tình trạng chủ đầu tư tích nước khi chưa có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tăng cường trồng rừng khu vực thực hiện dự án: Cần có kế hoạch dài hạn để phục hồi và trồng rừng phòng hộ quanh các hồ chứa này để bảo vệ đất, chống xói mòn, giảm đỉnh lũ và bùn cát về hồ.

4. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện. Nghị định số 83/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chỉ góp ý kiến về thiết kế cơ sở của dự án. Như vậy, chủ đầu tư dự án có thể không tuân thủ hoàn toàn các yêu cầu đảm bảo an toàn công trình của cơ quan quản lý nhà nước nhằm để tiết kiệm chi phí. Do vậy, Chính phủ cần nghiên cứu quy định rõ hơn về vấn đề này.

Trong quy trình vận hành liên hồ chứa cần quy định cụ thể việc phối hợp chỉ đạo, thực hiện nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu ích tổng hợp của hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông. Các công trình thủy điện hiện nay thường chỉ chú trọng tới hiệu quả về phát điện và lợi nhuận của đầu ra, chưa đưa yêu cầu phòng lũ cho hạ du như là một trong những nhiệm vụ chính của công trình.

Đề nghị cần nghiên cứu, ban hành qui định bắt buộc về dung tích phòng lũ cho hạ lưu đối với các dự án thủy điện. Đồng thời giám sát việc thực hiện qui trình vận hành hồ chứa thủy điện một cách khoa học và thích hợp.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.