| Hotline: 0983.970.780

Lò rèn cuối cùng ở Sài Gòn

Thứ Sáu 09/11/2012 , 14:31 (GMT+7)

Giữa thành phố công nghiệp hiện đại như Sài Gòn, mọi thứ đều có thể sản xuất hàng loạt bằng máy móc, một lò rèn thủ công vẫn tồn tại, từ 30 năm qua.

“Chát”, “cụp”… “Chát”, “cụp”… Những âm thanh nghe khô khốc, nặng chịch, như chiếc búa tạ trên tay người thợ rèn cần mẫn nâng lên cao, đập xuống thanh sắt nung đỏ rực bên dưới. Giữa thành phố công nghiệp hiện đại như Sài Gòn, mọi thứ đều có thể sản xuất hàng loạt bằng máy móc, một lò rèn thủ công vẫn tồn tại, từ 30 năm qua.

"TÔI ĐÃ KHÓC NHƯ ĐỨA TRẺ…"

Cái lò rèn ấy nằm trong một căn nhà cấp 4 nhỏ xíu đã in dấu thời gian, bên hông chợ Nhật Tảo cũ ở phường 4, quận 10, TP HCM. Chủ nhân là ông Lê Văn Châu (Mười Châu), năm nay đã ngoại lục tuần, cùng người phụ nữ đồng hành với ông mấy chục năm nay, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Tôi đến lò rèn Mười Châu giữa lúc ông chủ lò đang ngồi một mình trong nhà, trước mặt là ly cà phê đã gần cạn, cặp mắt dõi theo dòng người, xe đang hối hả qua lại ngoài cửa. Ông Châu cởi trần, để lộ làn da bánh mật, đôi cánh tay gân guốc, rắn chắc. Bên cạnh ông, bễ lò rèn nguội lạnh. Thấy tôi đến, ông mừng quýnh, nói một lèo: “Vào nhà đi chú, chú muốn đặt món gì? Mấy bữa nay hổng có ai tới, không có việc làm, vừa đói vừa buồn”.


Vợ chồng thợ rèn Châu - Nguyệt  phối hợp nhịp nhàng

Nghe ông nói, tôi không khỏi ái ngại nên bảo: “Chú làm giúp cháu một cặp kéo cắt tôn xài thử, nếu tốt cháu giới thiệu khách dùm chú. Nhưng cháu thấy bây giờ ít ai còn sống được bằng nghề này, sao chú không tìm việc khác làm?”.

Nghe tôi nói, ông Châu trầm ngâm một lát rồi đáp: “Cả đời tui đã gắn bó với cái lò rèn này, giờ không nỡ xa nó, mặc dù thường xuyên “tro tàn, bếp nguội”. Một lần tui đã khóc như trẻ con khi mơ thấy tui dẹp lò, mang đồ nghề ra bán ve chai”.

Ông Châu đứng lên nhóm bếp lò để rèn cặp kéo tôi vừa đặt, vừa cám cảnh than: “Nghĩ đến câu ông bà xưa nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, thấy hổng đúng với tui. Cả đời tui chỉ biết nghề này, mà hồi đó, lò rèn Mười Châu vang danh thiên hạ chứ đâu phải xoàng. Vậy mà vẫn cứ nghèo”.

Nói đến cơ duyên với nghề thợ rèn, ông Châu kể: “Gia đình tui đông anh em lắm, tui thứ 10, chứ chưa phải út nha. Nhà nghèo nên cũng chẳng được học hành đến nơi đến chốn như người ta. Lớn lên làm đủ thứ nghề, nghề nào cũng tạm bợ. Đến năm 1982, tui lập gia đình. May nhờ ba vợ có lò rèn nên truyền nghề cho. Một năm sau thì vợ chồng tui ra riêng với cái “cần câu cơm” này (ông Châu chỉ lò rèn) đến hôm nay. Chắc cũng sắp hết “cá” cho tôi câu rồi”, nói xong ông cười.

Có lẽ, ông cười vì câu ví von dí dỏm của mình? Tôi im lặng quan sát căn nhà, cũng là lò rèn của vợ chồng ông Châu. Quả thật, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá.

"Những năm còn bao cấp, tôi làm rất nhiều mặt hàng, từ lưỡi cày, cuốc đến dao, kéo, kềm, búa… tôi phải làm ngày làm đêm mới kịp để giao hàng cho khách. Sản phẩm của tôi có mặt ở khắp nơi, từ nội thành đến các vùng nông thôn ngoại thành. Rồi lan sang cả các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Long An", ông Châu hồi tưởng.

“Hồi đó lò rèn rất nhiều, chú làm sao để đắt khách?”, tôi hỏi. “Đúng. Những năm 80, Sài Gòn có cả 4 - 5 chục lò rèn chứ chẳng ít. Nhưng tui là một trong số những thợ rèn đông khách nhất, vì tui có bí quyết làm riêng để sản phẩm bền chắc. Một con dao ban đầu bản rộng 4 phân, người ta mua về dùng mấy chục năm, đến khi nó mòn một nửa mà vẫn xài tốt”, ông Châu đáp.


Mỗi lần lò đỏ lửa, ông Châu mừng lắm

Tôi hỏi: “Giờ lò rèn có đủ trang trải không chú?”. Ông Châu không trả lời mà lấy ra một con dao nặng chịch và một cây kềm gắp đưa cho tôi xem rồi hỏi lại: “Một món như vậy tôi nhận của khách 50 ngàn, chưa trừ tiền vật liệu, chất đốt, một ngày 2 vợ chồng tui có thể làm được khoảng 5 - 6 cái. Như vậy có đủ sống không? Mà đâu phải ngày nào cũng có hàng làm đâu, có khi tuần đỏ lửa được đôi lần”.

LIỆU MAI NÀY, "CHÁT", "CỤP" CÓ CÒN?

Chúng tôi đang nói chuyện thì một người phụ nữ luống tuổi bước vào. Ông Châu bảo: “Vợ sau của tui đó, bả tên Nguyệt. Hổm rày vắng khách, bả rầu quá nên qua bên nhà con gái chơi thăm cháu ngoại. Hồi đó, khi vợ chồng tui có đứa con gái đầu lòng thì “cơm không lành” rồi “đứt gánh” giữa chừng. Bả nhỏ hơn tui 9 tuổi”.

Hơn 20 năm gắn bó, họ có với nhau 2 người con. Bà Nguyệt đã làm ông Châu hạnh phúc thật sự, bởi bà không chỉ làm tốt vai trò người vợ mà đôi tay người phụ nữ này còn có thể “quai” búa giỏi không thua gì chồng!

Nói về những ngày sắp tới, bà Nguyệt ưu tư: “Ngày càng có nhiều máy móc hiện đại, đồ đạc ngày xưa phải làm thủ công thì bây giờ máy làm rẹt cái là ra hàng loạt. Cho nên, không biết cái lò này còn “sống” được bao lâu nữa. Nghĩ tội ổng, lúc đó chắc ổng buồn lắm”.


Ngày càng ít sản phẩm để ông mang ra khoe như thế này

Nhưng rồi, bà lại nói như để an ủi chồng và cả chính mình: “Nói vậy thôi chứ cũng có những món hàng mà máy không thể làm. Nếu cái gì máy cũng làm được thì mình đâu còn khách tới giờ. Cho nên, còn thương nghề là còn lay lắt sống được”.

Bà Nguyệt cho biết, ngày xưa có không ít người từ Tây Ninh, Lâm Đồng tìm gặp ông Châu xin học nghề rèn. Và bây giờ học vẫn đang kiếm sống được. Rải rác dọc QL 22 đi Tây Ninh vẫn còn những cửa hàng chuyên bán các dụng cụ bằng thép rèn thủ công.

Đang vừa làm vừa nói chuyện, chợt ông Châu ngừng tay bảo: “Trưa rồi, chú ở lại ăn cơm với vợ chồng tôi. Hai đứa nhỏ đi học xa nên nhà chỉ có 2 ông bà già, may có hàng xóm chứ không buồn lắm. Nói chuyện nãy giờ, tôi biết chú là phóng viên chứ không phải người đến đặt hàng. Cho nên chú không phải mua hàng đâu. Mua về không làm gì, để lâu nó rỉ sét, uổng lắm”.

"Nghề này không thể “chết” được. Có điều, rất nhiều sản phẩm của mình đã bị máy móc cướp mất nên sẽ khó khăn hơn. Nhưng dù thế nào thì tôi cũng sẽ không bỏ. Tôi chỉ ước có một số vốn đầu tư để mở rộng cơ sở. Duy trì việc sản xuất những sản phẩm truyền thống”, ông Châu tâm sự.

Câu nói của ông làm tôi vừa nể vừa ngượng vì bị “lật tẩy”. Bất chợt có tiếng một phụ nữ réo ngoài đường: “Chú Mười có khách hả? Ông xã con nói chú qua lấy xị rượu thuốc về lai rai, có mồi luôn”. Ông Châu “ờ, ờ” đáp lời rồi nhắc lại tôi: “Ở lại nghen, tui qua bển kêu mấy đứa qua chơi luôn cho vui”. Trước khi đến đây, tôi đã có kế hoạch cho buổi chiều, nhưng trước lời mời thiệt tình của ông Châu, tôi đồng ý.

Và, quyết định ở lại của tôi đã đúng. Tiếp xúc với những người hàng xóm của ông Châu, tôi mới biết, vợ chồng ông rất được lòng mọi người. “Lò rèn của ổng có mấy chục năm nay, tụi tôi ở đây từ đó đến giờ, nghe tiếng đe, búa quen tai rồi. Ngày nào thấy bên đó im re là mọi người lại sang hỏi thăm. Ổng bả tốt bụng lắm. Ai cần mài dao kéo, mang qua là ổng làm không lấy tiền. Ai muốn mượn đồ xài cứ qua lấy. Ngày xưa, hàng làm nhiều, nhưng đến giờ ăn trưa, nghỉ tối là ổng tắt lò, ngưng búa, không phiền lòng mọi người”, bà Nguyễn Thị Hương, người đã “sống chung” với tiếng búa lò rèn Mười Châu từ những ngày đầu, nói.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.