| Hotline: 0983.970.780

Lo sâu keo mùa thu hại ngô đông

Thứ Sáu 16/08/2019 , 13:05 (GMT+7)

Mặc dù vụ Đông luôn gặp nhiều rủi ro do mưa bão, ngập úng, nhưng đã trở thành vụ sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân.

02-47-20_dsc_2090
Đánh giá mô hình sản xuất thử giống ngô biến đổi gen NK6101 B/GT vụ Đông 2018 trên đất 2 lúa tại Diễn Tân, Diễn Châu.

Tại Nghệ An, nhiều huyện đã phát triển các cây trồng theo hướng lợi thế đặc thù của vùng gắn với thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào giá trị sản xuất nông nghiệp.

Kế hoạch vụ đông 2019, toàn tỉnh gieo trồng 37.780 ha cây trồng, trong đó ngô là cây trồng chính với 22.000 ha. Tuy khó khăn nhiều mặt về điều kiện khí hậu, dịch hại nhưng Nghệ An cũng có nhiều thuận lợi trong sản xuất ngô. Ngoài sản xuất ngô lấy hạt, sản xuất ngô lấy cây cung cấp nguyên liệu cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn như TH True milk, Vinamilk… đã trở thành hướng đi mới.

Vụ Đông 2018 toàn tỉnh đã sản xuất 4.097 ha ngô sinh khối. Nhiều mô hình trồng ngô sinh khối bằng giống NK7328 liên kết đầu ra với trang trại TH True milk có hiệu quả kinh tế cao như các xã Diễn Hoàng, Diễn Hùng, Diễn Lâm, Diễn Trung của huyện Diễn Châu (500 ha); Quang Thành, Hùng Thành, Minh Thành… của huyện Yên Thành (85 ha); Nghĩa Thịnh, Nghĩa Khánh, Nghĩa Hưng… của huyện Nghĩa Đàn (800 ha), giúp nông dân thu lãi từ 15-30 triệu đồng/ha.

Mục tiêu vụ Đông 2019 toàn tỉnh phấn gieo trồng 5.000 ha ngô sinh khối, tập trung vào các giống sinh khối lớn chủ lực nhiều như NK7328, NK4300...

Những tháng đầu năm 2019 là thời gian khó khăn toàn diện với sản xuất nông nghiệp Nghệ An nói riêng và Bắc Trung Bộ nói chung. Nắng nóng khốc liệt kéo dài đã gây thiệt hại nghiêm trọng nhiều diện tích cây trồng tại Nghệ An như chè, lúa, ngô, cam và các loại cây hoa màu khác.

Vừa qua, hơn 500 ha cam tại huyện Quỳ Hợp phải chặt bỏ vì hạn hán và dịch hại, hàng nghìn héc ta chè tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương chết khô do nắng hạn. Hiện tại, hơn 1.200 ha ngô đang bị sâu keo mùa thu (SKMT) gây hại. Nắng nóng cũng khiến hàng nghìn hecta lúa Hè Thu tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu thiệt hại năng suất từ 10-70% do không kết hạt được.

Vụ Đông 2019 được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cũng như người dân dự đoán sẽ không ít khó khăn, thách thức. Đặc biệt dịch SKMT đang gây hại trên các diện tích ngô Thu Đông tại các huyện Diễn Châu, Nghĩa Đàn… và nguy cơ sẽ tiếp diễn liên tục trong thời gian tới. Hiện chưa có biện pháp phòng trừ nào hiệu quả cao với đối tượng dịch hại mới này.

Các biện pháp hóa học BVTV hiệu quả thấp và chi phí cao, giống ngô biến đổi gen (BĐG) hiện tại chưa có giống nào đăng ký kháng SKMT. Thực tế sản xuất cho thấy các giống BĐG hiện tại đều chỉ mang tính chống chịu, kháng yếu.

Có một thực tế đáng lo ngại đối với SKMT là nếu trong một khu vực trồng chủ yếu ngô BĐG thì ngô BĐG cũng bị gây hại. Nếu tỷ lệ diện tích BĐG tương đương diện tích ngô thường thì toàn bộ diện tích ngô thường có thể bị mất trắng. 

Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Vụ Đông là vụ sản xuất quan trọng với nông nghiệp của tỉnh và trở thành vụ sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cho nông dân trong nhiều năm qua. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông sản phù hợp với lợi thế của vùng và phải gắn với thị trường tiêu thụ. Thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ nhằm né tránh thiên tai, dịch hại, theo dõi sát diễn biến thời tiết, các loại dịch hại, đặc biệt là đối tượng SKMT.

Ngoài chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, các huyện cũng cần có các chính sách hỗ trợ nông dân trong phát triển cây trồng vụ Đông. Xây dựng, chuyển giao các mô hình mang lại hiệu quả, liên kết sản xuất và tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất...

Việc quy hoạch sản xuất phải đảm bảo tỷ lệ phù hợp giữa ngô thường và ngô BĐG để hạn chế tối đa thiệt hại cũng như nguy cơ hình thành tính kháng của SKMT đối với các sự kiện BĐG đã được cấp phép tại Việt Nam. Đồng thời cần khẩn trương khảo nghiệm, đánh giá, cấp phép các giống BĐG kháng được SKMT để kịp thời ứng phó đối tượng dịch hại này.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất