| Hotline: 0983.970.780

Lộ Vòng Cung nay đã dễ về

Thứ Năm 01/05/2014 , 07:15 (GMT+7)

Lộ Vòng Cung đã từng là vùng trắng, “túi hứng bom đạn của Mỹ” nổi tiếng cả vùng Tây Nam bộ. Nhưng nay, miền đất này đã thay da đổi thịt, trở thành vành đai xanh du lịch.

"Vòng Cung đi dễ khó về

Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom"

Thấm thoát 39 năm trôi qua, mỗi ngày đi qua Lộ Vòng Cung (LVC) lịch sử là một ngày nhận ra nét mới. Nhà cửa khang trang, con đường hình “cánh cung” thơ mộng uốn mình theo dòng sông Cần Thơ hiền hòa dẫn về Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền - định danh miệt vườn trù phú, hào sảng đang mở cửa đón khách du lịch bốn phương khi Phong Điền là nơi duy nhất ở Cần Thơ được quy hoạch “đô thị - sinh thái”. Người ta nói đó là chiếc chìa khóa mới mở rộng cánh cửa vào LVC.

Du lịch miệt vườn

Ông Năm Liền (Trần Văn Liền, 55 tuổi) khai trương vườn trái cây Vàm Xáng ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền (Cần Thơ) đã một năm rồi. Khách từ ngoài Bắc vào đây dạo chơi, thưởng thức đồ ăn, trái cây… do vườn Năm Liền cung cấp dịch vụ theo kiểu nhà vườn làm du lịch.

Du lịch nông nghiệp được hiểu và làm theo kiểu miệt vườn, ông Năm Liền cho hay đã đầu tư vào khu vườn trái cây này hơn một tỷ đồng cơi nới nhà bếp, xây mới nhà vệ sinh, chỉnh sửa cây cối tạo sinh cảnh: từ hàng cau Tầm Dung tới cây cầu tràm bắt qua mương nhỏ hay chiếc cầu khỉ bắc qua ao nhà, đống rơm, bồ đập lúa... tất cả nhằm tái tạo hình ảnh miền quê bình dị, mộc mạc, đơn sơ như chưa từng có làn sóng điện máy nào tràn qua đây.

Mở cửa làm du lịch là cách định dạng cuộc mưu sinh của những nhà vườn. Ông Năm Liền là lớp tiên phong hướng tới cách SX kinh doanh thông qua kết nối với những nhà SX theo chuỗi cung cấp bánh ngon, trái ngọt, vật liệu để chế biến thành những món ngon tự nhiên, đi từ vườn này sang nhà khác...

Đường LVC láng nhựa, cầu bê-tông đã thay hết những cây cầu sắt cũ kĩ, chật hẹp. Đại lộ Nguyễn Văn Cừ rộng 4 làn xe chạy thẳng tắp từ trung tâm thành phố tới xã nông thôn mới Mỹ Khánh - nơi 17 hộ nhà vườn đang làm du lịch cộng đồng. Nói nôm na là chia sẻ suy nghĩ, tạo việc làm cho cộng đồng và cùng đón du khách tới Phong Điền, nhập cuộc và khám phá cuộc sống đậm nét văn hóa miệt vườn của Phong Điền.

15-53-09_nh-nm-lien-v-vuon-du-h-chu-nh-hd
Ông Năm Liền và vườn dâu Hạ Châu

Mỗi ngày khách du lịch Tây, ta theo tàu du lịch trên sông hay đi xe ô tô nối “tour” qua các điểm du lịch nhà vườn, tham quan chợ nổi trên sông, làng nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử - nét văn hóa độc đáo của vùng sông nước miệt vườn.

Tuyến Lộ Vòng Cung (LVC) dài gần 30 km, nối Quốc lộ 1A tại bờ Bắc cầu Cái Răng - quận Ninh Kiều đi qua các xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Tân thới, Giai Xuân thuộc huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Địa danh một thời nổi tiếng gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Cần Thơ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt sau Tết Mậu Thân (1968) giặc càn quét, dùng hỏa lực mạnh tấn công vào các khu dân cư trong LVC làm thiệt mạng nhiều người dân vô tội.

Cũng chính nơi đây máy bay B52 của giặc ném bom và rải chất độc hóa học. LVC trở thành vùng trắng, “túi hứng bom đạn của Mỹ” nổi tiếng cả vùng Tây Nam bộ.

Vào cuối tháng 4/2013, sau 38 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, UBND TP. Cần Thơ tổ chức lễ công bố LVC trở thành Di tích lịch sử Quốc gia.

Đường LVC hôm nay trở thành vành đai xanh du lịch của thành phố với hơn 20 điểm du lịch lớn, nhỏ như: Làng du lịch Mỹ Khánh, vườn du lịch Giáo Dương, Vườn Mai, vườn trái cây Vàm Xáng… hay về tới Phong Điền - vùng đất gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Cần Thơ qua hàng trăm năm, lưu dấu nhiều danh thắng, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: LVC, Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, Di tích lịch sử - văn hóa chiến thắng Ông Hào, Di chỉ Óc Eo Bưng Đá Nổi - Lung Cột Cầu, khu di tích văn hóa Giàn Gừa.

Mỗi điểm đến vẫn còn ghi đậm dấu ấn lịch sử, gắn liền với những câu chuyện hấp dẫn, những giai thoại ly kỳ.

Đô thị sinh thái

Cuối tháng 4 vào hè, dâu Hạ Châu vào mùa. Trái chín vàng ươm như ướp mật, kết thành những xâu chuỗi ngọc treo đầy cành. Loại trái cây đặc sản này cùng với các giống cam mật, cam sành, quýt, bưởi, măng cụt, vú sữa, sầu riêng... tạo nên hương sắc Phong Điền trái ngon bốn mùa.

Không giống kiểu làm du lịch cộng đồng, ông Lê Văn Sang, chủ “làng” Du lịch Mỹ Khánh, một kiểu phát triển du lịch khép kín, cho biết, gia đình có 8 ha trồng các loại cây ăn trái nên ông nảy sinh ý tưởng và sau khi đi tham quan học hỏi các mô hình du lịch sinh thái vườn ở các tỉnh lân cận, trở về ông cải tạo và lập nên Vườn trái cây Mỹ Khánh như ngày nay. Đây là khu du lịch vào cửa thu tiền sớm nhất ở Cần Thơ.

Theo anh Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Phong Điền, Phong Điền định hướng phát triển trở thành đô thị sinh thái lâu dài, bền vững. Huyện có trên 10.500 ha đất SXNN, với 3.800 ha đất lúa, còn lại 6.700 ha vườn cây ăn trái, sản lượng bình quân trên 60.000 tấn/năm.

Nhưng do quy mô đất SXNN nhỏ, mỗi lao động nông nghiệp canh tác chỉ khoảng 0,26 ha nên dù áp dụng tốt các mô hình SX lúa, vườn chuyên canh, VAC, xây dựng vườn cây ăn trái chuyên canh tập trung, quy mô diện tích từ hàng chục tới hàng trăm ha như: Vú sữa ở xã Giai Xuân; vườn dâu Hạ Châu ở xã Nhơn Ái; vườn nhãn ở xã Trường Long, thị tứ Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa… nhưng thu nhập vẫn bấp bênh và thị trường vẫn là thách thức lớn.

Định dạng cuộc mưu sinh

Dựa vào năng lực nông hộ, học hỏi cách làm mới và liên kết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để thắt chặt mạng lưới những điểm dừng cho du khách, ông Năm Liền (vườn trái cây Vàm Xáng), anh Cảnh (lò bánh hỏi mặt võng Út Dzách), ông Vũ Bình, chị Thơm… đều là những nhà vườn chịu thương, chịu khó ở huyện Phong Điền.

Anh Cảnh thuộc lớp trẻ nhiệt tình muốn làm vườn du lịch. Anh tham dự nhiều lớp hướng dẫn, hội thảo du lịch cộng đồng. Nghề mới đòi hỏi ý tưởng sáng tạo hơn nhiều so với những gì đã nghĩ ra, anh Cảnh hiểu như vậy.

Trong các ngành nghề phổ biến ở Phong Điền, có thể thống kê: Làm vườn, làm ruộng, chăn nuôi, mua bán nhỏ, nghề làm bánh, nghề mộc, đờn ca tài tử, chạy đò, thợ may, nấu rượu, mua bán thương hồ… Nếu xếp những nghề này theo chuỗi công việc, định dạng lại cuộc mưu sinh thì tất cả đều có thể liên kết, tích hợp những cơ hội… nhưng thực tế mạnh ai nấy làm khiến khả năng tích hợp nguồn lực, giải pháp rất kém.

Anh Cảnh thừa nhận thực tế này: Nguồn thu huê lợi hơn 1,2 ha vườn dâu nếu trúng giá có hơn 100 triệu đồng/năm, nhưng thất giá còn chừng 40 triệu. Làm du lịch nhà vườn, tạo một điểm dừng chân ngắn hạn, làm sao du khách có thể hái trái cây, tát mương bắt cá, thưởng thức đặc sản miệt vườn… là mong muốn của cả nhà tôi.

Tạo lò bánh hỏi mặt võng tên Út Dzách, mẹ anh Cảnh đã truyền cho các con và vợ chồng anh Cảnh có thể nấu những món ngon không đâu có được như bánh hỏi kim tiền, bánh lá xếp, bánh lá mít và món cháo “Thương Yêu” từng là tuyệt chiêu giữ khách của ông nội anh Cảnh. Món cháo trắng, đồ lòng xào với giá, rau thơm với huyết hậu cùng câu chuyện thời xưa ở điểm đến này, ở ngôi làng nhỏ rợp bóng mát trong mùa hè oi bức. Làm sao không tới đó một lần?

Nhiều người đã tới đó nhiều lần và họ chưa biết chán là gì.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất