| Hotline: 0983.970.780

Lo vụ tôm mới

Thứ Hai 19/01/2015 , 07:42 (GMT+7)

Bước vào vụ 2015, người nuôi tôm ở Bình Định phải đối mặt với bệnh đốm trắng đang có chiều hướng gia tăng. 

Nếu không tuân thủ những khuyến cáo của ngành chức năng, có thể mất “cả chì lẫn chài”...

Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định, năm nay tỉnh này sẽ triển khai thả nuôi 2.200 ha diện tích ao tôm. Trong đó, có khoảng 520 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), số còn lại là nuôi tôm sú xen với các loại thủy sản khác.

Theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh ban hành, vụ nuôi tôm đầu năm 2015 sẽ chính thức thả giống vào đầu tháng 2 dương lịch. Từ ngày 1/2, các vùng nuôi tôm trên cát ở các xã Cát Hải, Cát Khánh (Phù Cát); Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức, Mỹ Thành (Phù Mỹ) sẽ bắt đầu thả giống.

Với các vùng nuôi cao triều, cơ sở hạ tầng nuôi tốt gồm các xã khu Đông huyện Hoài Nhơn như Hoài Mỹ, Hoài Hải, Hoài Hương, Tam Quan Nam, Tam Quan, Tam Quan Bắc, Hoài Châu Bắc; khu vực nuôi tôm thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) sẽ bắt đầu thả giống từ ngày 15/2.

Đối với vùng trung hạ triều, điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, thời gian thả giống bắt đầu từ 1/3; những diện tích này sẽ nuôi tôm sú hoặc TTCT xen cá, cua… theo phương thức đánh tỉa, thả bù.

Để hạn chế dịch bệnh nhằm an toàn cho vụ nuôi mới, ngay từ đầu tháng 1, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn lịch thời vụ nuôi tôm, cải tạo hồ nuôi, chuẩn bị nguồn tôm giống…

Chi cục Nuôi trồng thủy sản cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra tôm giống tại các đơn vị SX trên địa bàn, yêu cầu chủ cơ sở phải kiểm dịch tôm giống nghiêm ngặt trước khi xuất bán; khuyến cáo người nuôi nên chọn mua con giống chất lượng tốt tại các cơ sở SX tôm giống có uy tín.

“Về mật độ nuôi, tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, điều chỉnh phù hợp và nằm trong khung mật độ hướng dẫn của lịch thời vụ. Trước khi thả nuôi thương phẩm, nên ương tôm từ 20 - 30 ngày. TTCT ương từ cỡ giống P12; tôm sú ương từ cỡ giống P15.
Theo dõi chặt kết quả phân tích mẫu quan trắc môi trường tại từng vùng nuôi để có sự điều chỉnh về kỹ thuật nuôi cần thiết. Hiện nay, bệnh chết sớm trên tôm có chiều hướng giảm nhưng bệnh đốm trắng lại có xu thế gia tăng, người nuôi cần lưu ý và có giải pháp đề phòng dịch bệnh xảy ra”, ông Võ Đình Tâm.

Đồng thời tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh các loại vật tư thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở SXKD không đảm bảo chất lượng.

Lịch thời vụ đưa ra là vậy, nhưng vẫn còn nhiều hộ nuôi không tuân thủ, “xé rào” thả giống sớm. “Nguyên nhân người nuôi thả giống sớm là để có thu hoạch sớm, bán tôm được giá cao hơn”, ông Tâm giải thích.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu người nuôi không tuân thủ đúng lịch thời vụ, thả tôm sớm thường xảy ra dịch bệnh do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi.

Một mối lo khác Bình Định đang phải đối mặt là việc phát triển nuôi TTCT tự phát tại một số địa phương. Nếu vấn đề này không được quản lý tốt sẽ phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường khiến bùng phát dịch bệnh.

Ông Võ Đình Tâm cho biết, vùng bãi biển ven tỉnh lộ 639 dù thiếu hệ thống ao xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước nhưng vẫn ồ ạt phát triển nuôi TTCT gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn dịch bệnh đến với con tôm.

Tại một số vùng nuôi ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát nhiều hộ đã tự ý san ủi, xây dựng ao nuôi tự phát trong vườn nhà.

Việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ phục vụ nuôi tôm với khối lượng lớn gây nhiễm mặn tầng nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân trong vùng.

“Ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân không nên phát triển nuôi tôm một cách tự phát, có thể một vài vụ nuôi đầu đạt năng suất cao, nhưng càng về sau nguy cơ thất bại càng lớn do môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Để phát triển bền vững nghề nuôi TTCT, chỉ nên nuôi tôm ở những nơi đã được ngành chức năng quy hoạch, có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, có nguồn cung cấp nước ngọt đầy đủ”, ông Tâm nói.

Theo khuyến cáo của Chi cục NTTS, để nuôi tôm đạt hiệu quả, trên hết, người nuôi phải thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp nuôi đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ quy định. Cần xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi tôm nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong SX, cùng nhau phát hiện sớm dịch bệnh tôm để dập tắt kịp thời; chọn mua tôm giống đạt chất lượng, và phải kiểm dịch tôm giống trước khi thả nuôi.

Các vùng nuôi TTCT năm trước bị dịch bệnh, năm nay nên chuyển sang nuôi tôm sú xen với các đối tượng thủy sản khác.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất