| Hotline: 0983.970.780

"Loạn" cung ứng giống lúa ở Quảng Ngãi

Thứ Hai 02/04/2012 , 14:43 (GMT+7)

Cửa hàng vàng, nơi bán phụ tùng ô tô, cửa hàng tạp hóa... đều kiêm cung ứng giống lúa!

Hàng năm, nhu cầu về giống lúa ở tỉnh Quảng Ngãi vào khoảng từ 6-7 ngàn tấn lúa thuần/75-80 ngàn ha gieo trồng. Thế nhưng hiện nay tại tỉnh này có không dưới 60 doanh nghiệp, cơ sở SX và kinh doanh lúa giống. Thị trường lúa giống ở địa phương này đang trong tình trạng bát nháo vô kể, dẫn đến tình trạng nông dân thường xuyên mua phải giống kém chất lượng gây thiệt hại nặng nề trong SXNN.  


Đến tiệm vàng cũng kèm kinh doanh giống cây trồng

Đua nhau buôn giống

Lang thang qua các vùng nông thôn của tỉnh Quảng Ngãi, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những tấm biển quảng cáo hoành tráng có, tuềnh toàng có, giới thiệu dịch vụ cung ứng giống cây trồng. Không khỏi ngạc nhiên, chúng tôi tìm về Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi để tìm hiểu. Hóa ra tình trạng bát nháo của thị trường cung ứng lúa giống ở địa phương này là có thật.

Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp có đăng ký hành nghề cung ứng giống cây trồng tại địa bàn Quảng Ngãi trong nhưng năm qua, chúng tôi không thể không... choáng. Gần 60 doanh nghiệp, cơ sở đăng ký. Trong đó, đếm không quá 10 đầu ngón tay các doanh nghiệp có hoạt động chuyên ngành bảo đảm uy tín, số còn lại hầu hết là những doanh nghiệp, cơ sở tay ngang kiêm thêm chuyện cung ứng giống cây trồng để kiếm thêm thu nhập.

Đơn cử: Cty TNHH XD SX&TM An Bình đóng ở thị trấn Đức Phổ (Mộ Đức) chuyên XD công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi, điện... cũng SX và cung ứng giống lúa. Nực cười hơn, Cty TNHH Đức Nghĩa Sơn ở lô 5 (KCN Tịnh Phong - Sơn Tịnh) chuyên khai thác than bùn, SX phân bón vi sinh cũng kèm luôn “món” cung ứng giống cây trồng. Thậm chí đến cả DN chuyên tư vấn về quản lý tài chính ngân sách, tiếp thị cũng kèm chuyện cung ứng giống lúa. Hoặc như Cty TNHH Hiệp Sơn, ngoài việc chuyên vận tải, bốc xếp còn kiêm cả cung ứng giống lúa. Cả những đơn vị đăng ký bán hàng tạp hóa như Cty TNHH Hiếu Thuận Nông cũng có chức năng bán lúa giống. Có những cái tên lạ hoắc như Cty TNHH Tư vấn và phát triển cộng đồng, buôn bán đồ uống cũng kèm thêm cung ứng lúa giống.


Bán phụ tùng ô tô kèm bán giống lúa

Ở những khu vực miền núi, chuyện SX và cung ứng lúa giống càng loạn hơn, ví như Doanh nghiệp tư nhân Thành Tâm ở thôn Bầu Sơn, xã Sơn Nham (Sơn Hà) chuyên khai hoang, SX thuốc hóa dược và dược liệu cũng làm thêm chuyện cung ứng lúa giống.

Ông Phan Ngọc Khai - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi) cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là làm thủ tục đăng ký kinh doanh, còn những tiêu chuẩn cần phải có để có thể hoạt động trong lĩnh vực cung ứng giống lúa cần phải qua sự kiểm định của ngành chức năng là Sở NN-PTNT”. Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ngãi, đến năm 2010 đã có gần 60 DN, cơ sở đăng ký ngành nghề SX, cung ứng giống cây trồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2011, Sở NN-PTNT tỉnh này chỉ mới “chốt” được có 34 đơn vị. Đồng nghĩa là có gần 30 đơn vị đang nằm ngoài vòng kiểm soát của ngành chức năng.

Hệ lụy

Rõ ràng, chuyện cung ứng giống lúa ở Quảng Ngãi quá bát nháo. Có nhiều DN đăng ký SX giống lúa nhưng trong tay không có “mảnh đất cắm dùi” nên chủ yếu chỉ mua đi bán lại, dẫn tới thị trường giống lúa ở địa phương này luôn đối mặt với những loại giống “rởm”, gây thiệt hại nặng nề cho SX. Ông Dương Văn Tô - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có một số DN Nhà nước và tư nhân SX giống lúa và những nguồn nhập giống lúa từ ngoài tỉnh vào cung ứng rất nhập nhằng.

Nông dân ở tỉnh này thường xuyên gặp phải những giống lúa kém chất lượng, hầu như năm nào cũng xảy ra. Do đó, trong mấy năm gần đây, ngoài những đợt thanh tra định kỳ, chúng tôi còn thường xuyên tổ chức những đợt thanh tra bất thường đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh giống lúa trên địa bàn, và đợt nào cũng phát hiện có đối tượng vi phạm”.

Ông Dương Đình Tô đơn cử với chúng tôi những trường hợp vi phạm xảy ra trong thời gian gần đây. Vào ngày 21/2/2011, Đoàn thanh tra của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi tiến hành thanh tra 21 mẫu giống lúa, ngô đang lưu hành trên địa bàn, trong đó có 13 mẫu lúa. Qua kiểm tra, có 3 mẫu lúa không đạt chất lượng, đó là giống Xi23 của Cty TNHH Nông lâm nghiệp TBT không đạt chỉ tiêu độ ẩm; giống NX30 của Cty TNHH Giống cây trồng Miền Trung cũng không đạt chỉ tiêu độ ẩm và giống HT1 của Cty CP GCT Nha Hố không đạt chỉ tiêu nẩy mầm và hạt khác giống.


Đi đâu cũng gặp cửa hàng giống

Hoặc như lần thanh tra mới đây nhất từ ngày 18-22/2/2012 về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động KD giống lúa vụ ĐX 2011-2012 tại 25 số đơn vị trên địa bàn tỉnh này, trong đó có 15 giống lúa. Lần thanh tra này, cơ quan chức năng lại phát hiện thêm 1 mẫu giống lúa của Cty CP GCT Nha Hố không đảm bảo chất lượng như công bố và đã bị án phạt hơn 5,5 triệu đồng.

Doanh nghiệp SX và cung ứng giống lúa làm sai chịu phạt đã đành, thế nhưng đối tượng gánh họa cuối cùng vẫn chỉ là nông dân. Ông Đỗ Lang (75 tuổi) ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) bức xúc: “Sau nhiều lần mua phải giống lúa kém chất lượng nên càng ngày nông dân tụi tui không còn biết tin vào đâu, cứ lấy lúa thịt ra làm giống cho chắc”.

Cần siết chặt

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mạnh - GĐ Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Miền Trung - Tây Nguyên cho biết: “Những đơn vị đăng ký hành nghề cung ứng giống cây trồng phải được ngành chức năng thẩm định kỹ điều kiện kinh doanh, có bao nhiêu diện tích ruộng để SX giống, nhà kho có đủ chuẩn không, có bao nhiêu cán bộ đủ năng lực. Riêng khi đăng ký SX lúa siêu nguyên chủng phải có cán bộ là kỹ sư”. 

Cũng theo ông Mạnh, lúa giống đang đứng vào nhóm 2 những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội của người tiêu dùng, sau những sản phẩm thuộc nhóm 1 là: thuốc trừ sâu, hóa chất và thuốc chữa bệnh. Do đó, cần quản lý triệt để về chất lượng và SXKD nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

“Trong năm nay, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thực hiện Thông tư số 79/2011/TT-Bộ NN-PTNT (ngày 14/11/2011) “Quy định về chứng nhận và công bố chất lượng giống cây trồng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật” nhằm giảm thiểu thiệt hại do giống của người trực tiếp SX”, ông Trần Văn Mạnh, GĐ Trung tâm khảo nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón vùng Miền Trung - Tây Nguyên.

Thế nhưng thực tế hiện nay, hoạt động này vẫn đang bị bỏ ngỏ, quản lý rất lỏng lẻo. Ông Nguyễn Tấn Diệp - Phó chủ tịch UBND thị trấn Mộ Đức (huyện Mộ Đức) bày tỏ: “Trong SXNN hiện nay, nông dân rất cần giống lúa có chất lượng cao. Thế nhưng hiện giống lúa được bán tràn lan, nông dân luôn phân vân không biết nơi nào để lựa chọn. Nhiều khi chúng tôi biết rõ có đơn vị đang hoạt động cung ứng giống lúa trên địa bàn không đủ tiêu chuẩn, thế nhưng họ đã được ngành chức năng cho phép hoạt động thì chúng tôi cũng không thể can thiệp. Thế nên khi có đơn vị nào về đây cung ứng giống, chúng tôi buộc phải có cam kết phải có trách nhiệm về những hậu quả thiệt hại”.

Từ thực tế xảy ra trên địa bàn, ông Diệp bức xúc cho biết thêm: “Có đơn vị về địa phương hợp đồng với hộ nông dân SX lúa giống sau đó họ bao tiêu sản phẩm. Có thời điểm cánh đồng lúa giống chưa kịp thu hoạch mà gặp mưa bão ngã rạp, lúa hư, họ không bao giờ chịu thu mua như cam kết. Thế nhưng sau đó họ lại bí mật cho tư thương đến thu mua với giá lúa thịt. Ai có thể cầm chắc số lúa hư đó không vào nằm trong kho của công ty kia với “chính danh” là lúa giống”.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm