| Hotline: 0983.970.780

Loạn khai thác tận thu cát ở Quảng Ninh: Ai chống lưng cho DN làm càn? - [Bài 3] Hợp thức hóa hàng triệu m3 cát?

Thứ Hai 23/12/2019 , 14:01 (GMT+7)

Nạo vét luồng tuyến để tận thu cát, ít doanh nghiệp nào thuận lợi như Cty Quan Minh và Cty Tân Lập, vì họ có sẵn đầu ra. Tuy nhiên, xung quanh việc cung cấp cát của 2 doanh nghiệp này cũng có nhiều vấn đề.

6 năm, 3 dự án ì ạch

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc san lấp mặt bằng, tôn tạo bãi tắm thuộc dự án Công viên Đại Dương, Cty TNHH Quan Minh và Cty TNHH Thương mại Tân Lập tiếp tục được thực hiện các dự án nạo vét trên địa bàn huyện Vân Đồn (tại Chương Cây Khế đến giáp huyện Tiên Yên và tại khu nước trước bến cập tàu Đông Hồ, xã Quan Lạn).

Theo văn bản được ký ngày 25/1/2018, 2 dự án trên đang thực hiện dở dang, đã nhiều lần được gia hạn nhưng chưa hoàn thành, thì sẽ tiếp tục được thực hiện để tận thu sản phẩm cát từ dự án, theo hướng chỉ phục vụ thi công san lấp mặt bằng, tôn tạo bãi tắm công cộng ven biển liền kề khu vui chơi Công viên Đại Dương.

Trước đó, trong văn bản tham mưu của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, cơ quan này cho rằng, khối lượng cát còn lại của 2 dự án đảm bảo đủ để cấp cát tôn tạo bãi tắm công cộng Bãi Cháy.

Tận thu cát từ nạo vét luồng lạch được xem là những dự án siêu lợi nhuận.

Cũng tại văn bản này, Sở Giao thông cũng nói rõ, 2 dự án trên do Cty TNHH Quan Minh là chủ đầu tư, được UBND tỉnh phê duyệt dự án năm 2009, Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, báo cáo UBND tỉnh trong năm 2016. Tiếp đó, UBND tỉnh lại có công văn để Cty này tiếp tục triển khai dự án năm 2017. Như vậy, hơn một lần dự án được ưu ái gia hạn mà chưa nêu được lý do thuyết phục.

Trong báo cáo thống kê, Sở Giao thông cho biết, khối lượng đã thực hiện (theo báo cáo của Cty Quan Minh) tại dự án nạo vét luồng tàu thuộc huyện Vân Đồn, đoạn từ Chương Cây Khế đến giáp huyện Tiên Yên, là 562 nghìn m3 trong tổng số 4,1 triệu m3 theo hồ sơ thiết kế, đạt 15% khối lượng.

Dự án nạo vét khu nước trước bên và luồng tàu vào bến cập tàu Đông Hồ, xã Quan Lạn là 2,65 triệu m3 trong tổng số 5,8 triệu m3, đạt khoảng 46% khối lượng theo hồ sơ thiết kế, chưa tính khối lượng bồi lắng vì một số đoạn tuyến đã nạo vét nhưng bị bồi lắng trở lại.

Như vậy, tổng khối lượng nạo vét của cả 2 dự án đạt khoảng 3,2 triệu m3. Nếu không tính sàng tuyển, chọn lọc, mà đơn thuần khối lượng này là cát, thì cũng chưa đủ để đổ vào san lấp mặt bằng, tôn tạo bãi tắm của Công viên Đại Dương.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, khối lượng cát cần cung ứng cho bãi tắm này khoảng hơn 5 triệu m3. Trong đó, chủ đầu tư bãi tắm yêu cầu (được tỉnh đồng ý) là cát trắng dùng để san lấp, tôn tạo chỉ được lấy từ khu vực Minh Châu, Quan Lạn thuộc huyện Vân Đồn. Mà tại khu vực này, chỉ có 2 dự án của Cty Quan Minh và Cty Tân Lập khai thác cát. Và 2 Cty này cũng được chỉ định để đổ cát cho bãi tắm Công viên Đại Dương.

Câu hỏi đặt ra là, với khả năng cung ứng chỉ 3,2 triệu m3, thì gần 2 triệu m3 nữa DN cung ứng cát lấy ở đâu để bù đắp vào lượng thiếu hụt đó. Phải chăng là lấy từ nguồn cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ (cát lậu)?.

Còn nếu 2 DN cung ứng đủ lượng cát (vì bãi tắm đã hoàn thành và đưa vào khai thác) thì có hay không việc DN báo cáo không trung thực với UBND tỉnh khối lượng cát tận thu thực? Nếu lập luận này đúng, thì DN đương nhiên trốn thuế bởi khai báo khối lượng khai thác thấp hơn thực tế.

Từ chi tiết này, đề nghị cơ quan công an, các ban ngành liên quan vào cuộc, làm rõ những khuất tất trong việc cung ứng cát của Cty Quan Minh và Cty Tân Lập (thực chất là của 1 ông chủ). Đồng thời, làm rõ xem có hay không việc mua bán hóa đơn để hợp thức hóa khối lượng gần 2 triệu m3 cát trên.

Về vấn đề này, báo NNVN sẽ phân tích trong 1 bài viết khác về các vi phạm vận chuyển cát không rõ nguồn gốc của Cty Quan Minh.

Dấu hỏi đằng sau 2 giấy phép khai thác cát tại Vân Đồn

Khẳng định với NNVN khi được hỏi về các vi phạm trong khai thác của Cty Quan Minh và Cty Tân Lập, Phó GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Văn Chiến, cho hay, từ tháng 5/2019 trở về trước, 2 DN này chưa bị xử phạt bao giờ, vì họ chưa được cấp phép khai thác cát. Chỉ có một số mỏ được chỉ định khai thác thăm dò.

Tuy nhiên, không đơn giản khi 2 DN này lại rất nổi tiếng tại Quảng Ninh trong lĩnh vực cung ứng cát xây dựng, cát san lấp mặt bằng (cho dù đến trước tháng 5/2019, cả 2 DN đều chưa chính thức được cấp phép khai thác mỏ cát nào).

Cát được hút từ biển, chở bằng đường thủy đến điểm cần cung ứng.

Nói đến ông Cường “cát” (Hoàng Văn Cường), Giám đốc Cty Quan Minh, thì trong giới kinh doanh cát và vật liệu xây dựng nhiều người biết. Ngoài làm chủ Cty Quan Minh, ông Cường còn lập ra 1 DN là Cty TNHH Thương mại Tân Lập (trước đây cũng do ông Cường làm giám đốc, nhưng có thông tin đã được chuyển nhượng cho người khác). 2 DN này không giấu giếm ý đồ độc chiếm thị trường cát tại Quảng Ninh.

Ngày 24/5/2019, Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1289 cho Cty Quan Minh về khai thác cát trắng silic tại xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn. Khu vực khai thác rộng 17,27km2, thời hạn khai thác lên đến 14 năm và 5 tháng.

Cùng ngày, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1288 cho Cty Tân Lập về khai thác cát trắng silic tại xã Minh Châu, huyện Vân Đồn. Khu vực khai thác rộng 1,81km2, thời hạn khai thác trong 7 năm 4 tháng.

Câu hỏi đặt ra là, với 2 DN đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ định thực hiện việc nạo vét luồng tuyến để tận thu cát, mà liên tục phải gia hạn thời gian, cộng với năng lực khai thác hạn chế, thì việc cấp phép khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên Môi trường có vội vàng và khuất tất?

Ngoài ra, theo một vị nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép khai thác các mỏ cát cũng không hề được thông qua, hoặc lấy ý kiến của tỉnh về việc này.

Báo NNVN sẽ tiếp tục thông tin cuộc làm việc với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên Môi trường) cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.