| Hotline: 0983.970.780

Loạng quạng vì mỏ quặng

Thứ Ba 31/05/2011 , 10:31 (GMT+7)

Những vạt đồi ở xã Nậm Búng đang bị oanh tạc. Những cánh đồng bậc thang của người dân nằm im lìm dưới lớp đất quặng dày đặc và hết cơ hội tái sinh.

Những vạt đồi ở xã Nậm Búng đang bị oanh tạc. Mầu nâu đỏ như máu của đất đang chảy tràn giữa cái nắng gắt. Những cánh đồng bậc thang của người dân nằm im lìm dưới lớp đất quặng dày đặc và hết cơ hội tái sinh.

Sống khổ trên "mỏ vàng"

Cách đây hơn chục năm, ít ai ngờ được rằng trên những quả đồi xanh mơn mởn tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn, Yên Bái lại có hàng chục mỏ quặng sắt nằm sâu dưới lớp đất màu mỡ. Nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, khi UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác mỏ cho một số doanh nghiệp thì những "mỏ vàng" này bỗng nhiên quay lưng lại với những người dân hàng ngày lao động cần cù nơi đây.

Ông Lê Thanh Hải, trưởng Công an xã Nậm Búng, đưa chúng tôi vượt đèo lên tới tận đỉnh Sài Lương - Nậm Chậu, nơi những chiếc xe xúc, xe ủi kềnh càng đang gầm rú xới tung từng mảnh ruộng. Chỉ tay về những cánh đồng, ông Hải nói trong tâm trạng xót xa: "Không thể trồng được gì nữa rồi các chú à. Rất nhiều khu ruộng đã bị bỏ hoang, đất đá từ trên cứ lao ầm ầm xuống ruộng, nguồn nước bị mất, bà con không canh tác được nữa".

Tâm trạng xót xa của ông Hải cũng dễ hiểu, bởi ruộng bậc thang không chỉ là "niêu cơm Thạch Sanh" mà còn là công trình nghệ thuật đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Phải mất bao đời họ mới tạo lên được, nay mất đi trong chớp mắt. Chính vì vậy, họ không dễ bỏ cuộc. Đã có những xô xát, những cuộc đấu khẩu và câu chuyện về an ninh chưa khi nào được đề cập nhiều đến thế.

"Kể từ ngày có mấy cái mỏ này, anh em công an xã chúng tôi vất vả hẳn ra. Có những điểm mỏ khai thác suốt đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà con. Đất đá lấp hết ruộng. Sáng hôm sau người dân kéo lên cãi vã, xô xát với nhân viên khu mỏ. Tình hình an ninh trật tự luôn ở tình trạng báo động nên tôi đã phải báo cáo huyện cử tới 7 đồng chí công an lên đây nằm vùng để đảm bảo an ninh”, trưởng công an xã Nậm Búng tâm sự.

Lên đến đỉnh Sài Lương, đứng giữa khu mỏ của doanh nghiệp Hoàn Thiện đang được cày xới nham nhở và bị bỏ hoang vì xảy ra tranh chấp, mới thấy tài nguyên quý giá của đất nước đang bị "cháy máu" nghiêm trọng đến thế nào. Có tới vài ngàn tấn quặng đã được “moi” khỏi mặt đất và đang nằm trơ giữa đồi để rồi khi mưa xuống, các chất thải độc hại cứ theo những dòng nước mà xối ào ào xuống nương rẫy phía lưng chừng đồi.

Theo thống kê, tại tỉnh Yên Bái hiện có hàng trăm điểm khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng ở hầu khắp các địa phương. Và theo cam kết thì các điểm này đều được điều hành, khai thác và xử lý nước thải đảm bảo, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhưng trên thực tế thì những lời cam kết ấy theo gió bay đi.

Ở xã Nậm Búng hiện có 8 điểm mỏ. Cánh đồng Sài Lương - Nậm Chậu trước đây chỉ có 30 ha, sau đó bà con khai hoang thêm, diện tích cánh đồng hiện nay khoảng 35 ha. Việc khai thác quặng sắt trong thời gian gần đây do không xử lý tốt nên diện tích ruộng bị lấp tại Sài Lương - Nậm Chậu có thể lên tới 10ha. Không một điểm mỏ nào là không từng bị dân kéo lên phản đối vì làm tổn hại đến môi trường. Hoang tàn nhất là điểm mỏ Hoàn Thiện, Hùng Loan và HTX Tú Lệ.

Về vai trò của chính quyền địa phương, ông Phạm Bá Dư, chủ tịch UBND xã Nậm Búng tâm sự gan ruột rằng: Không cho họ làm cũng không được vì họ đã được cấp phép, mà chúng tôi chỉ chả hay biết gì về chuyện này cả.

Một người dân vừa gùi sắn từ trong rừng về, khi gặp chúng tôi bức xúc phản ánh: Nước ô nhiễm lắm, lúa cấy không lên nổi. Máy xúc, máy ủi chạy suốt đêm, bà con không thể nào ngủ được đâu. Đền bù cho bà con được ít tiền nhưng giờ thì không còn ruộng để cấy nữa rồi. 

Được biết, theo thiết kế thì các khu mỏ này đều có bãi thải, các bãi thải này không ảnh hưởng tới sản xuất của người dân. Với quan sát của chúng tôi thì bãi thải mỏ sắt Sài Lương - Nậm Chậu nằm trên độ cao từ 500-800m, với độ dốc rất lớn thì hàng chục ngàn khối đất đá thải từ các khai trường sẽ đổ ập xuống ruộng của người dân khi mùa mưa đến là điều dễ xảy ra.

Chủ mỏ tranh chấp

Không chỉ mất "niêu cơm Thạch Sanh", người dân sinh sống nơi mỏ quặng còn phải chịu trận khi tình trạng các chủ mỏ tranh chấp và bán mỏ đang diễn ra nghiêm trọng.

Tháng 6/2008, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép Cty Cổ phần Xây dựng Hoàn Thiện (trụ sở tại xã Vân Phú - TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) được khai thác khoáng sản tại mỏ quặng sắt tại thôn Nậm Chậu, thôn Sài Lương, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn. Tiếp đó, tháng 11/2008, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định 1856 thu hồi 306.001,1m2 đất nông nghiệp (ruộng bậc thang) của các hộ gia đình, cá nhân và đất đồi chưa sử dụng do UBND xã Nậm Búng đang quản lý tại thôn Sài Lương và thôn Nậm Chậu để cho Cty Hoàn Thiện thuê đất khai thác khoáng sản, xây dựng nhà máy chế biến, làm các công trình phụ trợ, bãi ém thải…

Trong quyết định này cũng quy định rõ trách nhiệm của Cty Hoàn Thiện: “Trong quá trình khai thác và hoạt động khoáng sản phải tuân thủ theo đúng thiết kế khai thác được phê duyệt, không được làm ảnh hưởng tới các thửa đất của các hộ dân canh tác liền kề…”.

Tuy nhiên, thực tế đã không như vậy, bởi sau khi có được giấy phép này thì ngày 16/1/2010 Cty Cổ phần Xây dựng Hoàn Thiện đã ký hợp đồng kinh tế với một doanh nghiệp khác là Doanh nghiệp Dung Quang để khai thác mỏ quặng sắt Sài Lương - Nậm Chậu. Theo bản hợp đồng này, Cty Hoàn Thiện đã cho đối tác được phép “đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, kho tàng, bến bãi, đường công vụ và các cơ sở vật chất khác để phục vụ công tác khai thác, chế biến trong suốt quá trình hoạt động của mỏ”. Đổi lại, Cty Hoàn Thiện sẽ được chia 30% sản lượng thành phẩm, đối tác được 70%.

Khi hỏi về việc có hay không việc buông lỏng quản lý các khu mỏ sau khi đã được cấp phép thì ông Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh cho rằng: Đây là việc làm của nhiều cơ quan, chính quyền chứ Sở TN - MT chỉ cấp phép, khi cấp cũng đã thẩm định các doanh nghiệp, họ đủ điều kiện thì mới cấp phép. Còn sau khi cấp phép nếu có vi phạm thì cần phải thanh tra kiểm tra xem mức độ vi phạm như thế nào…

Sau khi doanh nghiệp Dung Quang đưa máy móc vào khu mỏ mở đường và tổ chức khai thác, do bất đồng nên cuối năm 2010, Cty Hoàn Thiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp Dung Quang không chấp nhận yêu cầu này nên giữa hai doanh nghiệp đã xảy ra tranh chấp quyền khai thác mỏ sắt. Cho tới lúc này, trong khi Cty Hoàn Thiện vẫn đang tranh cãi về quyền khai thác mỏ sắt thì hàng chục hộ dân ở xã Nậm Búng đã phải gánh hậu quả từ việc khai thác mỏ của họ gây ra.  Nhiều người dân đã lên tận khu mỏ, tìm vào tận nơi khai thác để hỏi, tuy nhiên chủ mỏ thì ở tận đẩu tận đâu, chỉ có những người công nhân làm thuê ở đấy.

Khi chúng tôi đề cập tới vấn đề nêu trên, ông Trần Văn Mộc, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, cho biết: “Huyện đã giao cho các cơ quan chuyên môn. Chúng tôi không liên quan đến viêc làm ăn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự giải quyết. Chúng tôi chỉ quan tâm đến vấn đề an ninh trên địa bàn. Đất đá lăn xuống ruộng, bà con kéo lên xô xát.  Hiện chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo, đồng thời nhắc nhở các doanh nghiệp giải quyết ổn thỏa không gây mất an ninh trên địa bàn huyện".

Vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai khi để xảy ra tình trạng này? Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh cho biết: “Chúng tôi đã nắm được tình hình và thành lập tổ công tác. Nếu chuyển nhượng không được phép thì sai phạm và sẽ thu hồi giấy phép nếu đủ điều kiện”.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.